Nhiều họa sĩ nổi tiếng bán đấu giá tranh ủng hộ phục hồi nhà Lang

(Dân trí) - Ngày 23/11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) khai mạc một cuộc triển lãm đặc biệt với tên gọi “Nhà Lang - Giấc mơ hồi sinh”.

Đặc biệt bởi, lần đầu tiên, 57 họa sĩ, nhà điêu khắc ở cả 3 miền, thuộc 4 thế hệ nghệ sĩ với nhiều tên tuổi trong đời sống mỹ thuật đương đại đã tặng 61 tác phẩm tranh, tượng, tác phẩm điêu khắc để triển lãm và bán đấu giá phục dựng ngôi nhà Lang trong Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (202 đường Tây Tiến, phường Thái Bình, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình).

Giấc mơ hồi sinh từ đống tro tàn

Trước đó, vào năm 2013 sự kiện cháy Nhà Lang tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường bị cháy rụi dưới tay người tham quan thiếu ý thức, cùng toàn bộ các hiện vật văn hóa trưng bày đã gây chấn động.

Ông Vũ Đức Hiếu, Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường chia sẻ, ngôi nhà Lang bị cháy vào cuối năm 2013 có tuổi thọ trên 100 năm, là ngôi nhà Lang cuối cùng của cộng đồng người Mường tại Hòa Bình.

Nhiều họa sĩ nổi tiếng bán đấu giá tranh ủng hộ phục hồi nhà Lang - 1
Nhà Lang trước và sau khi bị thiêu rụi
Nhà Lang trước và sau khi bị thiêu rụi

Đây là ngôi nhà quan trọng nhất đối với dân tộc Mường về kiến trúc và ý nghĩa trong đời sống tâm linh, văn hóa, sinh hoạt hàng ngày; được truyền lại theo hình thức cha truyền con nối theo tính kế thừa huyết thống của các quan Lang.

Chủ nhân của nó muốn kêu gọi cộng đồng giúp đỡ phục hồi, cụ thể bằng triển lãm tác phẩm nghệ thuật và hoạt động đấu giá. Gặp nhau ở cái tâm muốn giữ lại cái hồn ngàn xưa của dân tộc, những họa sĩ và nhà điêu khắc đã đáp lời, như là một sự ủng hộ văn hóa cho lưu giữ di sản truyền thống.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng chia sẻ: Cuộc triển lãm diễn ra ngắn ngày này là một sự kiện nghệ thuật, không cần phải mang ý nghĩa bên ngoài nó nữa. Lâu lắm người ta mới thấy nhiều nghệ sĩ trong Nam ngoài Bắc cùng nhau trưng bày tác phẩm tại một cuộc triển lãm đặc biệt như vậy. Họ vẫn đang sáng tác dù thị trường nghệ thuật những năm gần đây là hoàn toàn bất lợi với giới mỹ thuật”.

Những nghệ sĩ ủng hộ sự kiện nhà Lang, trừ vài nhà điêu khắc, hầu hết thuộc thế hệ từ những năm 1990 trở về trước.

Lớn tuổi nhất có thể kể tới như Trương Bé, Ca Lê Thắng, Thành Chương, Đặng Mậu Tựu, Lý Trực Sơn. Còn lại hầu hết là giới trung niên cập già như Đào Châu Hải, Nguyễn Tấn Cương, Bùi Hải Sơn, Đào Anh Khánh, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng, Đinh Quân, Trịnh Tuân, Lê Thiết Cương, Tào Linh...

Ngoài ra, còn có thế hệ đã khẳng định tên tuổi như Lê Quảng Hà, Trịnh Quốc Chiến, Trần Việt Phú, Vương Văn Thạo, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Minh Phước, Hoàng Tường Minh, Lê Kinh Tài...; và số ít trẻ hơn như Thái Nhật Minh, Trần Trọng Tri, Khổng Đổ Tuyền, Phạm Thái Bình, Nguyễn Ngọc Lâm, Phạm Tuấn Tú, Dương Thùy Dương, Lê Anh Quân, Nguyễn Trần Cường và Phạm Huy Thông…

“Chúng tôi không vô can”…

Nhiều hơn một cuộc triển lãm, đấu giá tác phẩm. Dự án “Nhà Lang - Giấc mơ hồi sinh” giống như câu chuyện truyền cảm hứng, một sợi dây liên kết vô hình giữa cộng đồng nghệ sĩ và những con người yêu văn hóa, để cộng đồng có thể biết, hiểu, yêu và cảm những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Từ đó, thúc đẩy câu chuyện bảo tồn và phát triển di sản trên cả nước sẽ không còn lạc lõng giữa những thứ trào lưu văn hóa kệch cỡm ngày nay.

