Nhớ Phan Nhân và một thế hệ hát “Tình ca đất nước”

“Tình ca đất nước” là bài hát rất hay của nhạc sĩ Phan Nhân, cùng với “Hà Nội niềm tin hy vọng” và nhiều ca khúc khác. Ông qua đời tuần trước ở tuổi 85 nhưng sự nghiệp âm nhạc mãi xanh- cũng như Hoàng Hiệp, Phan Huỳnh Điểu...

Chất nghệ sĩ của nhạc sĩ Phan Nhân qua ống kính của Nguyễn
Đình Toán.

Chất nghệ sĩ của nhạc sĩ Phan Nhân qua ống kính của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán.


1. Năm 1994, nhạc hội Cả nước hát về Hà Nội nhân 50 năm giải phóng Thủ đô diễn ra mấy đêm liền ở Cung Văn hóa Hữu nghị, vang lên hàng trăm ca khúc hay về Hà Nội trong khoảng 600 ca khúc chủ đề này cả thảy.

Tôi đến khách sạn Việt Mỹ phố Lê Duẩn nơi ban tổ chức bố trí cho một số nhạc sĩ ở miền Nam ra- họ có bài được biểu diễn trong các đêm nhạc. Tôi phải lách qua Trịnh Công Sơn đứng án ngữ cầu thang cùng một cô gái xinh đẹp, để tìm gặp Phan Nhân, Hoàng Hiệp. Cô gái là người nhà bạn thân Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn “không yêu ai ngoài mẹ” theo Khánh Ly, nhưng năm ấy ông mới ngoài 50 và trông đa tình, còn ánh mắt cô gái kia không giấu nổi ngưỡng mộ, xao xuyến.

Tôi vào căn phòng có đủ Phan Nhân- Hoàng Hiệp, lát sau hai nhạc sĩ miền Bắc là Hồng Đăng và Thế Song, cả đạo diễn Huy Thành cũng ghé chơi. Phan Nhân là kiểu người gây thiện cảm ngay phút đầu gặp gỡ. Ngoại hình, phong cách cực kỳ nghệ sĩ, cực kỳ dễ thương. Phan Nhân, Hoàng Hiệp, Phan Huỳnh Điểu năm ấy đều đã ngoại 60, gây lo âu thấp thỏm rằng khán giả liệu còn gặp họ lâu không. Cũng may, trừ Trịnh Công Sơn còn ba người đều thọ, đều sống trong sự hâm mộ đến cuối đời.

Hà Nội niềm tin hy vọng có thể nói đã điểm trúng huyệt của mọi người Việt Nam hướng về Thủ đô yêu dấu. Một thời, nghe và hát Chân ta bước lòng ung dung tự hào, cảm giác ung dung tự hào thực sự chẳng chút cường điệu, bởi giai điệu quá da diết lại rất đỗi hào hùng.

Tuần trước, hai nhạc sĩ tài danh cùng sống ở phía Nam nhưng có thời gian dài ở Hà Nội sau khi tập kết ra Bắc, rồi lại vào khu 5 chiến đấu và lại ra Bắc, cùng qua đời một ngày- chuyện hi hữu, khiến khán giả thêm tiếc nhớ. Phan Nhân có phần thiệt thòi hơn. Ngay cả khi ông qua đời, người ta chủ yếu nhắc Hà Nội niềm tin hy vọng mà quên rằng ông còn những bài rất hay khác.

Tất nhiên Hà Nội niềm tin hy vọng là đỉnh của Phan Nhân. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha cho phóng viên biết khi nghe tin ông qua đời: Trong một chuyến đi Mỹ, anh phát hiện Hà Nội niềm tin hy vọng chính là ca khúc Việt Nam duy nhất được đưa vào giảng dạy tại trường âm nhạc Mecca (Houston, bang Texas). Người Mỹ là thế đấy, quân đội đem bom dội thành phố bình yên của người ta, thế rồi trí thức- học sinh lại đi tìm hiểu một thứ nghệ thuật rất liên quan việc đó, lại hát Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau; Dệt nên tiếng ca át tiếng bom rền.

Phan Nhân kể về bối cảnh ra đời bài hát: “Sự ngông cuồng của Mỹ tháng 12/1972 xúc phạm không chỉ Hà Nội mà cả nước Việt Nam, cho tôi cảm hứng viết ca khúc này. Nhưng nó ra đời không phải nhất thời mà xuất phát từ tình yêu của tôi với Hà Nội với quê hương đất nước hun đúc thời gian dài. Tôi đến Thủ đô năm 1954 nhưng mãi 18 năm sau, chứng kiến Mỹ muốn hủy diệt Hà Nội mới có thể viết về Hà Nội dù trước đó rất muốn”.

2. Đồng nghiệp nhận xét người An Giang có tên đặc biệt- bốn chữ ba họ- Liêu Nguyễn Phan Nhân rất bình dị, khiêm tốn, đa cảm. Hãy nghe Tình ca đất nước một ca khúc cũng rất hay của Phan Nhân để thấy đa cảm thế nào.

Ca từ Tình ca đất nước là bài thơ hoàn chỉnh, có lối mào đầu từng khổ rất tự nhiên. Mỗi khổ có 5 dòng. Khổ một: Rằng đã về ta, cỏ cây sông núi ruộng đồng/Cửu Long sông Hồng thỏa bao chờ mong... Khổ hai: Rằng đã hồi sinh tình yêu non nước hòa bình/ Việt Nam tưng bừng khúc ca bình minh... Khổ ba: Rằng Bác còn đây, tình thương sông nước tràn đầy/Lòng ta ơn Người có bao giờ phai...

