Bình Định:

Nhiều quan điểm tranh cãi về nơi ra đời chữ Quốc ngữ

(Dân trí) - “Không nên coi sự ra đời của chữ Quốc ngữ là một sự kiện gắn liền với một con người, với một địa điểm quá chật hẹp mà phải có quá trình của nó, phải có sự tham gia của cộng đồng…”, giáo sư Phan Huy Lê đánh giá.

Trên 180 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, tác giả trong cả nước dự Hội thảo: Bình Định với chữ Quốc ngữ
Trên 180 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, tác giả trong cả nước dự Hội thảo: "Bình Định với chữ Quốc ngữ"

Ngày 13/1, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), UBND tỉnh này đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam… tổ chức Hội thảo khoa học “Bình Ðịnh với chữ Quốc ngữ”.

Tham dự hội thảo có trên 180 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà báo... trong cả nước.

Đồng chủ trì hội thảo có: GS-TS Đặng Vũ Minh (Liên hiệp các hội KH-KT VN), GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN), Nhà sử học Dương Trung Quốc (Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử VN), Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh, PGS-TS Nguyễn Công Đức (Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.HCM), GS Hoàng Chương (Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc VN).

GS. Phan Huy Lê cho rằng: không nên xem việc ra đời của chữ Quốc ngữ  là một sự kiện gắn liền với một con người, với một địa điểm quá chật hẹp.
GS. Phan Huy Lê cho rằng: không nên xem việc ra đời của chữ Quốc ngữ  là một sự kiện gắn liền với một con người, với một địa điểm quá chật hẹp.

Tham gia hội thảo, có 72 tham luận của các tác giả từ khắp nơi trên cả nước được trình bày. Trong đó, có 26 tham luận về “Quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ”,  22 tham luận về “Sự đóng góp của Bình Định vào tiến trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ”, 24 tham luận về “Chữ Quốc ngữ với sự phát triển nền văn hóa dân tộc”. Trong đó, hầu hết các tham luận đều nhằm mục đích làm sáng tỏ những đóng góp của Bình Định trong giai đoạn đầu sáng tạo hình thành chữ Quốc ngữ (1618-1622), cũng như các giai đoạn tiếp theo phát triển truyền bá chữ Quốc ngữ (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX).

Các đại biểu trình bày các tham luận rất sôi nổi tại hội thảo
Các đại biểu trình bày các tham luận rất sôi nổi tại hội thảo

Tại hội thảo, nhiều nội dung đã được các nhà khoa học, chuyên gia, tác giả… bàn luận sôi nổi nhằm hướng đến mục đích khảo sát, nghiên cứu, phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học tiến trình hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ. Trong đó có vai trò quan trọng của đất và người Bình Định, địa phương được cho là một trong những nơi phôi thai, điểm khởi nguyên hình thành chữ Quốc ngữ trong giai đoạn đầu và phát triển, phổ biến chữ Quốc ngữ ở các giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên cũng nhiều tham luận, ý kiến tranh cãi về nơi hình thành chữ Quốc ngữ đầu tiên là ở Bình Định hay Hội An.


Cơ sở truyền giáo Nước Mặn (được thành lập tháng 7.1618) ở thôn An Hòa ngày nay được xem là phôi thai của sự hình thành chữ Quốc ngữ

Cơ sở truyền giáo Nước Mặn (được thành lập tháng 7.1618) ở thôn An Hòa ngày nay được xem là phôi thai của sự hình thành chữ Quốc ngữ

Nhà sử học Dương Trung Quốc thăm và nghe giới thiệu về Cư sở truyền giáo Nước Mặn (được thành lập tháng 7.1618) ở thôn An Hòa ngày nay.
Nhà sử học Dương Trung Quốc thăm và nghe giới thiệu về Cư sở truyền giáo Nước Mặn (được thành lập tháng 7.1618) ở thôn An Hòa ngày nay.

Kết thúc hội thảo, GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: Không nên coi sự ra đời của chữ Quốc ngữ là một sự kiện gắn liền với một con người, với một địa điểm quá chật hẹp mà phải có quá trình của nó, phải có sự tham gia của cộng đồng… “Không thể nói rằng, Nước Mặn - Bình Định là nơi đầu tiên hành thành nên chữ Quốc ngữ mà Bình Định là một trong ba nơi cùng với Hội An và Thanh Chiêm đặt dấu ấn phôi thai cho sự xuất hiện của chữ Quốc ngữ. Trong đó có thể nói Nước Mặn – Bình Định là có dấu tích sớm hơn”, giáo sư Phan Huy Lê nói thêm.

Doãn Công