Nhiếp ảnh gia Fulvio Bugani chụp ảnh bằng sự cô đơn ở hòn đảo Sicily
(Dân trí) - Mang đến Hà Nội 20 bức ảnh nghệ thuật về hòn đảo Sicily nổi tiếng ở Ý, nhiếp ảnh gia Fulvio Bugani - đại sứ Leica toàn cầu - đã kể câu chuyện của đời sống với sự cô đơn của chính vùng đất anh chụp.
Những bức ảnh của tôi không có tuyên ngôn gì cả
Fulvio Bugani SN 1974, anh là một nhiếp ảnh gia tư liệu tự do người Ý với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Anh tích cực hợp tác với các hiệp hội và các tổ chức phi chính phủ, như: Medecins Sans Frontiere & Amnesty International về các đề tài phóng sự xã hội.
Các tác phẩm của anh cũng được đăng trên các tạp chí, website uy tín hàng đầu thế giới như TIME LightBox, The Guardian, LFI - Leica Fotografie International và Cubadebate. Mới đây, Fulvio Bugani đã tổ chức triển lãm Sicily tại Hà Nội nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Italy (1973-2023).
Sự kiện nhằm giới thiệu đến công chúng Việt Nam hình ảnh về vùng đất Sicily (Ý). Triển lãm được mở cửa miễn phí từ 9h - 18h từ ngày 18 - 31/8 tại 18 Lê Phụng Hiểu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo đó, Fulvio Bugani mang tới triển lãm 20 bức ảnh chọn lọc, gói gọn và đặc tả những nét tinh túy của vùng đất Sicily với những bức ảnh về con người, cuộc sống vùng đất này.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhiếp ảnh gia Fulvio Bugani cho biết, 20 bức ảnh trong triển lãm Sicily lần này là 20 câu chuyện mà anh nhìn thấy được ở hòn đảo Sicily.
Anh đã sử dụng ngôn ngữ tư liệu và trừu tượng cùng chủ nghĩa lãng mạn của người Ý để kể chuyện.
"Tôi đã dùng máy ảnh ghi lại cuộc sống của con người ở Sicily. Con người ở đây có nhiều hoài niệm, sự cô đơn và nhiều nỗi buồn, tôi ghi lại khoảnh khắc ấy bằng những bức ảnh… Tôi muốn đi sâu vào cảm xúc trong từng bức ảnh, đó là những hình ảnh bình dị của đời sống nhưng gây xúc động với người xem", Fulvio Bugani cho hay.
Nhiếp ảnh gia người Ý chia sẻ thêm, đây là triển lãm cá nhân, do có một thời gian dài anh chụp ảnh ở Cuba, anh thấy Sicily và Cuba có sự tương đồng với nhau, từ lịch sử, văn hóa nên anh đã chụp hòn đảo mang lại cho anh nhiều xúc cảm này: Ở Sicily có những điều rất thật và giản dị… nên anh muốn chụp những cảm xúc của mình nơi đây.
"Những bức ảnh của tôi không có tuyên ngôn gì cả, nó chỉ là sự gợi mở tới người xem. Nhiếp ảnh không còn là một tài liệu nữa mà nó dần chuyển đổi là một ngôn ngữ nghệ thuật", Fulvio Bugani bộc bạch.
Nhiếp ảnh gia sinh năm 1974 chia sẻ thêm, bộ ảnh trong triển lãm như một chuyến du hành thời gian về thời anh 16 tuổi. Khi đó, lần đầu tiên anh được đi du lịch ở Argentina.
Khi đến vùng đất mới, ấn tượng với anh là những người Ý nhập cư đã ôm lấy anh và khóc vì nỗi nhớ nhà. Anh nhận ra rằng, nỗi buồn, sự cô đơn, vẻ đẹp hoài niệm của người nhập cư có sức mạnh với mình…
Khi quay trở lại Sicily, anh cũng thấy các thanh niên từ 20 - 40 tuổi thường nhập cư sang Đức hay Bắc Ý… để làm ăn, sinh sống. Đó là chất liệu "dồi dào" để Fulvio Bugani sáng tác.
Tôi muốn có dự án chụp ảnh về người dị tính
Fulvio Bugani cho biết thêm, anh đã chụp ảnh về đời sống, ghi lại những hình ảnh bình dị của những con người lao động chân chính.
