Sóc Trăng:
Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc trong lễ hội Ok Om Bok
(Dân trí) - Trong lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ III - khu vực ĐBSCL năm 2017 vừa diễn ra nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Khmer.
Hàng năm, cứ vào ngày 14 và 15 tháng 10 âm lịch, đồng bào Khmer Nam Bộ lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Ok Om Bok (còn gọi là lễ Cúng Trăng hay “Đút cốm dẹp”). Đây là lễ hội lớn nhất và được chờ đợi nhiều nhất trong năm của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Trong lễ hội Ok Om Bok, cúng Trăng là nghi thức chính, một sinh hoạt tín ngưỡng mang ý nghĩa “Tạ ơn - Cầu xin”, góp phần hình thành nên tên gọi độc đáo của lễ hội.
Lễ cúng Trăng năm nay được tổ chức tại chùa Khleang (phường 6, TP Sóc Trăng) với sự tham gia của đông đảo bà con ở địa phương. Khi trăng lên cao, mọi người ngồi trang nghiêm, chắp tay huớng về mặt Trăng. Vị cao niên được gọi là A Cha (người đức cao vọng trọng, có uy tín) đứng ra làm chủ lễ đốt nhang, nến, rót trà, khấn vái nói lên lòng biết ơn của bà con đối với Thần Mặt Trăng và xin Thần tiếp nhận lễ vật dâng cúng, tiếp tục ban phước cho mọi người có cuộc sống ấm no, yên lành.
Kết thúc lễ cúng là nghi thức đút cốm dẹp. Sau khi cúng xong, chủ lễ sẽ đút cốm dẹp cho các em nhỏ và vỗ nhẹ vào lưng vài lần đồng thời hỏi những mong muốn của các em. Người Khmer tin rằng, các ước muốn của trẻ nhỏ sẽ là niềm tin và động lực cho người lớn vào năm tới.
Theo phong tục cổ truyền của người Khmer, nghi lễ cúng Trăng xong cũng là lúc các hoạt động phần hội được bắt đầu, đặc sắc nhất là tục đua ghe Ngo. Đây là nghi thức truyền thống tiễn đưa thần nước, sau mùa gieo trồng về với biển cả, cũng là nghi thức tôn giáo tưởng nhớ rằng thần rắn Nagar xưa biến thành khúc gỗ để đưa Phật qua sông.
Ngoài ra, phần hội còn nhiều hoạt động khác như: Chơi cờ ốc, bi sắt, thả đèn nước...
Lễ thả đèn nước (hay còn gọi là Lôi Prôtip) là hoạt động văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ có xuất xứ từ đạo Phật. Lễ thả đèn nước bắt đầu bằng việc rước những chiếc đèn vòng quanh xóm ấp trong tiếng trống sadăm rộn rã. Đèn có cấu tạo như ngôi đền, trang trí hoa văn màu sắc sặc sỡ. Đầu đèn có treo cờ phướn, xung quanh cắm đèn cầy và nhang, bên trong có bày các thức cúng để tụng kinh tưởng nhớ đức Phật; đồng thời xin lỗi thần Đất, thần Nước vì làm ô uế, dơ bẩn nguồn nước, đào xới đất nơi đây.
Đoàn rước đèn sau khi đi một vòng quanh xóm ấp sẽ tập trung về sân chùa để làm lễ, nghe sư tụng kinh cầu tam bảo, thể hiện lòng biết ơn Mặt Trăng, Mặt Đất, nguồn nước và mong tha thứ lỗi lầm cho con người. Bà con trong vùng cũng tề tựu lại thắp hương, cúng dường, gửi gắm những ước nguyện của mình. Sau nghi lễ, những chiếc đèn nước được thả trên sông hay kênh rạch gần xóm làng, mang theo ước nguyện của người dân về một năm mưa thuận, gió hòa.
Bên cạnh đó, còn có lễ hội đường phố với sự tham gia biểu diễn nghệ thuật, diễu hành của hàng ngàn người dân và các nghệ sĩ cùng đoàn xe được trang trí công phu, trang trọng, với nhiều biểu tượng đặc trưng về vùng đất và con người Sóc Trăng.
Trên đường diễu hành, các nghệ sĩ đã biểu diễn các tiết mục nghệ thuật đặc sắc như múa trống Chchaydăm, múa Madison, nghệ thuật Dù Kê - Rô Băm, múa người Nộm, hát bội, lầu cấu,... thu hút đông đảo người dân đến xem.
Bạch Dương