Nhiều phát hiện khảo cổ học quan trọng tại các khu di sản Việt Nam

(Dân trí) - (Dân trí) – Ngày 17-19/9 tại TP Huế đã diễn ra Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 50 do Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp tổ chức.

Nhiều phát hiện khảo cổ học mới, quan trọng tại Việt Nam đã được công bố tại Hội nghị này, đặc biệt tập trung tại nhiều di sản văn hóa thế giới của đất nước là Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Khu Di tích Tràng An, Thánh địa Mỹ Sơn, Quần thể di tích cố đô Huế…

 

Hàng trăm nhà khảo cổ học trên cả nước và quốc tế về tham dự Hội nghị
Hàng trăm nhà khảo cổ học trên cả nước và quốc tế về tham dự Hội nghị

 

Theo PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết có nhiều báo cáo khảo cổ học (KCH) đặc biệt quan trọng. Như báo cáo của GS.Nam C.Kim thuộc Khoa Nhân học, ĐH Wisconsin – Madison, Hoa Kỳ trong nghiên cứu thành lũy Cổ Loa. Qua khai quật Thành Ngoại, Thành Nội, Ụ hỏa hồi với tổng diện tích khoảng 432m2, bước đầu xác định được kỹ thuật đào hào xây thành và niên đại tòa thành đất Cổ Loa kỳ vĩ hình thành khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên.

Từ bằng chứng KCH ở Cổ Loa đã nhận thức lại lập luận của các học giả trước đây cho rằng “Không có nhà nước ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng cho đến sau khi Trung Quốc tới. Từ Cổ Loa qua đối sánh cho thấy đã có 1 nhà nước thời tiền sử phát triển mạnh mẽ, tồn tại từ nhiều thế kỷ trước đó hơn các quốc gia nổi tiếng của Đông Nam Á như AngKor hay Champa…”

 

Một đoạn thành Cổ Loa bằng đất có niên đại thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên
Một đoạn thành Cổ Loa bằng đất có niên đại thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên
Khai quật Ụ hỏa hồi Thành Nội ở Cổ Loa
Khai quật Ụ hỏa hồi Thành Nội ở Cổ Loa
Các hoạt động khảo cổ ở thành cổ Cổ Loa đã giúp xác định được kỹ thuật đào hào xây thành đất
Các hoạt động khảo cổ ở thành cổ Cổ Loa đã giúp xác định được kỹ thuật đào hào xây thành đất

 

Viện KCH và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội trong 4 năm từ 2011-2014 đã khai quật trên diện tích hơn 2.500m2. Đáng chú ý là sau khi khai quật 3 hố tại khu vực di tích Điện Kính Thiên thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, từ những dấu tích kiến trúc và di vật đã xác định được rõ tầng văn hóa liên tục từ thời Đại La qua thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn. Đồng thời làm rõ không gian kiến trúc khu vực Chính điện Kính Thiên thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17-18). Chính điện này đã nằm chồng lên trên không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê Sơ (thế kỷ 15-16).

“Ngoài ra, chúng tôi bước đầu đã làm rõ một không gian kiến trúc lớn thời Lý (thế kỷ 11-13) với dấu tích đường nước “khổng lồ”, có hệ thống móng trụ sỏi và sân nền lát gạch hình vuông. Thời Trần có nhiều kiến trúc quy mô, kích thước nhỏ được xây dựng vào nhiều giai đoạn. Kết quá này đã góp thêm tư liệu trong việc thực hiện đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian Điện Kính Thiên” – Th.s. Trần Việt Anh, GĐ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội nói.

 

Khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long
Khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long
Một đoạn mới khai quật tại Hoàng thành này
Một đoạn mới khai quật tại Hoàng thành này
Các nhà khảo cổ học đã xác định được không gian Điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long
Các nhà khảo cổ học đã xác định được không gian Điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long

 

Tại Quần thể danh thắng Tràng An rộng 12.000ha bao gồm hệ thống núi đá và thung lũng liền khoảnh được ôm bởi 4 dòng sông, là Kinh đô nước Đại Cồ Việt thế kỷ thứ X và là hành cung của nhà Trần chống lại quân Nguyên – Mông thế kỷ XIII. Sau khi khai quật thám sát Thung Nội Lấm đã phát hiện dấu tích khu dự trữ nguyên liệu sét và những dấu tích đồ phế thải cùng đồ gốm men có đặc điểm thời Trần. Từ đó có thể đưa ra giả thiết: khu vực này là nơi sản xuất gốm men thời Trần.

Mặt khác tại Tràng An, qua nhiều đợt khảo sát đã phát hiện các hệ thống móng kiến trúc, móng tường thành, nền lát gạch, đường lát gạch thế kỷ thứ X. Một số nền gạch vuông có trang trí hoa văn cùng gạch chữ nhật có chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, “Giang tây quân”… và nhiều di vật được phát hiện mang lại nhiều nhận thức mới về kiến trúc của kinh đô Hoa Lư xưa.

