Nhiều chương trình kỷ niệm 16 năm ngày mất nhạc sỹ Trịnh Công Sơn
(Dân trí) - Để tưởng nhớ 16 năm ngày mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, người thân, bạn bè và người yêu nhạc Trịnh trong khắp 3 miền sẽ tổ chức rất nhiều hoạt động.
Theo đó, vào sáng 1/4, ngôi nhà của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ở 47C Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, TP.HCM sẽ mở cửa từ 6h đến16h để đón người hâm mộ và bạn bè thân hữu tới thắp hương tưởng niệm ông. Khi đến đây, người yêu nhạc cũng sẽ được ngắm nhìn lại những kỷ vật từng gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của vị nhạc sỹ họ Trịnh tài ba này.
Cũng vào lúc 7h sáng ngày 1/4, những người yêu nhạc Trịnh tại TP.HCM sẽ tập trung dâng hương cho ông tại ngôi nhà 47C Phạm Ngọc Thạch sau đó sẽ di chuyển xuống nghĩa trang Gò Dưa (Q. Thủ Đức) để thăm phần mộ cố nhạc sỹ và tổ chức sinh hoạt âm nhạc cộng đồng tại đây. Đây là hoạt động mang tính thường niên, được duy trì đều đặn kể từ khi cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn rời “cõi tạm” do những người yêu nhạc Trịnh tổ chức.
Đêm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn” được diễn ra từ 18h đến 21h ngày 1/4 tại đường sách Nguyễn Văn Bình - TP.HCM. Đêm nhạc có sự tham gia của các ca sỹ như: Cẩm Vân, Đức Tuấn, Lân Nhã, Tấn Sơn, Bích Ngọc và nhạc sĩ như Trần Mạnh Tuấn, An Trần, nghệ sĩ piano Tuấn Mạnh... Theo bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn thì đêm nhạc này từng được tổ chức liên tục trong 5 năm tại khu Phú Mỹ Hưng (TP.HCM). Và năm nay, dù tổ chức ở một địa điểm khác nhưng quy mô của đêm nhạc sẽ không hầ thay đổi.
Một quy mô tương tự cũng sẽ được thực hiện tại Huế, quê hương của nhạc sỹ họ Trịnh với tên gọi “Nối vòng tay lớn” cũng sẽ được diễn ra vào 21/4 tại Đại học Y Dược Huế. Góp mặt trong đêm nhạc, ngoài danh ca Bảo Yến – một người con xứ Huế còn có các nghệ sỹ Trịnh Vĩnh Trinh, Đức Tuấn, Tấn Sơn, Tịnh Uyên, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn - An Trần, nghệ sĩ piano Tuấn Mạnh... Ngoài ra, chương trình còn có sự tham gia của các thầy cô và sinh viên của Trường Đại học Y Dược Huế.
Giải thích về lý do tổ chức ở Huế, ông Nguyễn Trung Trực, em rể cố nhạc sĩ cho biết: "Đêm nhạc này sẽ vô cùng ý nghĩa khi gắn với sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập trường Đại học Y khoa Huế. Sẽ có rất nhiều thế hệ sinh viên quy tụ trong sự kiện này, những người từng một thời sống với âm nhạc của Trịnh và vẫn đang tiếp tục làm cho nhạc Trịnh được lan tỏa trong đời sống”. Nối tiếp “truyền thống” của các năm trước, đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” sẽ không bán vé để đông đảo công chúng, người yêu nhạc, học sinh - sinh viên có cơ hội thưởng thức nhạc Trịnh.
Vào 20h ngày 2/4 tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) cũng sẽ diễn ra đêm nhạc “Hãy yêu nhau đi” để tưởng nhớ 16 năm nhạc sỹ họ Trịnh hoá thân vào cát bụi. Chương trình âm nhạc đặc biệt này có sự tham gia của những ca sĩ đã từng gắn bó với âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như: Khánh Ly, Hồng Nhung, Tuấn Ngọc. Trong đêm nhạc này, khán giả ngoài việc được nghe những ca khúc đáng nhớ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì còn được nghe nhiều câu chuyện về ông qua lời kể của các ca sỹ tham gia chương trình.
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (sinh 28/2 / 1939 ) quê ở huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Ông được xem là một trong những nhạc sỹ lớn của nền âm nhạc Việt Nam đương đại. Ước đoán, nhạc sỹ họ Trịnh sáng tác được hơn 600 ca khúc nhưng số ca khúc của ông được biết đến rộng rãi là 236 ca khúc (cả lời và nhạc).
Nhạc sỹ Phạm Duy nhìn nhận về âm nhạc của nhạc sỹ họ Trịnh: “Toàn bộ âm nhạc của anh đẹp như một bức họa trừu tượng hơn là tả thực. Cả nhạc lẫn lời, cả xác lẫn hồn thơ, nghe lãng đãng, mơ hồ, khó phân định cho đúng nghĩa”. Nhạc của Trịnh Công Sơn được nhiều ca sĩ thể hiện nhưng thành công hơn cả là Khánh Ly . Ngoài ra, ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ và một diễn viên không chuyên.
Ông mất tại TP.HCM vì bệnh tiểu đường lúc 12giờ45 ngày 1/4 /2001 (tức ngày 8 tháng 3 năm Tân Tỵ). Đám tang của ông đã có hàng ngàn người đã đến viếng và có thể nói, chưa có nhạc sĩ nào mất đi lại được công chúng thương tiếc như Trịnh Công Sơn. Ông được an táng tại Nghĩa trang chùa Quảng Bình (P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức) . Từ đó hàng năm giới hâm mộ đều lấy ngày này làm ngày tưởng niệm.
Hà Tùng Long