Nhận tranh cãi trái chiều, Táo quân có nên dừng lại?
(Dân trí) - Chưa năm nào cuộc tranh luận về Táo quân lại sôi nổi, thu hút sự chú ý của dư luận như năm nay, không ít ý kiến cho rằng, nếu chương trình không còn đủ sức hút có thể cân nhắc việc dừng phát sóng.
Táo quân 2023 đánh dấu chặng đường 20 năm ra mắt khán giả. Chương trình năm nay được dàn dựng theo kịch bản một cuộc thi sắc đẹp, quy tụ những gương mặt nghệ sĩ đã gắn bó gần 2 thập kỷ qua như NSƯT Quốc Khánh, NSND Công Lý, NSƯT Xuân Bắc, NSND Tự Long, NSƯT Chí Trung, NSƯT Quang Thắng và nghệ sĩ Vân Dung...
Dù vẫn mang thông điệp phê phán các vấn đề tiêu cực, nổi cộm trong xã hội dưới tiếng cười hài hước, trào phúng song nhiều người đánh giá, Táo quân đang đuối về mặt nội dung, không còn sáng tạo, mới mẻ, nhiều mảng miếng hài "nhạt, nhảm".
Thậm chí, không ít ý kiến còn cho rằng, nếu một chương trình không còn đủ sức hút với khán giả thì có thể cân nhắc việc dừng phát sóng.
Thực tế, không phải bây giờ, truyền thông mới đặt vấn đề: Có nên dừng Táo quân hay không? Khi chương trình tròn 10 năm tuổi, cuộc tranh luận đã được xới xáo nhưng cuối cùng Táo quân vẫn tiếp tục được duy trì.
Nhưng có lẽ chưa năm nào cuộc tranh luận về Táo quân lại sôi nổi, thu hút sự chú ý của dư luận như năm nay.
Táo quân là một chương trình giải trí thành công
Chia sẻ với Dân trí, nhà thơ Hồng Thanh Quang cho rằng, nhìn nhận một cách công bằng, Táo quân là một chương trình rất thành công với lượng rating cao.
Táo quân là một biến thể của hề chèo trên sân khấu dân gian. Ở đó có đủ các loại hình nghệ thuật như: Chèo, cải lương, rap, thậm chí cả xiếc… phù hợp với số đông khán giả.
"Theo những gì tôi biết, các nghệ sĩ trong những điều kiện thực tế hiện nay đã luôn cố gắng hết sức. Những điều còn khiến khán giả có thể chưa hài lòng dường như nằm ở những khâu khác", nhà thơ Hồng Thanh Quang nói.
Ông Quang cũng cho rằng, việc ý kiến trái chiều với một chương trình nghệ thuật, giải trí là khó tránh vì để làm vừa lòng hết mọi người là rất khó. Nghệ sĩ "cứ cười vui khi bị đời nhạo lại".
Ê-kip nên nghe những lời chê để tự điều chỉnh làm tốt hơn, tuy nhiên cũng không nên vì thế mà thành "đẽo cày giữa đường", đánh mất bản sắc của mình.
"Tôi nghĩ phần đông khán giả vẫn yêu thích, mong chờ Táo quân, không nên vì những tranh cãi vừa qua mà phải dừng phát sóng", nhà thơ Hồng Thanh Quang nói.
Vì sao Táo quân 2023 chưa khiến khán giả thỏa mãn?
Không thể phủ nhận sức hút và sự thành công mà Táo quân đã làm được. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan chương trình bị chê "nhạt", "cười nhảm" không phải không có lý do.
Biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết, năm nào chị cũng xem Táo quân thì thấy, ê-kip làm chương trình dường như đang bị lúng túng giữa bỏ hay giữ cái gì, né tránh nhiều sự kiện nên chưa tới tầm.
Táo quân 2023 dù đánh dấu chặng đường 20 năm nhưng lại có kịch bản đuối, nhạt nên chưa gây ấn tượng với người xem. Kịch bản Táo quân cần một tầm triết lý cao hơn, cần nhận định về xã hội sắc sảo hơn. Kịch bản hiện tại như "một người chửi xéo nhưng lại non tay".
"Táo quân tập trung vào trend (xu hướng - PV) nhiều quá nhưng tiếng cười lại không sắc sảo. Ví dụ như chuyện đi thi hoa hậu, hay chuyện 'một người làm quan cả họ được nhờ' không dở nhưng kịch bản chưa hay, chưa tới người viết chưa tìm ra được một cách nói tinh tế hơn", bà Nhã nói.
Nhà biên kịch này cũng cho rằng, các vấn đề đưa ra trong Táo quân chưa phải là "cốt lõi", nóng nhất sau dịch Covid-19.
Sau đại dịch, con người đã làm gì để sống, họ đã thành bại ra sao sau hơn 2 năm chống chọi với bệnh dịch? Mảng y tế được quan tâm nhất, nhưng cũng không được nói nhiều…
"Thay vì tạo 'trend', họ lại theo 'trend', theo tâm lý đám đông nên chưa xứng đáng một chương trình quốc gia", biên kịch Trịnh Thanh Nhã thẳng thắn.
Ngoài ra, việc dùng nhiều diễn viên đã cũ, cách thể hiện không mới theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã "càng khiến khán giả khó chịu".
"Ai cũng biết chuyện Cô Đẩu Công Lý ốm, tại sao lại cố tình 'lôi' lên sân khấu một chút làm gì? Chuyện này không tốt cho cả nghệ sĩ và người xem", nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói.
Có nên dừng chương trình Táo quân?
Nhà văn Hữu Ước cho rằng, khán giả mong chờ một chương trình Táo quân dưới góc nhìn châm biếm với tiếng cười sâu cay. Bản chất của nghệ thuật là đổi mới, sáng tạo nếu không còn thì nên dừng.
Ông cho rằng nên tổ chức thi viết kịch bản cho chương trình này.
"Nên tổ chức một cuộc thi về kịch bản dành cho Táo quân. Nếu có, tôi cũng tham gia viết kịch bản. Nhưng sẽ phải tìm đạo diễn nào, ê-kip nào đó để làm cho hay hơn. Nếu tôi viết kịch bản, tôi sẽ nhờ Lê Hoàng làm đạo diễn. VTV cứ đóng khung biên kịch đó, đạo diễn đó thì khó hay, vì trí tuệ, sáng tạo của con người cũng có hạn, phải đổi mới thì mới tránh sự nhàm chán", nhà văn Hữu Ước chia sẻ.
Ông Hữu Ước cho biết thêm, dàn diễn viên cũ có nghề, diễn chuyên nghiệp nhưng vẫn phải bổ sung những nhân tố mới để chương trình hay hơn. Táo quân phải có yếu tố mới thì mới đáp ứng được sự mong đợi của khán giả.
Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Hồng Lam cũng thẳng thắn cho rằng, các nghệ sĩ trong Táo quân đều đã hết sức cố gắng, đều mong cống hiến và sáng tạo hết mình, nhưng lực bất tòng tâm. Cả nội dung, hình thức của chương trình có lẽ đã không còn phù hợp.
"Sau 20 năm, nếu không thể làm mới, không còn đất cho sự sáng tạo thì đã đến lúc xếp chương trình vào kho, xem như một kỷ niệm văn hóa. Sóng đài truyền hình quốc gia cần một sự thay thế mới mẻ, trẻ trung, hấp dẫn và phù hợp với thời đại hơn", nhà báo Nguyễn Hồng Lam nói.
Không thể phủ nhận trong suốt 20 năm qua, Táo quân đã trở thành "món ăn tinh thần" của hàng triệu khán giả Việt Nam. Nhiều người ví von "Tết thiếu Táo quân cũng như đón năm mới thiếu bánh chưng, hoa đào, hoa mai".
Sau một năm làm việc vất vả, nhu cầu ngồi xem một chương trình giải trí, tổng kết lại năm cũ bằng tiếng cười sâu cay, bi hài vẫn được nhiều người đón chờ, mong ngóng.
Dù vậy, thẳng thắn nhìn nhận đã đến lúc, ê-kip Táo quân cũng cần có sự đổi mới, mang đến làn gió mới cho chương trình, thay vì suốt 20 năm chỉ với một format và dàn diễn viên quen mặt.