 

Khai quật móng tường thành tại Tràng An
Khai quật móng tường thành tại Tràng An

 

Qua khai quật Thành Nhà Hồ năm 2015, lần đầu tiên biết đến khu vực nền chân thành với sự gia cố tương đối chắc chắn so với một tòa thành xây hoàn toàn bằng đá. Chân thành rộng trên 80m được đắp bằng đất sét màu nâu và đầm nện khá chắc chắn. Chân thành ngoài vai trò bảo vệ móng thành, tường thành còn đóng vai trò như một công trường tiếp tục tinh chế vật liệu đá xây dựng tòa thành. Ngoài ra, hào nước bảo vệ thành phía ngoài có chiều rộng khoảng 90m, sâu trên 6,5m được lót đá hộc và các mảnh dăm đá phía dưới; bờ kè đá đặc biệt là bờ kè phía nam và bờ kè dưới phía bắc hoàn toàn được làm vào thời Trần – Hồ… Đây là tư liệu quý góp phần nghiên cứu chính xác hơn công trình quân sự của thời Trần - Hồ.

 

Khai quật hào nước ở thành Nhà Hồ
Khai quật hào nước ở thành Nhà Hồ
Một phần của hào nước công phu trong thành Nhà Hồ
Một phần của hào nước công phu trong thành Nhà Hồ
Nhờ quá trình khảo cổ công phu mà nhiều điều bí mật về kỹ thuật xây thành siêu hạng dưới thời nhà Trần - Hồ đã dần được sáng tỏ
Nhờ quá trình khảo cổ công phu mà nhiều điều bí mật về kỹ thuật xây thành siêu hạng dưới thời nhà Trần - Hồ đã dần được sáng tỏ

 

“Tại Thánh địa Mỹ Sơn, từ công tác khai quật KCH tại tháp G Mỹ Sơn đã phát hiện ra hệ thống thoát nước cổ được người Chăm thiết kế để xử lý nước, đây là phát hiện có tính hữu ích cho công tác trùng tu di tích Chăm. Một phát hiện quan trọng là khai quật thành công Mukhalinga tại khu E,F. Bởi Mukhalinga là hiện vật độc bản, được Thủ tướng chính phủ xếp hạng Bảo vật quốc gia. Điều này mở ra nhiều hướng tiếp cận mới, đặc biệt là khảo cổ học kho tàng dưới lòng đất khu di tích Mỹ Sơn trong tương lai” – ông Nguyễn Công Khiết, Phó Trưởng ban BQL Di tích và Du lịch Mỹ Sơn cho biết.

 

Nhiều phát hiện khảo cổ học quan trọng tại các khu di sản Việt Nam - 12
Mukhalinga - Bảo vật quốc gia vừa được khai quật tại thánh địa Mỹ Sơn
Mukhalinga - Bảo vật quốc gia vừa được khai quật tại thánh địa Mỹ Sơn

 

Riêng ở Quần thể di tích cố đô Huế một số hoạt động KCH đáng quan tâm như thành Hóa Châu; phế tích Linh Thái; cột mốc phân vùng đánh cá thời vua Minh Mạng; Trực Phương Viên – khu vườn trong Tử Cấm Thành; Chân tảng ở di tích Quan Tượng Đài…

 

Khai quật Quan Tượng Đài - là đài thiên văn xưa của kinh đô triều Nguyễn tại Huế
Khai quật Quan Tượng Đài - là đài thiên văn xưa của kinh đô triều Nguyễn tại Huế
Hệ thống chân tảng ở Quan Tượng Đài
Hệ thống chân tảng ở Quan Tượng Đài
Trực Phương Viên - khu vườn xưa trong Tử Cấm Thành Huế
Trực Phương Viên - khu vườn xưa trong Tử Cấm Thành Huế

 

PGS.TS. Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện KCH cho biết thêm “Một điểm mới trong Hội nghị thông báo KCH lần thứ 50 là Tiểu ban KCH dưới nước. Đây là Tiểu ban mới hình thành năm 2014, tuy số lượng bài của tiểu ban mới này còn hạn chế nhưng nội dung thảo luận vô cùng sôi nổi, xoay quanh các phát hiện mới như: Sưu tập gốm cổ ở Cù Lao Chàm (Hội An), Sưu tập hiện vật ở Thuận An (Huế); Mỏ neo tàu ở Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi…”

 

Khảo cổ học dưới nước
Khảo cổ học dưới nước

 

 

 

Đại Dương

 

Nhiều phát hiện khảo cổ học quan trọng tại các khu di sản Việt Nam - 18