"Như tôi đã sống": Bản hùng ca nơi tuyến lửa, khúc hoan ca giữa thời bình
Tối 28/1, tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô Hà Nội, khán giả đã được xem một vở nhạc kịch hào hùng và vô cùng sâu sắc mang chủ đề "Như tôi đã sống". Đây cũng là đêm nghệ thuật đặc biệt nằm trong chuỗi chương trình "Vàng son một thuở" vinh danh tác giả, tác phẩm của anh hùng lao động - đại tá - nhà thơ Nguyễn Đăng Giáp.
Trong điều kiện thời tiết vô cùng giá lạnh và dư âm của U 23 Việt Nam còn rất nóng, nhưng khán phòng của Cung Việt - Xô vẫn không còn một chỗ trống. Từng dòng người vẫn kéo tới để thưởng thức và gặp gỡ một người con đặc biệt của mảnh đất miền Trung gian khó - một người lính kiên trung - một quân nhân thành đạt và một nhà thơ lãng mạn mang tên Nguyễn Đăng Giáp.
Trong nền nhạc trầm hùng, tiếng thơ của chính tác giả Nguyễn Đăng Giáp vọng lên gợi đưa khán giả về một cõi xưa, vừa lắng đọng thiêng liêng vừa tràn đầy cảm xúc.
Những bài ca đã khắc họa trọn vẹn hình ảnh, tính cách con người của Nguyễn Đăng Giáp từ ấu thơ cho tới khi bước chân vào con đường binh nghiệp.
Ngay từ lúc còn nhỏ, cậu bé Nguyễn Đăng Giáp đã được ông nội gọi là "ngựa chiến" và dặn dò muốn thành công thì phải rèn luyện. Cậu bé Giáp vốn sáng dạ, thông minh, có chí lớn và luôn muốn dấn thân mình vào trong gian khó cho xứng chí làm trai:
..."Chẳng sợ hy sinh làm trai thời loạn
Mong có ngày về bái tổ vinh quy
Trên đất Nghĩa Đàn miền Tây xứ Nghệ
Mười bảy tuổi đời, chí lớn làm trai...
Khước từ tuyến sau làm bác sĩ
Vành tay lái là khát khao tuổi trẻ
Được bôn ba khắp các chiến trường..."
Trải qua mưa bom, đạn lửa, trải qua muôn vàn gian khó, nhưng trái tim người lính ấy luôn son sắt, vững vàng để rồi sau bao tháng năm, những thành quả mà Nguyễn Đăng Giáp gặt hái được thật đáng tự hào.
Và rồi, cũng chính Nguyễn Đăng Giáp đã khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tác thơ, nhạc cho nhiều nghệ sĩ, để đêm nhạc "Như tôi đã sống" thực sự là một hành trình chặt chẽ, súc tích với 4 chương khắc họa từng giai đoạn không thể nào quên trong trái tim của anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp.
Dưới bàn tay của biên đạo múa xuất sắc Trần Ly Ly, cả khung trời ấu thơ với quê hương thân thương, bóng dáng của cha mẹ, gia đình, của xóm làng thân thuộc được tái hiện, khiến cho khán giả như tìm thấy lại tuổi thơ của chính mình để nhớ về nguồn cội với "Quê hương tuổi thơ tôi!"
Mảnh đất Nghi Trường là nơi cậu bé Nguyễn Đăng Giáp đã có những tháng ngày êm đẹp trong vòng tay mẹ, đã có những trò chơi trốn tìm đuổi bắt cùng bạn bè và đã có những giấc mơ đẹp như cổ tích.
Quê hương vẫn cứ mãi mãi là Mẹ tảo tần một nắng hai sương, vẫn cứ là nhớ thương những vị mặn nồng của biển trời xứ Nghệ, vẫn cứ đậm những nghi thức của lễ hội đền Diên Cờ, ngôi đền từng được nhận 7 sắc phong qua các triều vua để ghi nhận đóng góp của những anh linh có công lao bình ổn quốc gia.
Được biết chính Đại tá, Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp là người có công rất lớn trong việc phục dựng đền Diên Cờ, vị đại tá cũng đã tự mình đúc kết rằng: "Cho dù đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần phát triển, con người vẫn coi trọng văn hóa tâm linh, xem đó như là nơi gửi gắm đức tin. ViệtNam không thể tách khỏi "thế giới phẳng" đó.
Những tâm sức vô cùng lớn lao của đại tá Nguyễn Đăng Giáp với quê hương mà đặc biệt là trong việc phục dựng đền Diên Cờ đã chứng tỏ tình cảm sâu đậm của ông dành cho nguồn cội.
Trong chương đầu tiên "Nhớ về nguồn cội", đạo diễn Phạm Hoàng Nam cùng biên đạo múa Trần Ly Ly đã dàn dựng những màn múa và cảnh trí rất ấn tượng qua các ca khúc: Nhớ về nguồn cội, Ơi quê mẹ ân tình, Nghi Trường khúc hát yêu thương và Đền Diên Cờ với phần biểu diễn của nhóm Cỏ lạ và ca sĩ Bảo Khánh (về từ hải ngoại).
Điều thú vị nhất trong chương trình "Như tôi đã sống" là sự liền mạch xuyên suốt liên kết các chương lại với nhau. Mỗi ca sĩ trở thành một diễn viên xuất sắc.
Chương 2 được tiếp nối với chủ đề "Gia đình và chiến trận". Đó là những phút giây bình yên bên mẹ cha và gia đình. Tình yêu và lòng hiếu thuận của cậu bé Nguyễn Đăng Giáp được thể hiện rất rõ qua các ca khúc: Năm tháng tuổi thơ tôi, Mẹ tôi, Cha tôi, Chuyện cha con, Bên ngoại mẹ tôi... Đó là niềm tự hào về truyền thống của gia đình, về những người thân yêu. Đó còn là những ký ức đẹp nhất, trong trẻo và ấm áp nhất trong trái tim của chàng trai mới lớn Nguyễn Đăng Giáp.
Thế rồi, những ngày tháng thơ mộng đó nhanh chóng kết thúc trong sự tiếc nuối bởi tiếng đạn bom của chiến tranh.
Xóm làng tiêu điều xơ xác, cha mẹ, vợ con, gia đình, anh em, bạn bè tan tác, chia ly. Những chàng trai lên đường theo tiếng gọi của non sông.
Cả không gian nhuốm màu bi thương của khói súng.
Nguyễn Đăng Giáp nhớ mãi tuổi 20 của mình cùng đồng đội. Với ông đó là những trang đời đẹp nhất, gian khó nhất, hào hùng nhất, khí phách nhất:
..."Đồng đội của tôi ơi!
781 anh hùng
Tuổi 20 ngập tràn yêu thương
Tôi gửi trọn trong vòng tay lái
Những chuyến xe một đi không trở lại
Con đường 20 đẹp nhất những trang đời
Con đường 20 của một thời 20..."
Những người lính với những bước quân hành ra tiền tuyến, còn chốn hậu phương chỉ còn lại phụ nữ và người già.
Và cũng trong giai đoạn này, người em trai của Nguyễn Đăng Giáp đã ở lại mãi mãi nơi trận tiền. Sự mất mát này đã vĩnh viễn để lại trong lòng ông một khoảng trống không bao giờ khỏa lấp được.
Ca khúc "Em tôi" qua phần thể hiện của ca sĩ Quang Linh cùng màn vũ kịch đã khiến cả khán phòng chìm trong niềm tiếc nhớ nhưng cũng bay vút lên khát vọng thanh tân của tuổi trẻ, sẵn sàng quên mình vì đất nước, quê hương.
Tạm biệt những khói lửa đạn bom, người lính trở về trong thời bình nhưng phải tiếp tục chiến đấu trên mặt trận không có tiếng súng. Mặt trận này cũng nguy hiểm và gian khó vô cùng với những cạm bẫy của "thương trường" - luôn rình rập, đe dọa mà chỉ cần sơ suất, thiếu tỉnh táo thì hậu quả sẽ khôn lường.
Nhưng với khí chất của một người đã kinh qua trận mạc, đã thề nguyện với non sông, đã giữ trọn đạo hiếu với cha mẹ thì người lính ấy luôn sáng suốt, bản lĩnh bước qua những khó khăn, vất vả để tiếp tục chèo lái con tàu (Tổng công ty 36) đến với bến bờ của vinh quang. Bởi hơn ai hết, người lính ấy hiểu rằng trên đôi vai ông còn gánh nặng cuộc sống của gần 10.000 con người và ông hàng ngày vẫn dẫn lối mưu sinh cho họ.
Từ anh lính lái xe Trường Sơn, giờ Nguyễn Đăng Giáp vẫn tinh tường, dẻo dai lái con tàu 36 đi tới nhiều bờ bến mới, góp phần xây dựng đất nước quê hương và trở thành niềm tự hào lớn cho những quân nhân trên mặt trận kinh tế.
Điều đó được thể hiện rất rõ nét qua chùm ca khúc: Hành trình 9 năm, Khúc ca 10 năm, Bản tình ca Binh đoàn lính thợ, Bài ca người anh hùng xứ Nghệ, Hành trình xích thố...với những phần biểu diễn đầy hùng tráng của Minh Vương, Nhóm Thời gian, Nhóm Belcato và ca sĩ Lê Anh Dũng.
Phần cuối của chương trình là chương "Cảm xúc mùa thu".
Khác với những oai hùng, bi tráng và sắc màu huyền thoại của các phần trước đó, chương cuối cùng của chương trình "Như tôi đã sống" khiến cho khán giả thực sự ngỡ ngàng khi thấy chất tự sự đầy vẻ hào hoa và lãng mạn của anh hùng lao động - đại tá Nguyễn Đăng Giáp.
Những khoảng lặng quý giá đã được "nghệ sĩ" Nguyễn Đăng Giáp chắt lọc và gửi gắm bằng tình yêu tuyệt vời, đó cũng là chất xúc tác giúp ông cân bằng cho cuộc sống, công việc của chính mình. Đó là: Khát vọng và tình yêu Hà Nội, Nốt lặng mùa thu, Nốt lặng còn lại, Tình khúc mùa thu... và nhất là Nắng ấm giữa mùa đông Hà Nội.
Với "Nắng ấm giữa mùa Đông Hà Nội" thì con người thơ nhạc của anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp thực sự mang tới cho mọi người sự bất ngờ thú vị. Bởi đây là ca khúc do chính ông viết lời và viết nhạc. Bài hát thể hiện tình yêu đặc biệt dành cho Hà Nội:
"Hà Nội với tôi là mối tình đầu, dâng hết những tháng ngày còn lại. Dẫu đông về con tim ta vẫn cháy cho những công trình nhuốm bụi thời gian... Đong đầy năm tháng Nam Đế, Nam Đồng bản cùng ca mưa nắng, cho ta hiểu thêm thế thái nhân tình... Tim ta đang ngân bản giao hưởng sông Hồng. Non nước trời mây và tình yêu Hà Nội, sương giá Tây Hồ sẽ qua rất vội, mơ lối ta về nắng ấm mùa Xuân..."
Phải yêu Hà Nội bằng trọn con tim thì Nguyễn Đăng Giáp mới có những ý nhạc lời ca nồng nàn đến thế! Rất tình tứ mà rất đỗi tự hào, rất mộng mơ mà vô cùng sâu sắc.
Ca sĩ Tùng Dương đã hát ca khúc này bằng tất cả lòng ngưỡng mộ, sự trân trọng đối với tác giả và bằng cảm xúc dạt dào của một ca sĩ khi tìm được bài hát xuất sắc phù hợp với tâm tư tình cảm của chính anh.
Đây cũng chính là ca khúc làm vỡ òa cảm xúc của hàng ngàn khán giả có mặt trong đêm nhạc "Như tôi đã sống".
Vị đại tá vốn ngày thường rất kiên cường, bỗng chùng lòng trước tình cảm của khán giả. Ông rưng rưng xúc động và bùi ngùi chia sẻ: "Hôm nay tôi rất vui mừng và xúc động, vì trong 2 ngày vừa qua quý vị đã thưởng thức nốt thăng vĩ đại của đội tuyển U23 Việt Nam. Hôm nay, tôi gửi lại quý vị một nốt lặng, giống như bài hát bỏ dấu hỏi, dấu huyền gửi cho đời nốt lặng. Đêm nay, chính là nốt lặng.
Trịnh Công Sơn nói: Đời người được hai thứ, thứ nhất là thân phận, thứ nhì là tình yêu, thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Còn quan điểm của tôi là hai thứ: thứ nhất là thời gian, nếu ước tôi ước 1 ngày có 36 tiếng; thứ 2 là cảm xúc. Con người ta không phải khi nào cũng có cảm xúc. Tôi tin chắc quý vị hôm nay thưởng thức những khúc ca kỷ niệm của đời tôi, thì đấy là cảm xúc.
Hôm nay tôi cũng muốn giải mã hai con số: Con số 781, đó là tiểu đoàn xe anh hùng 781 của binh đoàn 14, đường 20 Quyết Thắng, đoàn 159 và hôm nay có 30 đồng chí có mặt tham dự chương trình này.
Mã số thứ 2 là 672, trung đoàn xây dựng Lào từ năm 1976 đến năm 1986 , hôm nay có 10 đồng chí đi từ Nghệ An ra đây.
Tôi biết hôm nay thời tiết mưa gió giá lạnh, trong niềm hân hoan đón rước chào mừng đội tuyển U23 Việt Nam, nhưng quý vị vẫn dành chút thời gian tới đây cùng tôi khiến tôi vô cùng xúc động và rất cảm tạ".
Đêm nhạc khép lại khi đã về khuya, nhưng khán giả và những người yêu quý đại tá - anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp vẫn lưu luyến và nán lại thật lâu để chụp hình kỷ niệm và để tặng ông những bó hoa tươi thắm nhất.
"Như tôi đã sống" là một vở nhạc kịch xúc động miêu tả chân dung một người con ưu tú của mảnh đất Nghi Trường - Nghi Lộc.
"Như tôi đã sống" là bức tranh với nhiều sắc màu, là bản giao hưởng với tất cả các cung bậc âm thanh buồn vui, tiếc nhớ, chờ mong và hạnh phúc.
Như vị đại tá - anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp đã sống. Đó không chỉ là những vòng lái tài tình nơi tuyến lửa, không chỉ là những tài thao lược để đưa "đoàn quân 36" giành chiến thắng trên thương trường...; mà Nguyễn Đăng Giáp đã sống bằng tâm hồn của một thi sĩ - nhạc sĩ với những trang văn, trang thơ và những bài hát thấm đượm tình quê hương, đất nước, đạo hiếu và tình yêu đôi lứa.