Nhạc sĩ Vĩnh Cát trẻ trung, hóm hỉnh bất ngờ ở tuổi 85
(Dân trí) - Khi được hỏi về bí quyết “trẻ lâu” dù đã bước sang tuổi 85, vị nhạc sĩ “Ngôi sao Hà Nội” hóm hỉnh bảo, ông chẳng có bí quyết gì ngoài việc bao nhiêu năm qua cố gắng... sống thanh thản, yên bình và không màng danh lợi.
Khác với tưởng tượng về một nhạc sĩ- nhà soạn nhạc giao hưởng hàng đầu ở Việt Nam già yếu ở tuổi xế chiều, đi phải có người dìu; nhạc sĩ Vĩnh Cát gây bất ngờ khi xuất hiện tại buổi gặp gỡ giới thiệu live concert “Ngôi sao Hà Nội” chiều ngày 27/3 tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám với hình ảnh trẻ trung, hóm hỉnh và lãng tử.
Mặc áo sơmi trắng, quần tây có dây đai, mũ phớt; vị nhạc sĩ tiết lộ, đây là lần hiếm hoi ông diện bộ trang phục nhìn “phong trần lãng tử” như thế này.
Vị nhạc sĩ ở cái tuổi 85 cho biết, ban đầu ông cũng ngại ngần khi mặc bộ trang phục trẻ trung này. Bởi cả đời, ông cũng từng đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo trong ngành văn hóa, ăn mặc “chỉn chu” nên khi ăn mặc kiểu “lãng tử” thế này ông không quen. Tuy nhiên, được đạo diễn Phạm Hoàng Giang khích lệ, “ông đã thử và cảm thấy cũng thú vị”.
Khi được hỏi về bí quyết “trẻ lâu” dù đã bước sang tuổi 85, tác giả ca khúc “Ngôi sao Hà Nội” hóm hỉnh bảo, ông chẳng có bí quyết gì ngoài việc bao nhiêu năm qua cố gắng sống thanh thản, yên bình và không màng danh lợi.
“Nhiều người nói tôi trẻ như mới ngoài 60, chẳng biết họ nói thật hay đùa, nhưng tôi tự thấy mình trẻ, khỏe mạnh được như bây giờ là nhờ tinh thần lạc quan với cuộc sống, nhờ tình yêu với âm nhạc. Bây giờ ít sáng tác nhưng tôi vẫn nghe nhạc thường xuyên. Đó gần như là nguồn cảm hứng để một ông già như tôi luôn thấy yêu đời và vui vẻ”, ông nói.
Theo nhạc sĩ Vĩnh Cát, nhờ tinh thần lạc quan, ông tự thấy mình khỏe hơn dù trong người bây giờ đang mang rất nhiều bệnh, đến nỗi một năm phải vào viện cấp cứu mấy lần. Tuy nhiên, sau mỗi lần cấp cứu như thế, ông lại vui khỏe, lại làm việc.
Vị nhạc sĩ gạo cội tâm sự, có lúc vui vui, ông vẫn tự “bịa” ra lời và giai điệu một ca khúc nào đó để hát cho con cháu nghe. Ông nói, nếu ghi lại cũng có thể thành bài hát thiếu nhi nhưng với ông, đó không thể thành một tác phẩm âm nhạc được.
Đạo diễn Phạm Hoàng Giang chia sẻ anh khá hồi hộp khi thực hiện chương trình của người nhạc sĩ nghiêm túc và đáng kính như nhạc sĩ Vĩnh Cát.
Cũng tại buổi gặp gỡ, nhạc sĩ Vĩnh Cát chia sẻ, ông tin tưởng khi đạo diễn Phạm Hoàng Giang đạo diễn cho đêm nhạc “Ngôi sao Hà Nội” vào ngày 6/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Chia sẻ thêm về đêm nhạc “Ngôi sao Hà Nội”, đạo diễn Phạm Hoàng Giang bày tỏ, anh nhận được lời mời làm đạo diễn chương trình của ông từ cách đây 6 tháng. Anh cho biết, việc dàn dựng đêm nhạc “Ngôi sao Hà Nội” là thách thức không nhỏ với những người thực hiện.
