Nhìn lại cuộc đời những nữ hoàng đế thời phong kiến châu Á
(Dân trí)- Nhiều nước châu Á đã cùng trải qua tiến trình dài lịch sử, qua những triều đại suy vong, hưng thịnh suốt thời phong kiến. Lịch sử phong kiến châu Á đã chứng kiến lệnh xưng vương của những nữ hoàng đế nổi tiếng... Hãy cùng nhìn lại cuộc đời họ.
Trong lịch sử Nhật Bản có tất cả tám vị nữ hoàng đế từng xuất hiện. Tuy vậy, đối với người Nhật, vị trí cao nhất này vẫn nên được dành cho nam giới và những vị hoàng đế nữ được lên ngôi thường mang tính chất tạm thời do hoàn cảnh lịch sử bắt buộc.
Hoàng đế Jingu là vị hoàng đế nữ đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản với thời gian trị vì dài nhất đối với một vị hoàng đế nữ, từ năm 201-269, bắt đầu từ khi chồng bà là Nhật hoàng Chuai qua đời. Bà trị vì cho tới tận khi qua đời và nhường ngôi lại cho con trai sau 68 năm tại vị. Tuy trị vì lâu như vậy nhưng lịch sử Nhật Bản hoàn toàn không có tài liệu lịch sử chính đáng nào về cuộc đời bà, những gì còn tồn tại cho tới hôm nay đều là những truyền thuyết hư cấu không có ngày tháng lịch sử chính xác. Tuy biết chắc chắn có sự xuất hiện của nữ hoàng Jingu nhưng những thông tin về bà vẫn luôn phủ trong lớp sương mù huyền hoặc, không chắc chắn, và người ta gọi bà là nhân vật “huyền thoại”. Lăng mộ của bà cũng đã bị thất lạc sau nhiều biến cố lịch sử.
Năm 1881, Nữ hoàng Jingu trở thành người phụ nữ đầu tiên được khắc họa trên tờ tiền của Nhật, hình minh họa trên tờ tiền cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng vì các bức chân dung của bà khi xưa đều đã bị thất lạc.
Trong những truyền thuyết về Nữ hoàng Jingu, bà được khắc họa là một nhà lãnh đạo quân sự tài ba, đã cầm quân xông pha ngoài chiến trường giữ yên bờ cõi. Ngoài ra, người Nhật còn truyền rằng Nữ hoàng Jingu là một onna bugeisha, nghĩa là nữ võ sĩ đạo. Thời của bà, những nữ võ sĩ đạo còn rất phổ biến và trong những bức tranh mà các họa sĩ đời sau khắc họa về vị nữ hoàng này, họ thường vẽ bà bên cạnh cây đao naginata, một loại đao cán dài đặc trưng của các nữ võ sĩ Nhật Bản thời bấy giờ.
Trung Quốc
Võ Tắc Thiên là vị hoàng đế nữ duy nhất trong lịch sử Trung Quốc, lập ra triều đại của riêng mình, nhà Vũ Chu và cai trị từ năm 690 đến 705.
Bà bắt đầu vào cung dưới thời vua Đường Thái Tông và trở thành một Tài Nhân, cũng trong thời gian này, bà đã gặp thái tử Lý Trị và hai người có mối quan hệ thân thiết.
Năm 649, Đường Thái Tông băng hà, theo luật lệ, bà phải rời cung, vào chùa xuống tóc. Thái tử Lý Trị lên ngôi, tức là Đường Cao Tông đã đưa bà trở lại hoàng cung và phong là chiêu nghi.
Đường Cao Tông phong bà làm hoàng hậu. Sau này vì sức khoẻ Đường Cao Tông suy yếu, bà bắt đầu buông rèm tham gia chính sự. Sau khi Đường Cao Tông băng hà, 7 năm sau, Võ hậu lên ngôi Hoàng đế. Thời cai trị của bà để dấu ấn về sự xảo quyệt tài tình và chuyên quyền hung bạo. Bà được chôn tại Càn Lăng, cùng chỗ với Đường Cao Tông. Bia mộ của bà là một tấm bia để trống hoàn toàn với ý là để đời sau phán xét.
Võ Tắc Thiên là một nhân vật truyền cảm hứng cho nhiều bộ phim truyền hình Trung Quốc, khán giả hẳn đã biết những giai thoại thể hiện sự tàn nhẫn lạnh lùng của người phụ nữ này:
Dân gian và các nhà chép sử cho rằng Võ hậu là thủ phạm trong cái chết của 3 người con ruột của bà.
