Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng qua đời sau 2 năm ung thư
(Dân trí) - Người thân nhạc sĩ Tô Thanh Tùng xác nhận thông tin tác giả “Giã từ” đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 8 giờ 15 phút, ngày 19/7/2017, tại bệnh viên Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, hưởng thọ 74 tuổi.
Phát hiện bệnh ung thư tuyến tuyền liệt vào khoảng tháng 10/2015, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng vẫn lạc quan để chống chọi với bệnh tật. Nhưng sau 2 năm, với bệnh ung thư và tuổi già sức yếu, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà Đồng Tháp.
Trước đó, vào đầu tháng 7/2017, trong khoảng thời gian đang điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt tại bệnh viện Bình Dân (TPHCM), nhạc sĩ Tô Thanh Tùng biết sức khỏe của mình ngày càng yếu nên mong muốn những ngày cuối đời được về lại quê hương Đồng Tháp. Người thân đã đáp ứng nguyện vọng này của ông.
Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng sinh năm 1944 tại Hồng Ngự, Châu Đốc (nay thuộc huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp). Ông bắt đầu sáng tác từ năm 19 tuổi, trong đó, tên tuổi của ông được biết đến qua ca khúc sáng tác cho quê hương Hồng Ngự mang tên em, ca khúc do ca sĩ Bảo Yến thể hiện thành công, được khán giả nhiều thế hệ yêu thích.
Năm 20 tuổi, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng rời quê hương lên học trường Luật tại Sài Gòn và tiếp tục công việc sáng tác.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng về lại Đồng Tháp làm việc và giữ chức Trưởng Ban Văn nghệ của thị trấn Hồng Ngự trong ba năm.
Đây cũng là thời gian cuộc sống của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng gặp vô vàn khó khăn về kinh tế, ông phải làm đủ mọi việc để mưu sinh.
Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng từng đổ vỡ hôn nhân, vợ và các con sang định cư sống ở nước ngoài. Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng sống một mình tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Binh Dương.
Trong thời điểm vừa phát hiện mắc bệnh ung thư năm 2015, cuộc sống vô cùng khó khăn về kinh tế nên nhạc sĩ nhận được tiền hỗ trợ từ các nghệ sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Quang Linh, Trường Giang và Cát Phượng... trong chương trình Tình nghệ sĩ.
Gia sản âm nhạc của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đa số là những ca khúc trữ tình và ngọt ngào mang đậm phong cách dân ca Nam Bộ, chân thật và tình cảm như tính cách người miền Tây. Trong đó, những ca khúc nổi bật được nhiều người yêu thích, như: Giăng câu, Giã từ, Chuyện tình cây và đất, Người hàng xóm (phổ thơ Nguyễn Bính), Điều chưa dám nói, Hồng Ngự mang tên em…
Bạn bè nhạc sĩ chia sẻ, trước khi mất, ông viết một bài hát ngay trên giường bệnh trước lúc lâm chung: “Cuối cùng rồi cũng phải ra đi, không còn gì, không còn gì. Tôi trả lại hết cho đời, cho cha mẹ và bạn bè”.
Băng Châu