Nhiều chương trình nghệ thuật, triển lãm đặc sắc nhân dịp Quốc khánh 2/9
(Dân trí) - Trong không khí cả nước hân hoan kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, các tỉnh, thành phố và nhiều đơn vị sẽ có nhiều chương trình nghệ thuật ý nghĩa chào mừng sự kiện trọng đại này.
Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng nhiều chương trình đặc sắc với điểm nhấn là chùm phim tài liệu đặc biệt: Hồ Chí Minh - Bài ca tự do, Dấu ấn Bản Tuyên ngôn, Đường Kách mệnh - Ngọn đuốc thế kỷ, Nguyễn Ái Quốc - Ẩn số từ nước Pháp.
Đây là những bộ phim tư liệu có giá trị và ý nghĩa lịch sử giúp người xem dễ dàng hình dung, hiểu rõ hơn về hành trình bôn ba, hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như sức lan tỏa mãnh liệt của tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tình cảm đặc biệt mà nhân dân quốc tế dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Nhân dịp này, Đài Truyền hình Việt Nam còn giới thiệu tới khán giả các bộ phim tài liệu đặc sắc khác như: Nhớ mùa Thu năm ấy, Ký ức mùa Thu, Hồ Chí Minh - Đi ra từ nhân loại... Các chương trình giao lưu Điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chương trình ca nhạc Tổ quốc yêu thương, chương trình giới thiệu tác phẩm mới Cờ đỏ sao vàng cũng được giới thiệu đến công chúng dịp Quốc khánh 2/9 trên các kênh sóng.
Từ 30/8 đến 1/9, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia sẽ chiếu miễn phí 2 bộ phim: Sứ mệnh trái tim và Đừng đốt. Trung tâm sẽ phát giấy mời miễn phí từ 15h00 - 18h00 từ thứ 2 (27/8) tại sảnh tầng 1, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Hà Nội...
Từ ngày 31/8 đến ngày 30/9 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra chương trình “Vui Tết độc lập”.
Điểm nhấn chương trình là “chợ phiên vùng cao xứ Lạng” tái hiện không gian chợ mang đậm sắc màu văn hóa tỉnh Lạng Sơn. Tới phiên chợ, du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian tại chợ vùng cao do cộng đồng dân tộc Mông, Nùng, Thái, Tày, Dao, Khơ Mú.
Chương trình còn có các hoạt động chuyên đề, hoạt động cuối tuần như: Chương trình “Ly cà phê Ban Mê”; Chương trình biểu diễn nghệ thuật Xiếc đặc sắc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Không gian “Tuổi thơ với chợ quê; Các hoạt động trải nghiệm “Trung Thu cho em. Dự kiến, tổng kết hoạt động “Ngày hè của em” và tổ chức các hoạt động du lịch chào đón năm học mới; Chương trình ca, múa, nhạc “Hát về tuổi thơ tôi"; Chương trình biểu diễn “Làng quê tuổi thơ tôi".
Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của 13 đồng bào dân tộc đang hoạt động hàng ngày cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Dịp này, tại Trung tâm Bảo rồng Di sản Thăng Long - Hà Nội cũng diễn ra triển lãm tranh dân gian Việt Nam. Hơn 50 bức tranh trưng bày được phóng tác từ cuốn sách “Tranh dân gian Việt Nam sưu tầm và nghiên cứu” của tác giả Maurice Durand.
Các bức tranh tại triển lãm có chủ đề đa dạng như: những công việc nhỏ xung quanh cuộc sống hàng ngày, lời cầu chúc, bùa phù hộ, việc thực hành tôn giáo tín ngưỡng, tranh minh họa những tấm gương hiếu thảo, tranh minh họa lịch sử, văn học, bốn mùa...
Cuốn sách “Tranh dân gian Việt Nam sưu tầm và nghiên cứu” của Maurice Durand không đơn thuần là bộ sưu tập tranh. Đây là một công trình nghiên cứu được tác giả dày công thực hiện từ năm 1940 ở Hà Nội với sự hỗ trợ của các học giả Trần Văn Giáp, Trần Huy Bá, Louis Bezacier và Paul Lesvy. Có thể nói đây là bộ sưu tập quan trọng nhất còn được lưu giữ tính đến thời điểm này.
Trong cùng thời điểm, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội còn giới thiệu triển lãm “Hai vị Tổng đốc Nguyễn Tri Phương - Hoàng Diệu”. Triển lãm giới thiệu hơn 60 hình ảnh, tư liệu, bản vẽ liên quan đế hai vị Tổng đốc Nguyễn Tri Phương (1800-1873) và Tổng đốc Hoàng Diệu (1829 - 1882) đã từng gắn bó, xây dựng và chiến đấu anh dũng để bảo vệ thành Hà Nội.
Thông qua các tài liệu, hình ảnh, triển lãm làm nổi bật vai trò của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, vị quan đầu triều, đại diện cho phái chủ chiến chống thực dân Pháp của chính quyền nhà Nguyễn. Đồng thời, triển lãm cũng thể hiện được trọn vẹn câu chuyện về cuộc đời của Tổng đốc Hoàng Diệu - vị Tổng đốc thanh liêm, chính trực, sống gần dân, thân dân, vì dân đã chiến đấu anh dũng bảo vệ thành Hà Nội khi thực dân Pháp đem quân tiến đánh Bắc Kỳ lần thứ hai và cuối cùng đã tuẫn tiết để nêu cao khí tiết anh hùng.
Triển lãm được giới thiệu tại di tích thành Cửa Bắc, nơi in đậm dấu ấn của hai vị Tổng đốc đã chiến đấu quên mình để bảo vệ thành Hà Nội.
Nhân dịp Quốc khánh 2/9, tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long còn diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống như: Chương trình diễn xướng dân gian, múa rối nước vào ngày 1 và 2/9; chương trình giao lưu văn hóa và thể thao truyền thống vào 9h ngày 2/9.
Hà Tùng Long