Nhạc sĩ Thanh Tùng: Ngồi xe lăn, cười và im lặng...

Sau những cơn đột qụy, nhạc sĩ Thanh Tùng đã bị liệt không thể đi lại, phải ngồi xe lăn. Ông cũng không thể nói được nữa. Chỉ có nụ cười thể hiện niềm vui của ông và ánh mắt nhìn xa xăm, lơ đãng ẩn chứa nỗi buồn....

Nhạc sĩ Thanh Tùng được các con đưa ra Hà Nội sống và chăm sóc đã được nửa năm nay. Hàng ngày ông vẫn phải đi châm cứu để mong sức khoẻ khá hơn. Nghệ sĩ Trần Bình - Giám đốc Nhà hát nhạc nhẹ trung ương bảo, dù đã không nói được nhưng vị nhạc sĩ tài năng này vẫn giữ thói quen đi cà phê với bạn bè hàng tuần....

Để động viên tinh thần, nghệ sĩ Trần Bình hứa ngày 20/10 - đúng vào khoảng thời khắc mùa thu đẹp nhất của Hà Nội sẽ tổ chức một đêm nhạc tặng ông. "Dù không nói được nhưng nhạc sĩ Thanh Tùng biết và vui lắm. Có lúc phấn khích lên ông cười ha hả rồi bật ra chữ "được" như muốn thể hiện sự thích thú của mình" - nghệ sĩ Trần Bình nói.

 

Nhạc sĩ Thanh Tùng xuất hiện trong đêm nhạc Lối cũ ta về.

Nhạc sĩ Thanh Tùng xuất hiện trong đêm nhạc "Lối cũ ta về".
 
 
"Lối cũ ta về" năm nay không khác nhiều so với chương trình "Một mình" của 3 năm trước và "Lối cũ ta về" của năm 2011 cũng tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Không có sự thay đổi về danh sách bài hát, chỉ khác ở ca sĩ thể hiện. Hồng Nhung ngoài Một mình, Giọt sương trên mí mắt, Em và tôi còn thể hiện thêm Hát với chú ve con.

Mỹ Linh hát Vĩnh biệt mùa hèGiọt nắng bên thềm - bài hát gắn với tên tuổi Thanh Lam. Kasim Hoàng Vũ thể hiện Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghita, Lối cũ ta về - ca khúc chủ đề chương trình. Chuyện cổ Nghi Tàm không có cách hát ma mị của Tùng Dương nhưng bù lại bằng sự dàn dựng khá kỹ lưỡng trong tiết mục của tốp ca nam.

Điểm nhấn trong chương trình là phần thể hiện của Hồng Nhung. Cô Bống điệu đà, gợi cảm, cách biểu diễn sôi nổi, nhún nhảy đầy tinh nghịch, cách nhả chữ tinh tế và đặc biệt là phần trải lòng về Thanh Tùng. Nhận xét về những sáng tác của Thanh Tùng, Hồng Nhung cho biết, cô rất thích cách nhìn cuộc đời tích cực của ông.

Clip Hồng Nhung trình bày "Hát với chú ve con"

Trong những bài hát buồn vẫn có những điểm trong sáng đem đến cho người nghe sự nhẹ nhõm, lạc quan, dù đó là Một mình - sáng tác ông dành tặng người vợ quá cố hay Giọt sương trên mí mắt - ca khúc nói về những giọt nước mắt của người con gái khi lần đầu biết yêu.

"Chúng tôi đi hát mỗi chương trình đều được phát một cái thẻ. Hôm nào lỡ quên, đến cửa anh bảo vệ chặn lại hỏi vì người tôi nhỏ quá họ không nhận ra. Có lẽ ca sĩ hát nhiều quá, ngày nào cũng hát nên giống như chú ve con. Chúng tôi vẫn hay đùa rằng bài "Hát với chú ve con" là nhạc sĩ Thanh Tùng sáng tác dành cho những ca sĩ" - diva Hồng Nhung chia sẻ.


Clip Mỹ Linh thể hiện "Giọt nắng bên thềm"

Mỹ Linh cũng kể câu chuyện gặp nhạc sĩ Thanh Tùng năm 1993 khi đó cô vẫn thuộc ban nhạc Hoa sữa và đi dự một cuộc liên hoan hát tại Đà Nẵng. Mỹ Linh nói: "Năm đó nhạc sĩ Thanh Tùng làm chủ khảo. Tôi được một giải nghe ra rất nhiều cái nhất mà lại không phải là nhất. Đó là giải "Ca sĩ trẻ nhất gây ấn tượng nhất liên hoan".

Giải thưởng đó rất có ý nghĩa đối với tôi vì đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp làm ca sĩ. Tôi vẫn còn nhớ nụ cười tươi của ông dành cho tôi năm đó và ở đêm hôm nay trước khi ra sân khấu tôi lại nhận được nụ cười tươi ấy ở ông. Vì thế tôi đã rất xúc động, bao nhiêu tình cảm tôi gửi hết vào bài hát".

Nữ diva Mỹ Linh cũng chia sẻ sự ngưỡng mộ dành cho nhạc sĩ Thanh Tùng - một trong những người đầu tiên đã đặt nền móng cho nền tân nhạc nước nhà. Ông cũng là người thầy truyền cảm hứng, tình yêu cho nhiều nhạc sĩ, ca sĩ thế hệ đàn em, trong đó có "học trò" Quốc Trung, Thanh Lam...

Có thể nói "Lối cũ ta về" năm nay - hát toàn những sáng tác của nhạc sĩ Thanh Tùng đã mang lại nhiều xúc cảm cho khán giả mặc dù trong chương trình một số ca sĩ trẻ hát có đôi chỗ còn chênh, phô và sai lời khiến chất lượng đêm nhạc không được trọn vẹn và thăng hoa như ba năm trước.
Tuy nhiên, một trong những yếu tố làm nên thành công của đêm nhạc phải kể tới những hình ảnh minh họa cho các tiết mục của đạo diễn Phạm Việt Thanh. Ở đó, người xem không thấy bất kỳ một hình ảnh cũ nào ở những đêm nhạc Thanh Tùng trước đây được lặp lại.

Với "Chuyện cổ Nghi Tàm" là hình ảnh Nghi Tàm xưa và nay, "Hoa tím ngoài sân" là hình ảnh con đường thu Hà Nội. Với bài hát chủ đề "Lối cũ ta về" là hình ảnh ngõ nhỏ, phố nhỏ thân quen đi về chốn xưa, về mái nhà xưa với hoa ngọc lan thoảng đưa trong gió.

Để hiểu đời thực của Thanh Tùng lồng trong những hình ảnh của ca khúc có lẽ đạo diễn Phạm Việt Thanh là một trong những người đứng đầu. Tất cả sự hiểu, tình cảm yêu quý của ông dành cho nhạc sĩ Thanh Tùng được thể hiện qua những hình ảnh chắt lọc, đầy ý nghĩa trong đêm nhạc.

Dẫu sức khoẻ không chiều theo lòng người, nhưng người nhạc sĩ tài năng Thanh Tùng vẫn có những người bạn, người học trò, người cháu và các khán giả yêu mến và luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho ông. "Lối cũ ta về" diễn ra tại Nhà hát Lớn như thể Thanh Tùng về lần cuối để giữ lửa yêu thương, tri ân khán giả Hà Nội.

Thời gian đã làm đổi thay mọi sự. Thanh Tùng xuất hiện vào những phút đầu và cuối của chương trình, chỉ nhoẹn miệng cười. Đôi mắt ông long lanh như thể hiện niềm hạnh phúc lớn lao khi các khán giả dành nhiều sự yêu mến. Chắc hẳn trong sâu thẳm trái tim ông muốn nói lời cảm tạ tới họ nhưng bệnh tật không thể khiến ông nói được nữa rồi...

Theo Sơn Hà
Vietnamnet