Những bất ngờ đến từ nền điện ảnh không… sốc, sex, bạo lực
(Dân trí) - Đạo diễn người Iran của phim “Fish & Cat” (Cá và mèo) đã giành giải Đạo diễn Phim dài xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Hà Nội. Với một truyện phim đơn giản đến “không tưởng”, có gì đặc biệt khiến vị đạo diễn này được vinh danh?
Lấy cảm hứng từ một tin đồn thổi rằng có một nhà hàng nọ ở một vùng quê đã cho khách hàng ăn thịt bò trộn lẫn thịt người, “Fish & Cat” thoạt tiên khiến người xem hình dung đây sẽ là một bộ phim rùng rợn, bạo lực và đẫm máu. Đối với một nền điện ảnh đạo Hồi như của Iran, hẳn đây sẽ là bộ phim giết chóc đầu tiên được thực hiện, nhưng hóa ra không phải vậy.
Đạo diễn người Iran - Shahram Mokri đã đưa tới cho khán giả của LHP Quốc tế Hà Nội một bộ phim dài hơn hai tiếng được quay chỉ bằng một chiếc máy quay duy nhất, ghi lại chuyến du ngoạn của một nhóm sinh viên đại học đến cắm trại ven hồ. Họ bị theo dõi bởi ba người đàn ông làm nghề nấu bếp đang muốn… làm thịt nhóm sinh viên theo đúng nghĩa đen.
Được thực hiện bởi một máy quay duy nhất, “Fish & Cat” - phim truyện nhựa thứ hai của đạo diễn Shahram Mokri - đã có những thể nghiệm mới mẻ trong cách dựng phim, giúp phim giành được giải Nội dung Sáng tạo tại LHP Venice, giúp đạo diễn Mokri được những người trong giới nhìn nhận như một tài năng mới của nền điện ảnh Iran.
“Fish & Cat” lại một lần nữa được công nhận khi đạo diễn Shahram Mokri được trao giải Đạo diễn Phim dài xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Hà Nội.
Khán giả xem bộ phim này có lẽ cần được chuẩn bị trước tâm lý rằng “Fish & Cat” là một bộ phim “mệt óc”. Phim không có những trường đoạn cao trào, mạch phim theo kiểu tường thuật cứ thế trải ra đều đều trước ống kính.
Thậm chí cách tường thuật của phim cũng khiến khán giả “ngơ ngác” bởi các sự việc đơn giản nhưng được bố trí một cách rất phức tạp, đạo diễn cố tình tạo nên những đứt gãy trong dòng thời gian tuyến tính, đưa vào những tình huống nhiều khi không có mối liên hệ với phim.
“Fish & Cat” gồm những truyện lồng truyện, tình huống lồng tình huống, khán giả hồi hộp chờ đến cảnh tội ác xảy ra, nhưng cứ tưởng đang tiến gần tới cao trào của phim, thì tình huống lại giật lùi về cảnh trước, cứ thế, tưởng tiến lên nhưng hóa ra đang lùi lại trong dòng thời gian.
Sự tiến lùi về mặt thời gian trong phim như thể một cái bẫy mà trong đó các nhân vật và cả người xem bị mắc kẹt không biết bao giờ mới thoát được ra.
Mạch phim có thể sẽ khiến những người xem thiếu kiên nhẫn hoặc chưa được chuẩn bị trước cảm thấy mệt mỏi, khi đi mãi, đi mãi, nhân vật lại trở về đúng điểm xuất phát ban đầu như thể một điềm báo đen đủi, như một cơn ác mộng kéo dài trở đi trở lại.
Những truyện lồng truyện theo kết cấu vòng tròn của phim bắt đầu từ một nhà hàng lụp xụp, bẩn thỉu do hai người đàn ông kỳ quái và hung hãn làm chủ. Gần đó có một khu rừng và một cái hồ, nơi một nhóm học sinh đang dựng lều để chuẩn bị tổ chức một cuộc đua diều.
Đạo diễn đã khéo dựng lên một bầu không khí kỳ quái xung quanh khu hồ khiến người am hiểu điện ảnh nhớ ngay tới những bộ phim kinh dị nổi tiếng nhất của điện ảnh Hollywood.
Những nhân vật của phim cứ lần lượt bước vào và ra khỏi khuôn hình, máy quay duy nhất của phim dường như được quyền lựa chọn sẽ theo chân nhân vật nào trong rất nhiều nhân vật để nó lựa chọn.