Khi lên được ngôi hoàng hậu rồi, Võ hậu trả thù Vương hoàng hậu và Tiêu thục phi bằng cách sai chặt hết chân tay họ rồi bỏ vào chum rượu ngâm để họ không chết ngay. Võ Hậu về sau còn sinh ra tính sợ mèo vì đã từng giết chết con mèo mà bà yêu quý nhất. Nó đã đi theo Vương Hoàng Hậu khi bà bị bắt vào lãnh cung. Do đó, khi được trở ra từ lãnh cung, bà đã thẳng tay giết nó và kể từ đó luôn luôn ám ảnh bởi tiếng mèo kêu.
Nữ hoàng Seondeok của triều đại Silla trị vì từ năm 632-647 là vị nữ hoàng đế đầu tiên của Hàn Quốc. Trước khi lên ngôi, Seondeok là công chúa cả trong ba cô công chúa của Hoàng đế Jinpyeong.
Vì không có con trai, hoàng đế Jinpyeong đã chọn Seondeok là người kế vị. Trong thời kỳ đó hành động này không gây nhiều bất ngờ cho người dân dưới triều đại Silla bởi phụ nữ thời kỳ này đã có mức ảnh hưởng nhất định trong xã hội. Họ là những nữ thần, những nhà tiên tri, cố vấn cho nhà vua và các vị tướng quân, trước đó còn có những vị hoàng hậu buông rèm nhiếp chính sau khi chồng qua đời cho tới khi con trai đủ tuổi kế vị. Việc nữ hoàng Seondeok lên ngôi đã mở đường cho hai vị nữ hoàng đế khác xuất hiện trong lịch sử Hàn Quốc.
Dưới triều đại của Seondeok có rất nhiều biến cố trong đó liên tiếp những cuộc nổi loạn nổ ra và biên giới lãnh thổ cũng thường xuyên bị đe doạ. Tuy vậy, bà luôn được đánh giá là vị hoàng đế có tài trí thao lược, cách ứng biến mềm dẻo nên những mối quy hại này sau đó đều được bà thu xếp yên ổn.
Bà được đánh giá là vị nữ hoàng có đường lối cai trị nhân đạo, chú trọng đẩy mạnh giáo dục, phát triển kinh tế, truyền bá đạo Phật. Tuy vậy, Seondeok cũng là một người phụ nữ cứng rắn khi cần thiết: tháng Giêng năm 647, một vị chúa đất dưới triều đại của bà lãnh đạo một cuộc nổi dậy đòi lật đổ vị nữ Hoàng đế. Tình cờ ngay trong tháng đó cũng có một ngôi sao trên bầu trời lụi tắt và người ta coi đó là điềm báo triều đại của hoàng đế Seondeok đã hết. Cuộc nổi loạn ngay sau đó bị đàn áp mạnh tay và dập tắt chỉ sau mười ngày.
Việt Nam
Lịch sử Việt Nam cũng từng chứng kiến hai vị nữ hoàng đế lên ngôi. Vị hoàng đế đầu tiên là anh thư của đất Mê Linh, người đã xuất quân đánh đuổi giặc phương Bắc đang đô hộ nước ta lúc bấy giờ. Đó chính là vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc. Chồng bà là Thi Sách, con của Lạc tướng quận Chu Diên, bà vốn là con gái của Lạc tướng quận Mê Linh. Giặc Tàu lo sợ khi hai vị tướng quân Âu Lạc của quận Giao Chỉ và quận Chu Diên kết thông gia với nhau thì sẽ khó cai trị nên đã đem quân phá tan đám cưới và bắt Thi Sách đi.
Sau khi đem quân ào ạt chiếm 65 thành trì, Trưng Trắc lên ngôi Vua, sử gọi là Trưng Vương, đó là vị vua Nữ đầu tiên của nước ta.
Vị vua nữ thứ hai lên ngôi khi một triều đại sắp đến hồi suy vong, không có con trai nối dõi nên phong cho con gái, tức Công chúa Chiêu Thánh mới 7 tuổi làm Hoàng thái tử. Năm 1224, Chiêu Thánh lên ngôi vua, gọi là Lý Chiêu Hoàng. Việc Triều chính nhà Lý bấy giờ đều nằm trong tay của Tiết độ sứ Trần Thủ Ðộ, cho nên việc nước từ tay nhà Lý thực chất đã qua tay nhà Trần. Trần Thủ Ðộ trông coi mọi việc trong cung, đã đưa Trần Cảnh là cháu mình, vào hầu và suốt ngày ở bên Lý Chiêu Hoàng.
Trần Cảnh được Chiêu Hoàng yêu mến, thường hay té nước, ném khăn trêu đùa. Trần Thủ Độ tung tin là Lý Chiêu Hoàng đã lấy chồng là Trần Cảnh, đến ngày 21/10 năm Ất Dậu tức 22/11/1225, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh tức Trần Thái Tông. Triều Lý chính thức mất ngôi vương cho triều Trần.