Chia sẻ với PV Dân trí, Họa sĩ Thành Chương mong mỏi: “Chúng tôi không vô can trong sự việc này, để thức dậy ý thức cho xã hội. Có thể coi đây là một cuộc “xuống đường” vì văn hóa di sản của giới nghệ sĩ tạo hình. Vì phải đánh thức dậy ý thức bảo tồn đúng đắn cho cả chính sách của nhà nước...”

Còn nhà điêu khắc Đào Châu Hải khi nhận được lời mời tặng tác phẩm ủng hộ phục dựng nhà Lang cũng đã dành tặng một tác phẩm mà ông tâm đắc. Ông cho rằng, phục dựng nhà Lang là trách nhiệm của công dân, của nghệ sĩ. Ông Hải nói: “Nhà Lang là câu chuyện của văn hóa truyền thống, nhưng văn hóa truyền thống ấy vẫn nối mạch trong lòng đời sống văn hóa đương đại. Việc chung tay phục hồi nó, là trách nhiệm công dân, trách nhiệm của từng nghệ sĩ. Qua đó, người ta thấy được câu chuyện của văn hóa thời nay, của sự chia sẻ ấm áp...”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng chia sẻ với ban tổ chức: “Một ngôi nhà lang bị cháy thì không chỉ là mất đi một ngôi nhà, mà còn là mất văn hóa, mất tri thức, mất truyền thống và mất ký ức. Để phục dựng lại thì công sức của một người là không thể đủ.

Sự chung tay đóng góp của các nghệ sĩ cũng như cá nhân tôi không đơn thuần chỉ là khía cạnh vật chất. Nó là cái tâm và cái tình tự nhiên, tự nguyện thôi, với văn hóa Việt. Bảo tồn di sản không phải là việc của riêng một ai.

Những giá trị truyền thống của cộng đồng phải là việc của chính cộng đồng cùng chung sức bảo tồn. Đó là cách bảo tồn bền vững nhất, đẹp nhất”.

Trong khuôn khổ chương trình, sáng 24/11/2015 sẽ giới thiệu về các nghệ sĩ và tác phẩm ủng hộ chương trình do họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng chủ trì và bán đấu giá tác phẩm ủng hộ phục dựng Nhà Lang vào chiều ngày 25/11.

Dưới đây là một số các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm:

Tranh sơn dầu, bạc - Giai điệu của tác giả Đào Anh Khánh
Tranh sơn dầu, bạc - "Giai điệu" của tác giả Đào Anh Khánh
Tranh sơn dầu - Cõi Phật của tác giả Nguyễn Minh Phước
Tranh sơn dầu - "Cõi Phật" của tác giả Nguyễn Minh Phước
Tác phẩm của họa sĩ Hà Trí Hiếu. Anh mong muốn, ngoài sự đóng góp tác phẩm của nghệ sĩ, còn phải có sự tham gia của “phía bên kia” nữa. Hy vọng mọi người sẽ cùng nhau chia sẻ, vì một mục đích văn hóa.
Tác phẩm của họa sĩ Hà Trí Hiếu. Anh mong muốn, ngoài sự đóng góp tác phẩm của nghệ sĩ, còn phải có sự tham gia của “phía bên kia” nữa. Hy vọng mọi người sẽ cùng nhau chia sẻ, vì một mục đích văn hóa.
Tác phẩm của họa sỹ Thành Chương
Tác phẩm của họa sỹ Thành Chương

Kinh phí dự kiến xây dựng nhà Lang khoảng 600 triệu đồng. Hiện triển lãm đã bán được 10 tác phẩm. Với kết cấu của nhà Lang căn bản, việc tìm những cây nứa thẳng, dài 20m hiện nay là rất khó. Tuy nhiên, ban tổ chức hi vọng sẽ tìm được các phương án phục dựng nhà Lang gần với nguyên trạng nhất.

Bài: Quỳnh Nguyên
Ảnh: BTC