“Fish & Cat” chỉ sử dụng một máy quay duy nhất, đứng trước nhiều nhân vật, trước nhiều hướng đi với những câu chuyện khác nhau, người ta chỉ có thể chọn một. Máy quay “lảo đảo” theo chân một nhân vật mà nó lựa chọn, từ đó phản ánh nội tâm nhân vật và cũng là một cách diễn đạt nghệ thuật.
Nhanh và chậm, cao và thấp, gần và xa, đó là những góc nhìn nghệ thuật được thể hiện qua chiếc máy quay duy nhất của phim. Trong “Fish & Cat”, chuyển động của máy quay tự thân nó cũng là một cách biểu đạt nghệ thuật.
Dù trong phim, đạo diễn Mokri có đưa vào những yếu tố rùng rợn để tạo nên cảm giác sợ hãi, nhưng anh không hề sử dụng một cảnh bạo lực nào. Điều này phù hợp với “thuần phong mỹ tục” của điện ảnh Iran, đồng thời, nó để lại nhiều khoảng trống cho khán giả tự tưởng tượng ra những chuyện kinh hoàng nhất đã xảy ra với một số nhân vật.
Kết phim, khán giả sẽ cảm thấy phần nào hụt hẫng khi một tội ác ghê rợn được kể ở đầu phim lại chỉ được gói gọn trong hình ảnh chiếc tai nghe của một nhân vật nằm lại trên bàn xẻ thịt của người nấu bếp.
Người đầu bếp này sau đó đi vào trong rừng và trò chuyện với cô gái mà ngay từ đầu phim đã mất tích để lại sự lo lắng cho các bạn bè. Đó là một cảnh kết mà khán giả đã chờ đợi “quá lâu”, chờ trong hơn 2 tiếng xem phim, mới có thể đi tới.
Điều để lại cho người xem sau khi “Fish & Cat” kết thúc không phải là những cảnh phim rùng rợn, bạo lực, đẫm máu như người ta chờ đợi ở đầu phim, mà là một cảm giác ám ảnh, mệt mỏi và cuối cùng thở phào vì cơn ác mộng dai dẳng đã chấm dứt.
Một nền điện ảnh không sốc, sex, bạo lực
Điện ảnh Iran trong những năm gần đây được thế giới nhìn nhận như một nền điện ảnh bậc thầy về khai thác sâu sắc tâm lý nhân vật. Phim của họ luôn có những góc nhìn, cách thể nghiệm mới mẻ, luôn gây ra sự choáng ngợp cho giới làm phim. Trong phim của họ không có sốc, sex, bạo lực… Họ kể những câu chuyện rất đỗi đời thường bằng một cách hấp dẫn lạ lùng.
Tại LHP Quốc tế Hà Nội, có 3 phim Iran tham dự, “Fish & Cat” tranh giải ở hạng mục Phim dài và đã giành giải cho đạo diễn của phim.
Ngoài ra, ở hạng mục Điện ảnh Thế giới có phim “Ngôi nhà của cha” kể về sự ám ảnh của những thành viên trong một gia đình, sau khi một người phụ nữ trong nhà bị những người đàn ông của gia đình đó giết chết vì mục đích bảo toàn danh dự cho dòng họ.
Phim “Melbourne” kể về một cặp vợ chồng đang chuẩn bị ra sân bay để đi Melbourne du học thì người hàng xóm nhờ họ trông một đứa trẻ sơ sinh, đứa trẻ đó đã bất ngờ đột tử trong lúc ở nhà họ.
Có thể thấy trong phim của Iran, những câu chuyện mà họ đưa tới rất đời thường và đơn giản, nhưng chính cách dẫn dắt tâm lý nhân vật của họ đã làm nên tính nghệ thuật của phim.
Thế giới đã phải ngả mũ trước những bậc thầy khai thác tâm lý nhân vật trong nền điện ảnh Iran, phim Iran được đem chiếu tại các LHP Quốc tế hàng đầu thế giới, đem về nhiều giải thưởng.
Đứng trước một nền điện ảnh bị kiềm tỏa bởi vô số những rào cản do tập tục văn hóa đạo Hồi đưa lại, khi sốc, sex, bạo lực không thể đưa lên màn ảnh, người ta càng cảm phục những nhà làm phim Iran - những người tưởng như bị bó buộc đến không thể cựa mình lại có thể làm nên những bộ phim đầy tính nghệ thuật, mà mỗi khi xem xong, người ta đều tìm thấy cái gì đó để suy ngẫm.
Bích Ngọc