Những bật mí thú vị về nhạc sĩ Thế Song và ca khúc “Nơi đảo xa”
(Dân trí) - Nhạc sĩ Lương Nguyên từng có nhiều năm gần gũi và làm việc chung với nhạc sĩ Thế Song tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông đã kể lại nhiều kỷ niệm thú vị về người anh đặc biệt của mình.
“Cây” bóng bàn có tiếng của Đài Tiếng nói Việt Nam
Nhạc sĩ Lương Nguyên cho biết, nhạc sĩ Thế Song chính là anh ruột của nhạc sĩ Văn Dung. Ngày xưa, cả hai anh em nhạc sĩ đều là những hợp xướng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, tức là ca sĩ hát tốp ca trong dàn nhạc.
Nhạc sĩ Văn Dung chính là tác giả của hàng loạt ca khúc như: Giải phóng quân ta ra đi, Tiến về Khe Sanh, Đường Trường Sơn xe anh qua, Bài ca Đường 9 chiến thắng, Tình ca đất mỏ, Vì một hành tinh xanh, Em với rừng Hoàng Liên, Chiều xa thành phố cảng… Ông từng là Trưởng phòng Ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam và nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội.
“Anh Thế Song hoạt động một thời gian ở dàn nhạc, khi hết tuổi hát, anh chuyển lên làm công việc biên tập âm nhạc. Anh ấy làm biên tập chính của chương trình âm nhạc “Sau đây là” phát thường xuyên trên Đài vào 7h30 sáng hàng ngày. Anh Thế Song là một người hiền lành, chân chất, thân thiện, vui vẻ, trẻ trung... Anh ấy còn là một “cây bóng bàn” có tiếng của Đài thời bấy giờ.
Anh ấy đánh bóng bàn giỏi lắm, tham gia giải nào cũng giành chức vô địch. Anh ấy đánh bóng bàn giỏi còn hơn cả viết nhạc ấy chứ. Trong công việc, anh Thế Song cần mẫn và trách nhiệm lắm. Đối với một người biên tập như thế là quý lắm! Ngoài việc sắp đặt bài hát cho hợp lý, anh Song còn viết nhạc để chương trình của mình thu hút thính giả nghe Đài”, nhạc sĩ Lương Nguyên kể.
Theo nhạc sĩ Lương Nguyên, lúc ông làm quản lý của Ban Âm nhạc – Đài Tiếng nói Việt Nam thì ban có mấy phòng như: phòng nhạc mới, phòng dân ca, phòng thiếu nhi... Vì thế, ông thường xuyên làm việc cũng như tiếp xúc với các nhạc sĩ, trong đó có nhạc sĩ Thế Song. Và ông thấy mọi người trong ban/phòng đều rất quý mến tài năng cũng như cách sống của nhạc sĩ “Nơi đảo xa”. Ông sống với mọi người rất tình cảm và chan hoà. Ông không bao giờ giận hờn hoặc hận thù ai.
Ca sĩ Trọng Tấn cũng chia sẻ, anh có cơ hội được làm việc chung với nhạc sĩ Thế Song khi ông còn làm việc ở Hội Âm nhạc Hà Nội. Qua những lần làm việc chung, anh cảm nhận thấy nam nhạc sĩ là một người sống rất bình dị, vui vẻ và tâm huyết với âm nhạc. Chính ông là người đã phân tích cặn kẽ cho nam nghệ sĩ về ý nghĩa văn học của từng câu, từng chữ, từng giai điệu... trong bài hát “Nơi đảo xa”.
“Nhạc sĩ dặn khi hát đến “ta vượt qua... vượt qua” phải ngân vang để thể hiện tinh thần mạnh mẽ trong khát vọng vươn ra biển lớn. Ông cũng khuyên nên nghe lại bản thu của ca sĩ Tiến Thành để thấm hơn tinh thần của bài hát mà thể hiện cho thật tròn trịa”, ca sĩ Trọng Tấn bày tỏ.
Sáng tác “Nơi đảo xa” khi chưa hề đến Trường Sa
Theo nhạc sĩ Lương Nguyên, nhạc sĩ Thế Song sáng tác rất nhiều ca khúc thuộc nhiều đề tài khác nhau nhưng được biết đến nhiều hơn cả là bài “Nơi đảo xa”. Bài này nam nhạc sĩ sáng tác vào năm 1979 khi thực tế sáng tác tại các đồn biên phòng ở Quảng Ninh.
“Thực ra, chuyến đi đó có nhiều nhạc sĩ cùng đi và mục đích chính là viết về đồn biên phòng chứ không chủ trương viết về hải đảo. Tuy nhiên, trên đường về lại Hà Nội, anh ấy nghỉ tại trạm sửa chữa tàu biển của bộ đội hải quân ở Hạ Long. Khi nghe em hải quân ở trạm kể cho nghe nhiều câu chuyện cảm động về cuộc sống thiếu thốn (tình cảm lẫn vật chất) nơi đảo xa… anh Thế Song đã cảm hứng viết ngay lời thứ nhất ca khúc này.