Ca khúc bắt đầu các khổ bằng chữ “rằng” đó viết năm 1976, lời tự sự về đất nước từ nay liền một dải. Hát đến đâu “mềm cả lòng” đến đấy, một trong những bản tình ca hay nhất về đất nước, bên cạnh Giai điệu Tổ quốc (Trần Tiến), Đất nước (Phạm Minh Tuấn), Đất nước tình yêu (Lệ Giang), Đất nước lời ru (Văn Thành Nho)...

Và hãy nghe Mạnh Hà hát “không thể hay hơn” bài Cây đàn guitar của Victor Hara- lạ cả về đề tài và giai điệu. Victor Hara là nhạc sĩ ca sĩ chiến sĩ nổi tiếng nhất đất nước Chile, từng ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Nghe ca khúc nổi tiếng thời chống Mỹ này- hoàn toàn khác các bài khác của Phan Nhân (nói chung Phan Nhân không hề lặp lại mình)- thấy tài năng đa dạng và một sự đồng cảm sâu sắc lắm với người chiến sĩ quốc tế ở đất nước xa xôi kia: Từng phím từng giây thuộc về Tổ quốc/ Có trái tim Chi-lê trong một cây đàn- Victor Hara...

Phan Nhân còn có Em ở nơi đâu đậm chất dân ca Bắc bộ (Anh đi tìm em chứ em ở nơi đâu). Thành phố của tôi thì một thời gian dài cứ đến khung giờ vàng là được HTV tấu lên như nhạc hiệu của thành phố (Thành phố Hồ Chí Minh, tôi yêu thiết tha trong tim mình...). Rồi Chớ buồn nghe em sáng tác thời chiến tranh biên giới. Trẻ con thì rất thích Chú ếch con, Em là con gái má Út Tịch, Vườn cây của ba (Má trồng toàn những cây dễ thương, còn ba trồng toàn cây dễ sợ...). Vân vân. Tóm lại, một sự nghiệp không thể nói không đồ sộ.

3. Hồi bé tí, đám học sinh Ngô Sĩ Liên chúng tôi hay được thầy giáo tên là Thọ dắt díu đến nhà nhạc sĩ Hoàng Nguyễn ở khu tập thể văn nghệ sĩ 96 phố Huế để tập đàn hát. Hoàng Nguyễn là em trai GS Hoàng Tuệ và là chú ruột nhà văn Bảo Ninh, viết một số bài được trẻ con nhớ: Miền Nam em dừa nhiều miền Nam em dứa nhiều; Ngày xưa ai ơi đời mục đồng...

Cho nên tôi mới sớm biết không gian sống một thời của những người nổi tiếng như Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Văn Ký, Nguyễn Văn Tý, Phan Huỳnh Điểu... là thế nào. Nhiều giai thoại về cuộc sống “dưới mức trung bình” được Xuân Quỳnh kể lại đầy hài hước cho bạn bè như Lê Minh Khuê, và sau này mình được nghe lại. Thật là cười ra nước mắt.

Thế nhưng, mỗi khi nhớ về ngày tháng đó, chỉ thấy Phan Huỳnh Điểu mắt mũi ầng ậng, chứa chan hoài niệm ấm áp. “Tôi nhớ Hà Nội, nhớ đồng bào miền Bắc đã thương yêu đùm bọc dân miền Trung miền Nam chúng tôi như thế nào”. Năm 1996 nhà ông ở quận 1 TPHCM bị giải tỏa. Cán bộ Sở Nhà đất khen Thuyền và biển hay quá nhưng chưa giải quyết ngay. Ông bèn ứng tác bài thơ gửi Sở, buồn bã mà vẫn dí dỏm: Chỉ có thuyền mới hiểu/Biển mênh mông nhường nào/ Chỉ có Sở mới biết/Điểu đi đâu về đâu. Cuối cùng Sở Nhà đất cũng đổi nhà cho ông.

Hoàng Hiệp, Phan Nhân cũng vậy, đã sống đẹp, trọn vẹn cho đến phút cuối, không đòi hỏi tính toán công lênh. Có dịp là hoài niệm thiết tha về một thời đạn bom một thời hòa bình, gian khó hiểm nguy nhưng Nơi hầm tối là nơi sáng nhất.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, Doãn Nho từng phát biểu với báo Tiền Phong: “Âm nhạc thời chống Pháp chống Mỹ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với đất nước với dân tộc”. Nếu Nguyễn Minh Châu từng phải “đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa” thì âm nhạc không có chuyện tương tự. Ngày đó, người ta không chỉ hát bài hát của các nhạc sĩ tài danh mà còn yêu đương, sống trong lời ca tiếng hát đó- được viết bởi tài năng, tình cảm lớn, trách nhiệm lớn: Một lòng sắt son thủy chung, nghe hồn núi sông mà tình ta thêm sáng trong/ Biển trời mênh mông mà lòng ta thêm mênh mông. Thêm yêu núi sông... (“Tình ca đất nước”- Phan Nhân). Rất thật với lòng mình, không hề phải lên gân, cố gắng. Nghe thì biết.

Có lúc, nghe nhà văn danh tiếng phàn nàn nho nhỏ về chuyện giới nhạc gặt hái ghê quá, “ăn dày”. Trong khi nhà văn dù số 1 đi nữa cũng chả bao giờ được tung hô đến thế, bởi văn xuôi dù hay đến mấy, chả ai nhớ và tấu nổi một đoạn, ở chốn đông chốn vắng. Là nói vui vậy thôi, có lẽ ai cũng hiểu vinh quang bình dị của những nhạc sĩ như Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp, Phan Nhân...là hoàn toàn xứng đáng.

Theo Dương Phương Vinh
Tiền Phong

(Email: vanhoa@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm