Nhiều ca sĩ Việt bị tố “đạo nhái”
(Dân trí) - Từ những ồn ào xung quanh nghi vấn ca sĩ Sơn Tùng “đạo” nhạc nhiều người lại chạnh lòng nhìn lại showbiz Việt, nơi mà sự “vay mượn” đang diễn ra một cách… thản nhiên. Dẫu cho sự “vay mượn” đó của không ít nghệ sĩ như Tóc Tiên, Cao Thái Sơn… bị khán giả lên tiếng chỉ trích?
Ca sĩ Việt “đạo” từ âm nhạc cho đến thời trang, phong cách biểu diễn
Sơn Tùng M-TP đang là “tâm bão” hứng chịu nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh MV mới vừa ra mắt “Chúng ta không thuộc về nhau”. Kèm với lượt truy cập tăng chóng mặt còn là những bình luận, phần lớn trong số đó tỏ ý ngờ vực nam ca sĩ gốc Thái Bình “đạo” lại ca khúc “We don’t talk anymore”, một bài song ca của Charlie Puth và Selena Gomez.
Hình ảnh trong MV cũng bị “soi” vì giống với MV của nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc. Cảnh thì giống MV “Eureka” của nam ca sĩ/rapper Zico (ft. Zion. T) hay MV “Sober” của thủ lĩnh nhóm BigBang - G-Dragon, “Monster" của EXO…
Đây không phải là lần đầu tiên, Sơn Tùng M-TP dính nghi án “đạo nhái”. Các sáng tác của anh như "Cơn mưa ngang qua" bị dính nghi án đạo nhạc "Sarangi Mareul Deutjianha" của Namolla Family, “Nắng ấm xa dần” bị cho là giống "Monologue" của As One đến "Em của ngày hôm qua" có nhiều nét tương đồng với "Every Night" của EXID. Ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” cũng gây ồn ào khi bị cho là “nhái” "Because I miss you" của nghệ sĩ Hàn Quốc, Jung Yong Hwa.
Cách vụ lùm xùm của Sơn Tùng vài tháng, ca sĩ Dương Hiếu Nghĩa bị trang Allkpop tố cáo MV “Đêm không còn em” của anh đạo video ca nhạc (MV) “A Million Pieces” của Kyuhyun, thành viên út của nhóm Super Junior. Hai MV trùng hợp không chỉ về nội dung mà từng tình tiết, cử chỉ của nhân vật cũng giống nhau đến lạ lùng. Trước lời tố “đạo nhái” và sự chỉ trích của cộng đồng mạng, nam ca sĩ trẻ đã phải lên tiếng xin lỗi và gỡ bỏ MV.
Ca sĩ Cao Thái Sơn, Bảo Thy trước đó cũng bị tố “đạo nhái” các nghệ sĩ Hàn Quốc. “Công chúa bong bóng” đã khiến cư dân mạng Việt và Hàn phản đối kịch liệt khi “mượn” ý tưởng MV “Bubble Pop” của HyunA (4Minute) để thực hiện MV “Ngày vắng anh”. Hay Cao Thái Sơn cũng dính nghi án “đạo” MV “Come Back To Me” Part 2 của Se7en khi thực hiện “Người ở lại”…
Từ kiểu tóc Piexe, trang phục, hình xăm… của Tóc Tiên đều được cho là giống hệt Miley Cyrus.
Không chỉ “đạo” nhạc, một số ca sĩ trẻ “nhái” phong cách thần tượng, những nghệ sĩ nước ngoài nổi tiếng. Sơn Tùng từng thẳng thắn thừa nhận anh thần tượng thủ lĩnh nhóm Big Bang. Tuy nhiên, việc ăn mặc, phong cách biểu diễn, cách tạo dáng giống hệt G-Dragon của Sơn Tùng khiến nhiều người gai mắt. Họ gọi nam ca sĩ trẻ này là “copy cat” (kẻ bắt chước) và “faker” (người giả mạo).
Tóc Tiên cũng bị chỉ trích chẳng khác gì “bản sao” của nữ ca sĩ nổi loạn Miley Cyrus. Từ kiểu tóc Piexe, trang phục, hình xăm… của Tóc Tiên đều giống hệt Miley…
“Sự cóp nhặt luôn bị lên án”
Từ vụ việc của Sơn Tùng, nhìn lại vấn nạn “đạo nhái” trong showbiz Việt, ca sĩ Tùng Dương thể hiện quan điểm rõ ràng với Dân trí: “Tôi kịch liệt phản đối việc đạo nhái, đó là hành động “ăn trộm chất xám” và không được bất cứ một nghệ sĩ chân chính nào ủng hộ. Việc đi lên bằng chiêu trò không bằng khả năng thực sự thì sớm muộn sẽ lộ ra. Việc đạo nhái không chỉ thể hiện nghệ sĩ bất tài mà còn lệch lạc về cái “tâm””.
Về việc các ca sĩ trẻ bắt chước nghệ sĩ nước ngoài về hình ảnh, thời trang, phong cách biểu diễn…. Tùng Dương cho rằng trong một thế giới phẳng đa phương tiện, việc tiếp cận, học hỏi nhanh nhạy là thực tế. Tuy nhiên, học hỏi không có nghĩa là lặp lại, là “bản sao” vì nghệ sĩ cần nhất vẫn là cái tôi sáng tạo và riêng biệt.
Ở một góc nhìn khác, HLV X Factor cũng thể hiện sự lo ngại trước “hiện tượng” không ít nghệ sĩ trẻ cố tình “vay mượn” để tạo scandal, thu hút sự chú ý của dư luận. Với mặt trái của showbiz, thế giới ảo của mạng xã hội, giá trị nghệ thuật đang bị “vàng thau lẫn lộn”. “Việc đạo nhái có thể xảy ra với bất cứ nghệ sĩ nào nếu họ không tỉnh táo và dung dưỡng những điều tiêu cực trong nghệ thuật”, anh nói.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề “đạo nhái” trong showbiz Việt, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: “Mọi sự sáng tạo đều đáng được trân trọng cho dù nó được chấp nhận hay chưa được chấp nhận ngay khi nó ra đời, thậm chí không được chấp nhận thì cũng đáng trân trọng. Sự sáng tạo phải được kết nối từ truyền thống cho tới hiện tại và có thể cả tương lai. Vì thế, một sáng tạo đương nhiên không thể của một cá nhân mà nó là một phần nối tiếp những gì mà tiền nhân đã tạo dựng.
Nói như thế có nghĩa là ngay cả khi sáng tác một tác phẩm âm nhạc, người nhạc sĩ đã không phải là chủ thể sáng tạo duy nhất, vì họ phải sáng tác dựa trên cơ sở của những gì đã có từ trước đó, chẳng hạn ngôn ngữ, nốt nhạc, điệu thức...
Tuy nhiên đó là những thứ cơ bản, còn những thứ mang dấu ấn cá nhân thì hoàn toàn không được lặp lại một cách quá đúng với mỗi tác phẩm hoặc một phần tác phẩm (một đoạn nhạc) đã ra đời trước đó. Vì lúc đó nó không còn là sự sáng tạo mà chỉ là cóp nhặt. Và điều này luôn bị lên án. Việc đạo nhạc chỉ làm cho đời sống của chúng ta thụt lùi về mặt thẩm mỹ nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng”.
Nguyễn Hằng