Tức lời thứ nhất ca khúc “Nơi đảo xa” ra đời trên đoạn đường từ Quảng Ninh về Hà Nội. Phần lời thứ hai của ca khúc được anh ấy viết tại nhà riêng. Bài này khi viết xong được anh Nguyễn Mạnh Thường thực hiện phần phối nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Thường thời đó cũng là một biên tập viên âm nhạc xuất sắc của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tại sao ca khúc này khi viết xong, cố nghệ sĩ Tiến Thành lại hát đầu tiên, là vì thời đó các ca khúc mới viết xong sẽ được một hội đồng biên tập nhạc (gồm một số nhạc sĩ: Hồ Bắc, Lưu Cầu, Phạm Tuyên…) duyệt. Ai sáng tác xong bài nào mới cũng đều phải thông qua hội đồng duyệt này cả. Khi bài hát được thông qua liền chuyển xuống dàn nhạc để tiến hành thu âm. Ca sĩ Tiến Thành chính là người được giao hát bài này đầu tiên.
Ca sĩ Tiến Thành thời đó là một “ngôi sao”, nổi tiếng còn hơn cả Tùng Dương bây giờ. Sau đó, ca khúc lại được anh Ngọc Tân, Trần Khánh… thể hiện. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, phần thể hiện của ca sĩ Tiến Thành vẫn lay động cảm xúc của nhiều người. Lúc sinh thời, anh Thế Song mê phần thể hiện của anh Tiến Thành lắm, anh ấy nghe đi nghe lại rất nhiều lần bản thu này. Phải nói, phần phối nhạc của anh Nguyễn Mạnh Thường rất xuất sắc bởi khơi gợi được cảnh biển đảo, tình yêu và nỗi nhớ trong ca khúc. Bây giờ tôi thấy người ta phối đi phối lại đủ kiểu nhưng chưa chắc hay bằng bản phối đầu tiên
Anh Thế Song viết ca khúc “Nơi đảo xa” xong rất lâu sau mới đi Trường Sa. Phải đến năm 2002, anh ấy, tôi và một số nhạc sĩ mới có chuyến ra thăm các đảo ở Trường Sa. Chuyến đi đó có nhiều kỷ niệm vui lắm. Nhưng mà những kỷ niệm vui lại không kể ra được (cười), còn những kỷ niệm “ăn cơm uống nước” kể ra lại thường tình quá”, nhạc sĩ Lương Nguyên nhớ lại.
Nhạc sĩ Thế Song tên thật Nguyễn Thế Song, sinh 1/12/1933 tại Bích Câu, Hà Nội. Năm 1955 , ông là diễn viên hát tại Đoàn Ca nhạc Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam) và sau đó là cán bộ biên tập âm nhạc của Đài.
Ông tự học các môn hòa thanh, phối khí và lý luận âm nhạc. Hoạt động của ông chủ yếu là dàn dựng các tiết mục âm nhạc phát trên sóng, thành lập thêm các chuyên mục, làm phong phú thêm các chương trình phát sóng, khuyến khích phong trào ca nhạc của đông đảo người yêu nhạc.
Sau 40 năm làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Thế Song nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu ông vẫn cộng tác với ban biên tập âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, tham gia hoạt động âm nhạc của Hội Âm nhạc Hà Nội với ba nhiệm kỳ là Ủy viên Ban Chấp hành (từ 1995-2010).
Nhạc sĩ Thế Song đã viết gần 600 ca khúc gồm nhiều đề tài - thể loại khác nhau. Một số tác phẩm nổi bật: Nơi đảo xa, Ngôi nhà lính đảo, Biển mưa, Biển chuyện tình hóa đá, Hoa hồng biển đảo, Mênh mang Trường Sa, Tình em theo cánh sóng, Hát từ vùng gió xoáy, Hòn mưa, Sóng ru... Năm 2014, nhạc sĩ Thế Song bị tai biến mạch máu não lần thứ hai và liệt nửa người, phải ăn bằng ống xông vì tai biến. Ông còn mang trên mình căn bệnh tiểu đường khiến việc hấp thụ thức ăn khó khăn.
Năm 2017, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: “Nơi đảo xa”, “Bài ca trên đỉnh Pò Hèn”, “Tình yêu bên suối”.
Ông trút hơi thở cuối cùng vào hồi 18h05 ngày 20/5/2018 (tức 6/4 âm lịch). Lễ viếng được tổ chức từ 7h30 đến 8h45 vào ngày 24/5 (tức 10/4 âm lịch) tại Nhà tang lễ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội.
Hà Tùng Long