Anh kể: "Sang Việt Nam, tôi đã đi khá nhiều nơi trong khoảng một tháng, từ đồng bằng sông Cửu Long, đi chợ cá, đến Nha Trang, TPHCM và tất nhiên là cả Hà Nội… Tôi cũng muốn đến ở khu vực phía Bắc ở Việt Nam. Bởi tôi muốn tập trung vào những người thiểu số - đó không hẳn là người dân tộc mà một nhóm người nhỏ trong một đô thị ồn ào, náo nhiệt.
Tôi sẽ tiếp tục dự án này trong tương lai ở Việt Nam. Hiện tại, tôi đang triển khai dự án chụp ảnh cho người dị tính. Tôi đã thực hiện một bộ ảnh này ở Cuba và muốn thực hiện ở Việt Nam một bộ ảnh như vậy".
Nói về việc chuyển từ phóng viên chiến trường tự do sang chụp ảnh thị giác, Fulvio Bugani kể lại, năm 2013, anh nhận một dự án chụp ảnh cho tổ chức bác sĩ không biên giới, giữa Congo và Uganda.
Fulvio Bugani đã tác nghiệp tại khu vực khủng hoảng và chứng kiến những hình ảnh người bị thương do hỗn chiến bằng dao, bị thiệt mạng trong các trại tị nạn, hành hình bằng cách bị ném đá khi phạm tội.
Fulvio Bugani đã có một bộ ảnh thành công về trại tị nạn ở Congo, nơi mà anh ấy đã phải đối mặt với nhiều tình huống khó khăn. Anh đã gặp và ghi lại hình ảnh của những người tị nạn đã bị mất tất cả trong cuộc sống của mình và phải sống trong điều kiện vô cùng khó khăn khi phải đối diện và cận kề giữa sự đói nghèo, sống - chết.
Sau 15 ngày làm việc tại Congo, anh trở lại Kampala, nơi người bạn của anh đang chờ anh về. Cô nói với anh rằng cô ấy ổn và khách sạn nhỏ nơi cô ấy ở rất tốt vì hàng ngày đều có người đến dọn dẹp phòng.
Chính giây phút ấy, anh bất giác nhớ lại những hình ảnh đau thương của trại tị nạn và nhận ra rất rõ ràng sự tương phản giữa hai số phận dù rằng họ đang rất gần nhau. Fulvio Bugani bị ám ảnh và quyết định từ đó không tham gia chụp ảnh tại khu vực khủng hoảng nữa.
Khi được hỏi: "Ở thời 4.0, việc chụp ảnh hiện nay đang cạnh tranh và nhiều thách thức như đã có điện thoại thông minh, hay chụp ảnh bằng công nghệ AI (Trí tuệ nhân tạo - PV), anh nghĩ gì về điều này?".
Fulvio Bugani nói: "Khi điện thoại thông minh, hay AI ra đời, các nhiếp ảnh gia đã dịch chuyển, họ không chụp những gì mình nhìn thấy nữa mà họ chụp những gì cảm thấy. Khi làm việc với mọi người qua chiếc máy ảnh, tôi thấy có sự kết nối giữa con người và con người với nhau. Tôi hạn chế việc thay đổi thực tại của bức ảnh như tăng, giảm ánh sáng, các công việc hậu kỳ của bức ảnh…".
Nhiếp ảnh gia người Ý cho hay, đây là lần thứ 3 anh đến Việt Nam, anh thấy rất thích phong cảnh và ẩm thực Việt Nam, Fulvio Bugani thích sự đa dạng của ẩm thực, từ hải sản, các món ăn từ mì gạo, đến hoa quả như thanh long đỏ và măng cụt.
Một trong số những thành tựu nổi bật nhất của Fulvio Bugani là giải thưởng World Press Photo với bộ ảnh về người chuyển giới ở Indonesia năm 2015.
Ngoài ra, anh cũng là một trong 12 người xuất sắc nhất vòng chung kết tại Lễ trao giải Leica Oskar Barnack năm 2016 với bộ ảnh phóng sự về Cuba của mình. Từ năm 2017, anh là một trong những Đại sứ toàn cầu của Leica cho sản phẩm máy ảnh Leica M10.
Triết lý cuộc sống của anh là quan tâm cuộc sống hàng ngày của những con người bình thường, vì với anh cách duy nhất để hoàn thiện chính mình là bằng cách học hỏi từ những người khác mọi lúc, mọi nơi. Những địa điểm ông thường đến là những nơi có cuộc sống, văn hóa đa dạng như: Cuba, Kenya, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Gruzia.