Nhạc sĩ Dương Thụ: “Tôi dị ứng với cái đẹp son phấn”

Mọi điều để nói thêm về vị nhạc sĩ này, suy cho cùng cũng chỉ là một sự bổ sung bởi ông chưa bao giờ là người thích “tô vẽ” đời mình, mà phần việc đó ông làm hăng say với cuộc đời người khác.

Tính đi tính lại, có lẽ Dương Thụ là nhạc sĩ “tô vẽ” thành công nhiều danh ca nhất cho nhạc Việt trong khoảng 20 năm trở lại đây. Cũng bởi tâm thế đó, liveshow “Dương Thụ - Những câu chuyện kể của tôi” tổ chức ngày 9-10/11/2012 tại Nhà hát lớn Hà Nội không phải là một đêm nhạc tổng kết hay nhìn lại, đơn giản chỉ là: “Tôi muốn làm một đêm nhạc tử tế”.

 

Khán giả của tôi “nhẹ túi tiền - nặng túi văn hóa”

 

Đầu tiên xin được bắt đầu bài phỏng vấn với ông bằng một câu hỏi “hình thức”: Ông đã chuẩn bị cho liveshow này lâu chưa?

 

Tôi lên dự định từ đầu năm nhưng thực sự là chưa biết thời gian nào thì hợp lí. Cuối cùng tính đi tính lại mới chọn được thời điểm cuối năm và địa điểm là Nhà hát lớn Hà Nội. Lý do để làm là tôi muốn một chương trình tử tế cho chính bản thân mình, cho khán giả của mình, một chương trình Dương Thụ nhất.

 

Trước đây, cũng đã có nhiều đêm nhạc làm cho tôi nhưng trong những đêm nhạc đó, tôi chỉ tham gia với tư cách khách mời, tức là mình chẳng có quyền quyết định gì hết.

 

Một chương trình được gọi là tử tế, khâu chuẩn bị là quan trọng nhất. Vì vậy tôi thường nghĩ về nó từ rất sớm. Không phải là nghĩ trong đầu mà làm dần từng khâu, công việc của một người biên tập, rồi của một giám đốc nghệ thuật từ đó mà hình thành êkíp. Hai việc đầu là nặng nhất.

 

Phải hình thành ý tưởng cho thấu đáo và triển khái nó trong thực tế công việc của riêng mình. Việc hình thành êkíp thì đơn giản hơn vì tôi đã có sẵn, chỉ cần xem họ “sô chậu” ra sao để tính toán thời gian tập và thời gian diễn ổn thỏa.

 

Các ngôi sao thì “chạy sô như điên”, quy tụ họ đâu có dễ. “Điều còn mãi” năm nào cũng chuẩn bị trước 10 tháng. Chương trình này cũng thế. Cái lương tâm của người làm nghề chính là ở khâu chuẩn bị này.

 
Đây sẽ là đêm nhạc dạng “Một sự nghiệp – một chặng đường”?
 

Đây sẽ là đêm nhạc dạng “Một sự nghiệp – một chặng đường”?

 

Chả phải thế đâu, sự nghiệp của tôi có lớn lao gì mà tổng kết. Chỉ là một đêm nhạc, nơi kết nối tôi với khán giả của mình qua những câu chuyện kể. Thế thôi. Và bạn cũng đừng nghĩ sẽ là “nhạc tuyển Dương Thụ” bởi đó là điều tôi không quen làm.

 

Tôi làm cũng không vì tiền vì nếu muốn thì thiếu gì việc để kiếm tiền mà dễ hơn âm nhạc nhiều. Tôi cũng chẳng làm để PR, bởi với tôi chuyện đó là không cần thiết mà nhiều khi chuốc thêm những phiền hà.

 

Tôi không lên án chuyện làm vì tiền hay để PR, bởi nghệ sĩ hay nhạc sĩ thì cũng cần có tiền để sống đàng hoàng và để tái đầu tư cho công việc của mình. Đây chỉ là chuyện cá nhân tôi thôi chứ không phải quan điểm gì cả.

 

Ông đủ giàu để làm một đêm nhạc mà không cần tài trợ?

 

Là nhạc sĩ thì chưa ông nào giàu cả, trừ anh Thanh Tùng, nhưng anh ấy không làm giàu bằng âm nhạc. Tôi thuộc diện đủ ăn thôi. Nếu đem so với vài nhạc sĩ khác cùng lứa hoặc trẻ hơn thì tôi chỉ ở bậc dưới. Còn tài trợ thì cần chứ. Nhưng tài trợ theo suy nghĩ của tôi không phải là chuyện “xin-cho”. Tôi đủ tự trọng để nói không với những mối quan hệ như thế.

 

Đây là việc tế nhị, nên phải có người đi vận động tài trợ cho mình, nhưng theo quan điểm của mình. Việc này chẳng có gì xấu. Người tài trợ là người đồng hành với mình. Đóng góp của họ giống như của dàn nhạc và các ca sĩ vậy.

 

Tôi muốn mỗi nhà tài trợ tham gia chương trình được nêu tên tuổi như những ngôi sao ca nhạc. Sự tôn trọng lẫn nhau là cần thiết. Ai cũng được cái của mình, chẳng ai lụy ai. Ai cũng làm văn hóa nhưng bằng những cách khác nhau.

 

Ông tự tin rằng vé bán sẽ rất tốt chứ?

 

Làm thì làm thôi, còn bán vé là câu chuyện không thể lường trước. Khán giả của tôi thường “túi tiền” nhẹ hơn “túi văn hóa” nhưng không vì thế mà bán vé quá rẻ. Chi phí nặng lắm, lấy gì để bù lỗ. Tôi chưa đủ giàu để làm “từ thiện âm nhạc”.

