Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: "Có bài hát được ra đời chỉ để… chửi nhau"
(Dân trí) - Nam nhạc sĩ ví thị trường âm nhạc Việt Nam hiện tại "càng ngày càng giống như cái chợ bán đồ ăn rồi bán thú" vì bắt đầu xuất hiện những bài hát chỉ để… "chửi nhau".
Mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung gây chú ý khi chia sẻ về vấn đề âm nhạc Việt Nam ở thời điểm hiện tại trên trang cá nhân: "Âm nhạc Việt bắt đầu xuất hiện những bài hát được ra đời chỉ để chửi nhau, đánh mất đi vẻ đẹp nghệ thuật và ý nghĩa thơ mộng mà một bài hát nên có. Càng ngày càng giống như cái chợ bán đồ ăn rồi bán thú!"
Quan điểm của nam nhạc sĩ nhận được nhiều sự đồng tình của khán giả yêu nhạc. Bên cạnh đó cũng có ý kiến phản ứng, nghi vấn anh "đá xéo" Rap...
Trước những ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng, tác giả "Nhật ký của mẹ" đã lên tiếng giải thích rõ hơn.
Anh chia sẻ: "Tôi đã từng nói trong một bài phỏng vấn về tên bài hát gây sốc rằng nếu chúng ta cứ dễ dãi xuề xòa với những tên bài hát như vậy thì sớm muộn gì cũng sẽ xuất hiện những bài gây sốc toàn diện cả nguyên phần lời và nội dung chứ không chỉ là cái tên như thế này.
Và quả thật, hôm nay tôi đã vô tình nghe phải những bài hát và cả những trailer như thế!
Tôi cũng đã từng nói đối với quan điểm của tôi, âm nhạc phải có giá trị về thẩm mỹ, nghệ thuật là phải đẹp, có nghĩa là mỗi nhạc sĩ khi viết ra mỗi bài hát đều phải vươn tới sự hoàn mỹ của cái đẹp, từ nội dung, giai điệu, ca từ, ý nghĩa, thậm chí đến cả cái tên cũng phải đẹp.
Chính cái đẹp đó là cái giúp cho chúng ta phân biệt được thế nào là một bài nhạc và một bài chửi của mấy người bán hàng ngoài chợ. Chính cái đẹp đó là lý do để chúng ta yêu mến bài hát đó, là thước đo để chúng ta tôn vinh tài năng và đạo đức nghề nghiệp của người nhạc sĩ, nghệ sĩ hoặc là ca sĩ đó.
Bài hát về bất cứ chủ đề nào, nội dung nào, có thể vui tươi, hạnh phúc, hay đau đớn, buồn khổ, trách móc, bất mãn... gì cũng được nhưng đều phải được chăm chút từng ý tứ, câu từ chứ không đơn thuần như trò chơi ngữ nghĩa gán ghép những câu nói đời thường thô tục vào một giai điệu khiên cưỡng nào đó.
Một bài hát có thể hay hoặc chưa hay, có thể dở hoặc không hợp thời, có thể mang tính thị trường hay mang chất học thuật, sao cũng được nhưng tuyệt đối không được vô sỉ, vì đó là đứa con tinh thần của mỗi người nhạc sĩ, là đại diện cho tâm hồn và phông văn hóa của người nhạc sĩ đó, mà đã mang danh "nhạc sĩ" thì có nghĩa là người làm ra những tác phẩm đẹp về âm nhạc.
Đừng ngụy biện rằng những ca từ đó đâu có ẩn ý gì, do mọi người suy nghĩ sâu xa quá thôi, vì tự bản thân mỗi người sáng tác và mỗi người hát nếu từng được đi học và được giáo dục đều có khả năng đọc, hiểu những ẩn ý sâu xa của tiếng Việt.
Âm nhạc là phương tiện để truyền tải và lan tỏa cảm xúc yêu thương tích cực cho nhau, cho khán giả, cho cộng đồng, chứ đừng biến nó thành vũ khí để 2 người thóa mạ lăng nhục nhau rồi đội lốt sản phẩm âm nhạc. Đó không phải là công năng của một bài hát! Đừng xúc phạm nghề nghiệp của mình!
