Nhiều hoạt động kỷ niệm 100 ngày sinh cố nhà thơ Xuân Diệu
(Dân trí) - Nhân dịp sinh nhật 100 năm của cố nhà thơ Xuân Diệu, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam quyết định tổ chức Lễ Tưởng niệm “100 năm nhà thơ lớn Xuân Diệu” (2/2/1916-2/2/2016).
Theo đó, vào chiều 2/2, Ban Chấp hành cùng Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Hội đồng Chuyên môn Hội Nhà văn làm lễ dâng hương tại mộ nhà thơ ở Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội).
9h sáng ngày 3/2, tại Trụ sở Hội Nhà văn (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) sẽ bắt đầu khai mạc Hội thảo về “Thơ Xuân Diệu và những đóng góp của Xuân Diệu trong tiến trình phát triển của Thơ ca Việt Nam hiện đại”. Tới dự có đông đảo các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình. Đặc biệt, Hội thảo còn được đón các vị khách quý, thay mặt cho các đồng chí Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Thái Bình, là quê hương của nhà thơ Xuân Diệu và quê vợ của nhà thơ.
Để tôn vinh những đóng góp của cố nhà thơ Xuân Diệu đối với nền thi ca nước nhà, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đưa vào chương trình phát hành tem về Xuân Diệu và chương trình phát hành tem năm 2016.
Cũng nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh phối hợp với Khoa Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Vinh sẽ tổ chức Hội thảo khoa học “Xuân Diệu – Thơ và Đời” vào ngày 19/2 tại Thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
Mục đích của Hội thảo nhằm tri ân, tôn vinh những đóng góp của nhà thơ Xuân Diệu đối với nền văn học nước nhà, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ lớn của Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh, nhìn nhận lại quá trình nghiên cứu và tiếp tục tìm hiểu, khai thác giá trị từ di sản Xuân Diệu để lại... Nội dung hội thảo tập trung vào các vấn đề: Sự nghiệp trước tác (sáng tác, nghiên cứu, phê bình,...) của Xuân Diệu và những đóng góp của nhà thơ cho văn hóa, văn học Việt Nam hiện đại, tình hình nghiên cứu về tác gia, tác phẩm của Xuân Diệu (các vấn đề cụ thể liên quan đến cuộc đời, con người, quê hương, thời đại, các mối quan hệ xã hội, nghệ thuật của Xuân Diệu…).
Nhà thơ Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu (2/2/1916-18/12/1985) quê gốc ở Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Trong nền Văn học Việt Nam, Xuân Diệu là nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn, Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa Dân chủ Đức, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (năm 1996) về Văn học Nghệ thuật. Ông đã để lại cho thi đàn văn học Việt Nam một gia tài nghệ thuật to lớn mà nhà thơ Huy Cận khi viết về Xuân Diệu đã từng thốt lên rằng: “Hơn năm mươi tác phẩm, nửa thế kỷ sáng tạo, cả một cuộc đời phong phú, sống sôi nổi, chân thành, thủy chung rất mực với đời”.
Xuân Diệu nổi tiếng từ Phong trào Thơ mới với tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió. Sau cách mạng, tài năng Xuân Diệu lại tiếp tục phát triển đa dạng hơn, phong phú hơn ở tất cả các thể loại: Thơ, Văn xuôi, Lý luận, Phê bình.
Riêng mảng Lý luận Phê bình, nói như nhà thơ lớn Chế Lan Viên, một mình Xuân Diệu đã bằng cả một Viện Hàn lâm Khoa học Văn Chương.
Hà Tùng Long