1. Dòng sự kiện:
  2. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Nhiều cựu binh nghẹn ngào khi đọc lại 300 lá thư của đồng đội trong thời chiến

(Dân trí) - Sáng nay (25/7) tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ (số 2 Hoa Lư, Hà Nội) đã diễn ra buổi hội thảo “Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hoá dân tộc”. Đây là sự kiện văn hóa nằm trong khuôn khổ những ngày tri ân nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” là công trình được nhà văn Đặng Vương Hưng thực hiện trong thời gian 10 năm (2005 - 2015), tập hơn hơn 300 lá thư của 127 tác giả. Đa phần các tác giả, nhân vật trong thư được giới thiệu trong cuốn sách đều là liệt sĩ hoặc thương bệnh binh. Và khi cuốn sách này ra đời thì hầu hết họ đều không còn nữa. Bởi thế, nhiều lá thư không chỉ là kỷ vật vô giá mà còn là di vật thiêng liêng, từng đặt trên bàn thờ của nhiều gia đình Việt Nam.

Bút tích của các liệt sỹ, thương binh, bệnh binh... qua những lá thư thời chiến.
Bút tích của các liệt sỹ, thương binh, bệnh binh... qua những lá thư thời chiến.

Nhà văn Đặng Vương Hưng bộc bạch: “Những bức thư là những kỷ vật lịch sử của một thời, cho chúng ta biết những cảm xúc, suy tư của thế hệ ông cha trước những khoảnh khắc định mệnh của lịch sử, của đất nước và của cuộc đời mỗi con người. Cha ông ta đã sống như thế nào, đã yêu, đã hy sinh và cống hiến ra sao…

Tôi muốn góp một cách nhìn mới về chiến tranh, thông qua những tư liệu sống động và chi tiết nhất, nhằm khắc họa hình ảnh những con người với những số phận riêng biệt nhưng đã làm nên hơi thở hào hùng chung của cả thời đại.

Những bi hùng, những ám ảnh trong chiến tranh, các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học văn, những người quan tâm đến lịch sử truyền thống và văn hóa dân tộc rất cần biết… Điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu thấu đáo hơn quá khứ, để tự xây dựng cho mình một lý tưởng sống, hoài bão sống đẹp hơn, có ích hơn cho đất nước và cuộc đời này”...

Theo BTC, hội thảo đã nhận được hơn 30 tham luận của các tác giả từ khắp mọi miền đất nước gửi về. Trong đó, điều bất ngờ nhất là những tham luận hết sức xúc động và thuyết phục của những “người trong cuộc” như: Thiếu tướng Phan Khắc Hy (nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân; Phó tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh) với câu chuyện tình yêu của chính mình; Thiếu tướng, AHLLVTND Đào Trọng Hùng với “Những lá thư thời chiến của lực lượng Công an chi viện An ninh miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ”;

Cựu tù chính trị Lê Tú Cẩm (Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP. HCM) với “Thư thời chiến từng là phương tiện giao tiếp Địa ngục - Trần Gian”; Cựu tù binh Phạm Bá Lữ (Trưởng Ban liên lạc Tù binh Việt Nam) có “Chuyện về những lá thư bí mật thời chiến”; Bà Hoàng Phương Trang (Chánh VP Hội Khoa học Lịch sử VN) đã tiết lộ những lá thư của chồng mình là ông Trần Phương Thạc, một trong những thanh niên đầu tiên của Hà Nội vào chiến trường Quảng Trị…

Những chiếc phong bì mang dấu vết của thời gian.
Những chiếc phong bì mang dấu vết của thời gian.

Trong bài tham luận của mình, Cựu chiến binh Trương Công Đạo viết: “Hơn 40 năm trước, tôi đã từng viết và được đọc “Những lá thư thời chiến” của cả những đồng đội cùng trang lứa. Đó là những lá thư từ hậu phương gửi vào chiến trường và ngược lại. Là thư riêng nhưng chúng tôi đã đọc chung nhau cả Tiểu đội, Trung đội, thậm chí cả Đại đội hàng trăm người cùng nghe…

Tháng 8/2015, tôi được nhà văn Đặng Vương Hưng tặng cuốn sách “ Những lá thư thời chiến Việt Nam”, tôi đã ngấu nghiến đọc tác phẩm này trong căn lán lợp tôn tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Và cảm giác thật lạ, không chỉ có tôi đang đọc cuốn sách này mà dường như còn có rất nhiều những người lính đang đọc cùng tôi. Họ là những đồng đội của chúng tôi đã không may mắn trở về, đã ngã xuống và phải nằm lại ở nghĩa trang này.