Tôi cũng đã từng nói: "Nếu những người quản lý nghệ thuật mà lại phó mặc mọi hành vi sản xuất/ biểu diễn cho sự tự ý thức của nghệ sĩ và trông đợi vào sự tẩy chay của công chúng thì vai trò của người quản lý nghệ thuật liệu có còn cần thiết hay không?"
Tôi viết status này không phải để phê phán hay châm biếm, mà chỉ là muốn nhắn nhủ rằng chúng ta đến với âm nhạc là vì điều gì? Để thỏa mãn đam mê ca hát? Để được biểu diễn phục vụ khán giả? Để nổi tiếng và kiếm nhiều tiền? Hay là để trả thù?".
Khi được hỏi về việc có ý kiến nghi vấn anh "đá xéo" Rap, Nguyễn Văn Chung thẳng thắn: "Tôi sẽ nói lại cho rõ hơn vì có khá nhiều bạn trẻ hiểu lầm dẫn đến tranh cãi không đáng có! Tôi là nhạc sĩ viết nhạc trẻ, chuyên về ca khúc ballad, và điều tôi nói đến là những bài hát trong khuôn khổ dòng nhạc mình đang làm việc.
Tôi nói thẳng là trước đây mình không thích Rap, nhưng tôi vẫn tôn trọng dòng nhạc ấy, khán giả ấy và các nghệ sĩ ấy, dù rằng đôi khi có những bài gai góc chạm đến mức thô tục và phản cảm nhưng vì "nước sông không phạm nước giếng" nên tôi không quan tâm!
Thậm chí, tôi cũng từng cộng tác một vài bài phối hợp với Rap cùng 1 vài bạn như Hoàng Rapper và Khánh Jay… Dạo gần đây, nhờ vào những thành công của các chương trình Rap nên các bạn Rapper và dòng nhạc đó đang trở thành trào lưu được yêu thích hơn, vì sao? Vì các bạn ấy chứng tỏ được chất nghệ thuật và cảm xúc trong từng bài Rap của các bạn (tôi vẫn dùng từ bài Rap chứ không phải bài hát), và thậm chí cả tôi cũng thay đổi quan điểm về Rap.
Và điều tôi muốn nói ở đây là một bài hát nhưng lại muốn mang chất "Diss" (*) của Rap vào, nhưng lại vẫn muốn gắn mác một "sản phẩm âm nhạc" thì theo tôi là không nên và không hay, vì nó mất đi cái chất nghệ thuật mà một bài hát nên có!
Tôi hiểu các bạn yêu quý dòng nhạc của mình nên phản bác, nhưng cái cách các bạn dùng lời lẽ thô tục để chửi bới, đả kích người khác chỉ càng làm cho người ta thêm ấn tượng xấu về dòng nhạc các bạn yêu thích!
Bên cạnh đó, tôi cũng nói thẳng, tôi hiểu văn hóa "Diss" của Rap và tôn trọng nó, nhưng đối với những ai biết dùng sự sâu cay của ngữ nghĩa thôi, chứ nếu dùng những từ chửi thề... để "Diss" thì tôi vẫn đả kích như thường.
…Chửi thề chỉ chứng tỏ bạn bế tắc trong ngữ nghĩa! Bây giờ các bạn còn trẻ, các bạn nghĩ thế là phong cách, là cá tính, thế nhưng đến khi các bạn có con, các bạn tưởng tượng đến cảnh con các bạn gặp ai cũng đưa ngón tay thối lên và chửi thề, xem các bạn sẽ thấy khó xử như thế nào!".
Nam nhạc sĩ khẳng định với phóng viên Dân trí: "Những gì tôi nói là quan điểm nghệ thuật của cá nhân tôi. Tôi không bắt buộc hay yêu cầu ai phải nghe theo, nhưng tôi nghĩ đã làm nghệ thuật phải có tự tôn, phải có tự trọng, phải có quan điểm rõ ràng".
Nguyễn Hằng
(*)Diss là một thuật ngữ trong âm nhạc, đặc biệt là dòng nhạc hip hop dùng để chỉ những ca khúc được sáng tác để công kích, chỉ trích, chế giễu người khác...