“Nhạc sĩ Vĩnh Cát có số lượng tác phẩm đồ sộ ở cả mảng khí nhạc, giao hưởng đến mảng ca khúc, vì thế chương trình sẽ có sự tham gia cả dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc dân tộc và dàn nhạc nhẹ. Người đảm nhận vai trò hoà âm, phối khí cho đêm nhạc là nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.
Nhạc sĩ Trọng Đài với vai trò là biên tập âm nhạc chương trình cũng đã chọn lọc 18 tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Vĩnh Cát trong hàng trăm tác phẩm của ông.
Chương trình gồm hai phần: "Đất nước" và "Con người", sẽ đưa khán giả đi từ những cảm xúc hào hùng của đất nước trong kháng chiến và hòa bình, đến những tâm sự, tình yêu riêng tư sâu lắng của con người”, đạo diễn Phạm Hoàng Giang bật mí.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường đến chia vui với người thầy đáng kính, nhạc sĩ Vĩnh Cát.
Ca sĩ Tùng Dương chia sẻ, với anh thì nhạc sĩ Vĩnh Cát thực sự là một trong những tượng đài âm nhạc của nền âm nhạc Việt Nam.
Đêm nhạc “Ngôi sao Hà Nội” có sự tham gia của nhiều tên tuổi như: NSND Quang Thọ, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Phạm Phương Thảo, Trọng Tấn, Lan Anh, Tùng Dương, Phúc Tiệp, Đinh Trang cùng tốp ca nam nữ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam...
Nhạc sĩ Vĩnh Cát sinh năm 1934, nguyên quán ở Hưng Yên nhưng sống ở Hà Nội từ nhỏ cùng gia đình. Ông là một trong số ít nhạc sĩ viết hay cả ca khúc và nhạc thính phòng, giao hưởng. Ông đã hoàn thành chương trình tu nghiệp sau đại học tại Liên Xô (cũ) và trở về Việt Nam làm Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hiện nay), sau đó ông giữ chức vụ Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội). Ông cũng là giám đốc đầu tiên của Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhạc sĩ Vĩnh Cát đã được nhà nước phong học hàm Phó giáo sư vào năm 1991.
Nhạc sĩ Vĩnh Cát tham gia kháng chiến chống Pháp và sáng tác âm nhạc từ rất sớm, ở tuổi 13,14 khi là diễn viên đoàn “Thiếu nhi nghệ thuật” do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách. Cũng từ chiếc nôi nghệ thuật ấy, ông đã sáng tác những ca khúc đầu tay: “Nhớ Bác Hồ”, “Việt Bắc”, “Gửi bạn Thủ đô”…
Năm 1956, ông trúng tuyển khoa sáng tác đầu tiên Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Từ năm 1958, ông đã viết tác phẩm “Tiếng võng ru” cho piano, tiếp đến là tổ khúc giao hưởng kịch múa “Hái hoa dâng Bác”. Đây cũng là tác phẩm giao hưởng đầu tiên của Việt Nam được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cùng Trường Múa Việt Nam biểu diễn mừng sinh nhật Bác lần thứ 70 (19-5-1960).
Đến nay, nhạc sĩ Vĩnh Cát vẫn có niềm đam mê đau đáu với khí nhạc. Ông là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên tổ chức những đêm nhạc giao hưởng riêng và có CD nhạc giao hưởng bán trên thị trường. Không chỉ nổi tiếng với các tác phẩm khí nhạc, nhạc sĩ Vĩnh Cát còn được đông đảo khán giả nhớ đến qua những ca khúc như: “Sa Pa thành phố trong sương”, “Vườn nhãn quê hương”, “Ngôi sao Hà Nội”…
Nguyễn Hằng