Họ đông lắm, không chỉ hàng vạn những ngôi mộ có tên và chưa có tên. Còn cả những người lính mà chúng ta chưa kịp quy tập hài cốt các anh về bên nhau. Dường như linh hồn cách anh đã theo về cùng những trang sách mỏng manh. Và chúng tôi đã nhận ra mình trong từng trang sách ấy… Nếu có thế giới tâm linh, tôi tin rằng linh hồn của các anh hùng liệt sỹ hẳn sẽ mỉm cười mãn nguyện.

Bởi ý chí chiến đấu, tình yêu tổ quốc, tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa của các anh chị đã vào sách, mãi được trường tồn, đã trở thành di sản, góp phần tôn vinh, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam”.

Ông Trương Công Đạo cũng cho biết, thế hệ của những người cựu chiến binh như ông đều đã trên dưới tuổi 70 nhưng đọc “Những lá thư thời chiến Việt Nam” vẫn thấy mình trong đó. Một thế hệ thanh niên hào hoa ra trận mang trong mình tình yêu tổ quốc, quê hương, gia đình mãnh liệt...

Nhà văn Đặng Vương Hưng đã mất 10 năm để hoàn thành tuyển tập Những lá thư thời chiến.
Nhà văn Đặng Vương Hưng đã mất 10 năm để hoàn thành tuyển tập "Những lá thư thời chiến".

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Oanh kể, bố ông từng là một cựu chiến binh, chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên từ 1964 đến 1971. Những tháng năm xa cách đó, trong hành trang chiến đấu luôn có những lá thư nhà và tấm ảnh của con.

“Tuổi thơ của tôi lớn lên cùng ông bà. Mặc dù còn nhỏ nhưng tôi cũng biết phần nào sự ngóng trông chờ đợi mà mẹ tôi và ông bà vẫn dành cho bố tôi. Trong số những tài sản của gia đình tôi cũng có một gói những lá thư thời chiến. Nó được cất giữ và nâng niu như những báu vật của gia đình. Ngày bé, chúng tôi thường lấy những lá thư của bố mẹ gửi cho nhau đó ra đọc trộm.

Những lá thư viết bằng giấy pơ-luya mỏng dày chi chít những hàng chữ li ti. Không hiểu hết ý nghĩa của những lá thư đó, nhưng tôi hiểu đó là hình thức chuyển tải những gì mà những người xa nhau viết để thông tin cho nhau, gửi gắm tình cảm yêu thương...”, PGS Nguyễn Ngọc Oanh nói.

ThS. Nguyễn Kim Thành nhấn mạnh, “Những bức thư thời chiến Việt Nam” không chỉ là kỷ vật của mỗi gia đình mà nó còn là di sản của thời đại dưới góc độ văn hóa và lịch sử. “Bí mật dưới Thành cổ Quảng Trị và lá thư của một người vợ liệt sĩ” là một trong những điểm nhấn của cuốn sách này.

“Bức thư cho ta thấy bên cạnh hình ảnh một người lính sẵn sàng hi sinh vì tổ quốc là một trái tim rạo rực tình yêu gia đình, nỗi nhớ quê hương. Đó chính là thông điệp mạnh mẽ nhất gửi tới thế hệ hôm nay và mai sau.

Bên cạnh bức thư của những nhân vật nổi tiếng, những bức thư tuyệt mật, những bức thư tình cảm gia đình, còn có những bức thư, những trang nhật ký chiến trường đã trở thành những trang văn học, bởi tình yêu cuộc sống nên một con người bình thường trong những lúc suy tưởng thăng hoa đã trở thành thi sĩ.

Nhà báo Đặng Vương Hưng (quân phục) và các nhân vật tham gia hội thảo. Ảnh: PQ.
Nhà báo Đặng Vương Hưng (quân phục) và các nhân vật tham gia hội thảo. Ảnh: PQ.

