Nhuận bút nghệ thuật: Hít khí giời để lao động?
Lâu nay, nghệ sỹ điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật nhiếp ảnh và các loại hình biểu diễn khác than phiền về mức nhuận bút lạc hậu, mà người trong giới thường đùa là như hít khí giời để lao động nghệ thuật.
Thế nhưng, Nghị định mới về nhuận bút tác phẩm nghệ thuật vừa ban hành đã lại gây tranh cãi.
Nghệ sĩ dễ thở hơn với qui định mới về nhuận bút, thù lao.
Nghệ sĩ dễ thở hơn với qui định mới về nhuận bút, thù lao.
Trong họp báo chiều 18/3 tại Bộ VHTT&DL để giới thiệu về Nghị định 21 do Thủ tướng ký ban hành hôm 14/2, nhiều ý kiến thắc mắc và chưa thỏa mãn với một số điểm trong văn bản.
Khích lệ sáng tạo
Lâu nay, nghệ sỹ điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật nhiếp ảnh và các loại hình biểu diễn khác than phiền về mức nhuận bút lạc hậu, mà người trong giới thường đùa là như hít khí giời để lao động nghệ thuật.
Nghị định 21, có hiệu lực từ 15/4/2015, quy định về nhuận bút, thù lao đối với việc sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Hỏi ý kiến NSƯT Chí Trung, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, anh nói mức chi trả thù lao tăng lên mừng đấy, nhưng cũng lo vì áp lực xã hội hóa các nhà hát đẩy người quản lý thêm gánh nặng. Tuy thế, theo giải thích của đại diện Cục Bản quyền tác giả, Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước. Trong trường hợp khác, các bên hoàn toàn thỏa thuận, có thể vận dụng nghị định này.
So với nghị định cũ, nghị định mới sửa đổi, bổ sung các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, đối tượng hưởng và mức nhuận bút, thù lao cho phù hợp với quy định của luật và thực tiễn. Cụ thể, trong phần điện ảnh, Nghị định 21 bổ sung một số chức danh sáng tạo như đạo diễn hình ảnh, thiết kế âm thanh, người làm kỹ xảo, người làm hóa trang.
Thêm nữa, nguyên tắc trả nhuận bút, thù lao mới phù hợp hơn với Luật Sở hữu trí tuệ và thực tiễn. Theo đó, nguyên tắc thỏa thuận giữa bên sử dụng tác phẩm với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, giữa các đồng tác giả, đồng chủ sở hữu được đưa vào. Nguyên tắc này cũng đảm bảo quyền lợi cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả gốc khi tác phẩm phái sinh được khai thác, sử dụng.
Tranh cãi
NSƯT Tạ Duy Ánh, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam không thỏa mãn khi các loại hình biểu diễn khác có hai cách tính nhuận bút thù lao là dựa trên mức lương cơ sở và doanh thu buổi biểu diễn, riêng nghệ sỹ xiếc chỉ được tính theo doanh thu. Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả lí giải, quy định này dựa trên cơ sở kế thừa Nghị định 61. “Trong quá trình soạn thảo, chúng tôi cũng xin ý kiến các cơ quan liên quan nhưng không nhận được hồi âm”, bà Oanh nói.
“Tôi chưa thấy thỏa mãn, vì bên xiếc cũng có đầy đủ thành phần sáng tạo là đạo diễn, biên kịch và các bộ phận trong nhà hát khi xây dựng tác phẩm kịch xiếc đầy đủ. Kịch hát, múa rối đều có hai hình thức tính, tại sao xiếc lại không”, nghệ sỹ Ánh nói thêm.
Đại diện ban soạn thảo cho rằng, khi được hỏi ý kiến, Giám đốc Liên đoàn Xiếc đề nghị giữ nguyên hình thức. Phóng viên hỏi một số vị phó giám đốc nhà hát khác, cũng nhận được câu trả lời không biết gì về bản góp ý này, chắc chỉ hỏi đến ý kiến giám đốc thôi.
NSND Lê Ngọc Cường, Phó chủ tịch thường trực Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam cũng bày tỏ sự chưa thỏa mãn. “Hội nhận được bản dự thảo, chúng tôi đọc rất kỹ và góp ý rất đầy đủ các lĩnh vực nghệ thuật. Có cái khó là nghị định ban hành rồi, giờ chả biết thế nào, nhưng tôi đồng ý với thắc mắc của nghệ sỹ Tạ Duy Ánh. Thêm nữa, nhuận bút 52,4% của Khúc khởi nhạc (Overture) có phải quá cao so với Giao hưởng thơ”, ông nói. Người phát ngôn Bộ VHTT&DL, TSKH. Phan Đình Tân lí giải, trong trường hợp này Khúc khởi nhạc được tính là tác phẩm độc lập, không đơn giản là đoạn nhạc dạo đầu của một bản nhạc.
Một trong những vấn đề được báo giới quan tâm nhất là nhuận bút tác phẩm điện ảnh. Với những phim Nhà nước đặt hàng mà vẫn có thêm hỗ trợ bên ngoài không bằng tiền mặt, có cách nào tính vào chi phí sản xuất? Đại diện Cục Điện ảnh trả lời, nhuận bút chỉ dựa trên số kinh phí Nhà nước đặt hàng cho tác phẩm ấy. Được biết, từ nay trở đi không có chuyện hỗ trợ một phần kinh phí sản xuất phim, chỉ có hình thức đặt hàng vốn Nhà nước hoàn toàn.
Trong điện ảnh, nhuận bút của biên kịch và đạo diễn như nhau, trừ mảng phim truyện thì đạo diễn nhỉnh hơn biên kịch một chút. Với loại hình sân khấu, khoảng cách thù lao biên kịch và đạo diễn quá lớn. Đạo diễn Anh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ, tăng nhuận bút tốt quá rồi, nhưng chênh lệch giữa biên kịch và đạo diễn quá lớn, 48,6% . “Đành rằng biên kịch viết lên tác phẩm, nhưng đạo diễn cũng lăn lộn, lao tâm khổ tứ đưa trang giấy thành hình hài trên sàn diễn”, Anh Tú nói.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn chủ trì họp báo trấn an, những thắc mắc này sẽ được làm rõ trong Thông tư hướng dẫn sắp tới.
Chính phủ mới ban hành quyết định số 210 phê duyệt Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, xác định văn hóa đối ngoại do mọi tầng lớp xã hội thực hiện, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Chiến lược này xác định mục tiêu quảng bá giá trị văn hóa của dân tộc ra thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phát triển ngành công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp và đồng bộ, khuyến khích xuất khẩu văn hóa. Cụ thể, sắp tới nước ta thiết lập đội ngũ Tham tán văn hóa ở nước ngoài. |
Theo Toan Toan
Tiền Phong