 

Thực ra bây giờ người nghe nhạc của tôi, một số đã có đủ điều kiện tiền bạc. Số này tuy ít, nhưng không đến nỗi mỗi đêm diễn chỉ lấp đầy vài ba hàng ghế khán giả. Quan trọng là cần thông tin đến họ. Cái này phải nhờ truyền thông.

 

Nhưng như đã nói từ đầu, tôi xác định đây là một đêm nhạc mình làm vì thích, vì muốn được đúng với mình nhất, nên những suy đo tính toán có lẽ cũng không nên đặt nặng, nếu tính toán nhiều đã không còn là tôi nữa rồi.

 

Với tôi, mất chính là được

 

Vì sao ông lại chọn địa điểm Nhà hát lớn ở Hà Nội cho đêm nhạc này mà không phải là một địa điểm nào ở TP.HCM nơi ông đang sống?

 

Đơn giản, Hà Nội là quê tôi, nơi tôi có đông bạn bè và cũng nên có một chuyến “trở về” cho tử tế. Ở Hà Nội, Cung Văn hóa Việt – Xô cũng tốt nhưng giờ họ hay tổ chức đám cưới và triển lãm. Chung chạ với cái này là quá khổ đối với khán giả của mình. Mình muốn người nghe nhạc mình được nghe ở một chỗ tử tế.

 

Nhà hát lớn Hà Nội chính là chỗ như thế. Đấy là một sự tôn trọng, một thái độ văn hóa. Bây giờ ăn uống cũng còn kén chỗ đẹp đẽ, sang trọng, huống hồ là đi nghe nhạc. Khán giả thời này có người “xịn” lắm đấy. Vé đắt đôi khi chưa phải là vấn đề mà là chỗ xem, chương trình có xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra hay không.

 

Nhìn vào danh sách các ca sĩ – nghệ sĩ tham gia chương trình của ông, tôi thấy có rất nhiều gương mặt đã gắn bó với ông từ những ngày đầu tiên. Tôi hiểu đó là một mối thâm tình nhưng chẳng nhẽ, ông không có niềm tin vào những gương mặt mới hiện nay?

 

Những người mà tôi mời vào chương trình có lí do ngoài chuyên môn: họ gắn bó với tôi trong suốt cuộc đời làm âm nhạc. Tôi tìm thấy họ, họ cũng tìm thấy tôi, cũng chia sẻ và không phải chỉ có âm nhạc đâu. Tôi không bao giờ để họ đứng ngoài các chương trình của mình bởi vì đó là sự biết ơn, trân trọng.

 

Âm nhạc là thứ gì đó tôi rất yêu quý, không thể biến nó thành phương tiện kiếm tiền. Nếu muốn kiếm tiền nên mời Đàm Vĩnh Hưng (ca sĩ này có bài hát của tôi và nghe nói cũng thành công lắm) và diễn ở sân vận động để bán được nhiều vé. Làm sao mà thế được.

 

Cái tôi cần là gia đình âm nhạc của mình và khán giả của mình. Còn niềm tin vào gương mặt mới ư? Tôi thấy nhiều người trẻ có giọng tốt, có cảm xúc, nhưng họ đâu có hát nhạc Dương Thụ. Mà với tôi, chất giọng và cảm xúc là chưa đủ, phải có sự đồng điệu. Ta không thể mời một cô ca sĩ trẻ rất nổi tiếng hát nhạc của mình khi cô ấy chẳng biết mình là ai. Mà muốn biết được nhau cũng phải có duyên đấy.

 

Phần đông những người biết ông, trong đó có tôi, cho rằng ông là một người cực đoan và duy mỹ. Có khi nào, ở tuổi 70, thỉnh thoảng ông nghĩ lại và nói với bản thân mình rằng: Giá như đôi chỗ, đôi lúc bớt được những cực đoan thì cuộc đời đã khác rất nhiều?

 

Cực đoan theo nghĩa nào và duy mỹ theo nghĩa nào? Nếu cực đoan là việc kiên định đi theo những gì mình cho là đúng, là phù hợp với bản chất của mình, những gì mình yêu quí, tha thiết, những gì mình thích thú một cách tự nhiên chứ không phải xuất phát từ những quan điểm được thâu nhận qua lý trí, thì đúng là tôi cực đoan thật. Còn ngược lại thì không.

 

Nếu duy mỹ là thích những vẻ đẹp tự nhiên, giản dị (tức là cái đẹp “thật”, chứ không phải cái đẹp giả được “tô vẽ bằng son phấn”),  thì tôi duy mĩ. Tôi rất dị ứng với cái đẹp khuôn sáo màu mè, cái đẹp “phun châu nhả ngọc”, cái đẹp hoa mỹ kiểu cách. Tất nhiên cái đẹp kiểu ấy vẫn có thể làm nhiều người say đắm, mê mệt, có thể làm họ xúc động, nhưng tôi thì không.

 

Nếu như đôi chỗ đôi lúc bớt được những cực đoan thì dĩ nhiên đời tôi sẽ khác, tôi không còn là Dương Thụ như các bạn biết nữa. Sống, chúng ta phải chấp nhận việc mình sẽ mất đi một số thứ để được những cái căn bản, cái để mình còn được là chính mình.

 

Với tôi chẳng có cái gì gọi là mất cả, mất chính là được. Nói thế nghe có vẻ tếu quá nhưng thật sự đây là tổng kết nghiêm túc của một người đã 70 tuổi, người ấy là Dương Thụ.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Sành điệu