Vào một đêm thức trắng tại Quảng Bình tuyến lửa, người lính binh nhì Nguyễn Văn Thạc viết thơ tặng người yêu đang sống ở thành phố chân trời xa, 11/7/1972: “Đêm trắng trong... là đêm của em /Đèn thành phố và sao trời lẫn lộn/ Đêm của anh xếp kín đầy bom đạn/ Pháo sáng chập chờn trộn trạo với sao sa…” Do đó, càng nghiên cứu, tìm hiểu về những lá thư này, chúng ta càng thấy giá trị lớn lao mà chúng mang lại.

Trích một số đoạn thư trong tuyển tập "Những lá thư thời chiến".

Một đoạn trong lá thư của kiệt sỹ Quốc Lam gửi cho vợ là Đinh Thị Lan: “Em yêu thương nhớ của anh! Trước hết anh báo tin em mừng là anh vẫn bình yên, an toàn mạnh khỏe sau hai tháng chiến đấu liên tục suốt ngày đêm tại miền Tây tỉnh Thừa Thiên. Đây là đợt chiến đấu đầu tiên từ khi vào đến nay. Nếu em xem báo em cũng biết giặc Mỹ phải thiệt hại nặng nề vì pháo lớn của ta. Anh hãnh diện nói với em là mắt anh đã nhìn thấy giặc Mỹ phải chạy, phải khóc vì pháo của ta bắn rất trúng vào trận địa pháo, vào máy bay của chúng đang hạ cánh...

Lá thư của nhà khoa học Hoàng Kim Giao viết ngay trên tuyến lửa gửi về cho gia đình: “Cậu mợ và các em có biết con sẽ thế nào không, nếu quả bom nổ?... Ở đây có những quãng chỉ 2 km mà địch đã trút xuống 5.000 quả bom!... Dù đứng giữa bãi bom của địch, hay dưới làn mưa đạn máy bay, con của cậu mợ vẫn vững vàng tiến lên phía trước. Cậu mợ ạ, ở đây chuyện sống chết đặt ra không phải từng ngày, mà từng giờ một. Có đồng chí vừa thăm con, nửa tiếng sau đã bị hy sinh. ... Con nghĩ nếu con hy sinh thì trước mắt sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, không đầy đủ trách nhiệm với các đồng chí cùng đi...”

Lá thư duy nhất của liệt sỹ Vũ Hùng Ngọc (Ninh Bình) gửi cho gia đình trước khi bị địch bắt làm tù binh rồi thiêu sống vì anh quyết không hé răng khai báo điều gì: “Ngày 10/4/1968, thầy mẹ và các em thân mến! ...Còn ước mơ trở thành một sinh viên đại học của con thì có lẽ không bao giờ trở lại nữa. Giờ đây, con đã trở thành một anh lính giải phóng uy nghiêm và cứng rắn, đang đứng vững nơi khói lửa; đi bảo vệ lấy Tổ quốc, lấy thành quả của Cách mạng... Hiện giờ chúng con đang chuẩn bị cùng đồng đội đánh cho bọn Mỹ những quả đấm thép, những đòn quyết định cho lịch sử. Vì thế, chúng con với tất cả sức lực, với sự hiểu biết và tinh thần của mỗi người, sẽ sẵn sàng hy sinh cống hiến tuổi tác cho Cách mạng, cho gia đình, cho đồng lúa xanh tốt... Con sẽ là một người con xứng đáng của gia đình, của thế hệ trẻ”.

Trong thư gửi về cho gia đình, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã viết: “... Rừng chẳng nên thơ như con tưởng. Con suối chỉ làm con thêm sợ, cây cao, vỏ sù sì, dây leo chẳng có tiếng người. Cuộc đời bộ đội trong đó, nó hứa hẹn đủ điều khó khăn, ghẻ lở và ốm. “Chúng con ăn bánh mì đem theo với thịt. Thịt bị thiu, bánh mỳ ẩm mùi mồ hôi. 8h tối, ngồi trong nhà tối om. Chẳng có đèn dầu, chỉ có mọt chiếc đèn pin thỉnh thoảng lóe lên rồi tắt. Vào màn vậy, cho đỡ ngửi thấy cái mùi ghê tởm ấy...”.

Hà Tùng Long