Nhân vật phim "Những đứa trẻ trong sương" nói về tục bắt vợ của người Mông

Phương Bảo

(Dân trí) - Má Thị Di - nhân vật chính trong phim tài liệu "Những đứa trẻ trong sương" của đạo diễn Hà Lệ Diễm đã có những chia sẻ xúc động về cuộc sống của mình trong tọa đàm "Ra khỏi màn sương".

Ngày 5/7, tại Bảo tàng phụ nữ, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức tọa đàm Ra khỏi màn sương. Tọa đàm thực hiện trong khuôn khổ Dự án thành phần số 8 Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện.

Tham gia tọa đàm có chị Châu Thị Say và em Má Thị Di, ở thị trấn Sapa, tỉnh Lào Cai. Hai mẹ con Di đã mang lại cho khán giả những câu chuyện thật, rất xúc động về cuộc đời của mình.

Nhân vật phim Những đứa trẻ trong sương nói về tục bắt vợ của người Mông - 1
Má Thị Di - Nhân vật chính trong phim "Những đứa trẻ trong sương" của đạo diễn Hà Lệ Diễm (Ảnh: Lương Duy Tiến).

Má Thị Di - người dân tộc Mông, sinh năm 2004. Năm 15 tuổi, cô chống lại tục lệ "kéo vợ" của dân tộc mình. Nhờ sự ủng hộ của mẹ, Di đã tránh được cuộc sống làm vợ, làm mẹ khi ăn chưa no, lo chưa tới. Câu chuyện của Di đã được phản ánh thú vị, sinh động và chân thực trong bộ phim Những đứa trẻ trong sương của nữ đạo diễn trẻ người Tày, Hà Lệ Diễm.

Bộ phim đã giành 34 giải thưởng và đề cử tại các liên hoan phim trên thế giới, phim cũng lọt vào Shortlist - danh sách rút gọn (top 15) giải Oscar - hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất; Năm 2023, bộ phim đạt giải thưởng Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất trong hạng mục Phim hay nhất - Hạng mục phim châu Á.

Chia sẻ tại tọa đàm, Má Thị Di cho hay: "Chị Hà Lệ Diễm làm phim Những đứa trẻ trong sương là nói về cuộc sống của tôi, nhưng vô tình, lại ghi lại được những cảnh quay, những câu chuyện chân thực về tập tục bắt vợ của người Mông. Những cảnh quay đó rất thật, nhưng may mắn, Di đã không đồng ý để về làm vợ của người ta khi còn rất trẻ".

Khi được hỏi, vì sao nhiều cô gái người Mông khoảng 13, 14 đã muốn lấy chồng, vì sao Di lại chống lại tục bắt vợ? Má Thị Di cho hay: "Tôi thấy mình chưa tự tin, chưa đủ trưởng thành để đi làm dâu. Tôi vẫn muốn đi học. Cho dù nhà bạn nam kia đồng ý cho tôi đi học, nhưng tôi thấy mình chưa lớn để về làm vợ người ta".

Nhân vật phim Những đứa trẻ trong sương nói về tục bắt vợ của người Mông - 2
Má Thị Di và mẹ tại tọa đàm "Ra khỏi màn sương" ngày 5/7 tại Hà Nội (Ảnh: Lương Duy Tiến).

Sau khi từ chối tục bắt vợ, Má Thị Di tiếp tục đi học, cô trở thành nhân vật truyền cảm hứng của nhiều cô gái vùng cao. Hiện tại, Di đã có gia đình, hai người đến với nhau từ tình yêu và rất tôn trọng nhau.

Má Thị Di cho biết, hiện nay nhiều bé gái người Mông chưa thực hiện được những ước mơ của mình vì gặp nhiều rào cản từ gia đình, từ cộng đồng. Một số phụ nữ người Mông vẫn bị bạo hành bởi người chồng, nên Di mong muốn mọi người nhận cao nhận thức về phụ nữ, về bình đẳng giới để gia đình hạnh phúc hơn.

Cô gái 19 tuổi này mơ ước sẽ mở homestay tại quê hương Sapa, tạo nhiều việc làm cho những người phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao để họ có thu nhập, chủ động cuộc sống, không phải là nạn nhân của bạo lực gia đình.

"Nhiều phụ nữ trẻ người Mông hiện nay rất giỏi, kinh doanh homestay hiệu quả, học tiếng Anh chăm chỉ… nhiều người được đi và trải nghiệm rất nhiều nơi để thấy cuộc sống đẹp và phong phú hơn. Tôi mong mình sẽ được đi học tiếp để về quê hương làm giàu, để chạm vào ước mơ thời trẻ của mình", Má Thị Di tâm sự.

Nhân vật phim Những đứa trẻ trong sương nói về tục bắt vợ của người Mông - 3
Bà Tôn Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm (Ảnh: Lương Duy Tiến).

Chia sẻ tại Tọa đàm, bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam không khỏi xúc động về câu chuyện của 2 khách mời chính tham gia sự kiện. Bà cho biết, việc thay đổi nhận thức, tư duy của cả một thế hệ là điều không đơn giản, chưa kể có những rào cản về ngôn ngữ.

"Những câu chuyện như của Má Thị Di là "người thật việc thật" thực sự là tấm gương quý để công tác truyền thông hiệu quả hơn. Nhiều em bé ở vùng cao chưa thực hiện được ước mơ của mình vì vướng bận chuyện gia đình, vì thế Đảng và Nhà nước luôn coi trọng công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là đơn vị luôn đồng hành cùng lực lượng phụ nữ, đặc biệt là các đối tượng phụ nữ yếu thế, phụ nữ ở những địa bàn khó khăn trong tiến trình thực hiện khát vọng phát triển và bình đẳng", bà Hạnh cho hay.

Nhân vật phim Những đứa trẻ trong sương nói về tục bắt vợ của người Mông - 4
Diễn viên Charlie Win (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh cùng hai mẹ con Má Thị Di và các khách mời tại tọa đàm (Ảnh: Lương Duy Tiến).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm