Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam
(Dân trí) - Tại Hội nghị Ban Chấp hành nhiệm kỳ X (2020-2025), với 100% số phiếu đồng thuận, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020 – 2025).
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025) diễn ra trong 2 ngày 6-7/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Trách nhiệm”.
Đến dự Đại hội, có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cùng lãnh đạo các ban, ngành, Trung ương...
Tại Đại hội, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đọc Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ IX (2015-2020) và Phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ X (2020-2025).
Theo đó, Hội Nhạc sĩ Việt Nam hiện nay có gần 1.500 hội viên là các nhạc sĩ Sáng tác, nhà lý luận Âm nhạc, các nghệ sĩ Biểu diễn và các nhà Sư phạm, với 54 chi hội trong cả nước. Hội là thành viên của Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á (ACL), Hiệp hội Âm nhạc đương đại quốc tế (ISCM) và có quan hệ với các tổ chức âm nhạc quốc tế.
Về hoạt động sáng tác, nhiều năm qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương tổ chức các cuộc vận động sáng tác và thẩm định tác phẩm về đề tài: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1930 - 1975); Sáng tác chuyên đề về các ngành nghề, địa phương đề tài về biên giới, biển đảo và Bộ đội Biên phòng"...
Bên cạnh việc đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa nền ca khúc, Hội luôn chú trọng khuyến khích sáng tác, đầu tư kinh phí cho các tác phẩm khí nhạc, nhằm phát triển hài hòa cả 2 lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc.
Trong những năm gần đây, một số nhạc sĩ (phần lớn chưa là hội viên, tuổi đời còn trẻ) chỉ chú ý viết các ca khúc thị trường dòng nhạc pop, không biết đến dòng âm nhạc chính thống, kinh điển bác học, và dòng âm nhạc cổ truyền. Trong nền kinh tế thị trường, âm nhạc trở thành hàng hóa nên mọi hoạt động của guồng quay Showbiz bao trùm lên đời sống âm nhạc, xuất hiện các sân chơi ca nhạc, vô hình chung biến âm nhạc thành những sản phẩm giải trí đơn thuần, hạ thấp tính giáo dục, tính thẩm mỹ. Tình trạng bát nháo trong thị trường âm nhạc tác động đến các chủ thể sáng tạo từ nhạc sĩ, ca sĩ, đạo diễn âm nhạc, nhà sản xuất, dẫn đến tình trạng buông lỏng chất lượng, nghiệp dư hóa - lệch chuẩn.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam luôn theo sát trước những hiện tượng nổi cộm trong đời sống ấm nhạc, nhất là lĩnh vực âm nhạc giải trí. Đây là một lĩnh vực phức tạp, cần có sự đánh giá tỉnh táo và công minh trước những hiện tượng lệch lạc, lai căng của một số bài hát mang tính thị hiếu tầm thường, chạy theo đám đông; ca từ dễ dãi, thậm chí thô tục phản cảm...
Về hoạt động biểu diễn, các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ phương Tây, nhạc cụ dân tộc, ca sĩ, các nhà chỉ huy... đã triển khai nhiều hoạt động biểu diễn, phối hợp với các đơn vị nghệ thuật, các tổ chức, tổ chức chương trình hòa nhạc như “Mùa Thu nhớ Bác” nhân “Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ X” (2019), kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, công diễn nhiều đợt vở Opera “Lá đỏ” - về đề tài Trường Sơn thời kỳ chống Mỹ cứu nước...
Cũng trong sáng 7/8, tại Hội nghị Ban Chấp hành nhiệm kỳ X (2020-2025), với 100% số phiếu đồng thuận, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020 – 2025).
Ban Thường vụ gồm 7 nhạc sĩ: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; Th.S nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh; NSND Phạm Ngọc Khôi; Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu; NSƯT Trần Vương Thạch; nhạc sĩ Trần Nhật Dương; nhạc sĩ Lê Xuân Hoan.
4 Phó Chủ tịch Hội: Th.S Nguyễn Đức Trịnh, NSND Phạm Ngọc Khôi, Nhà Lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, NSƯT Trần Vương Thạch. Trưởng Ban Kiểm tra: Nhạc sĩ Trần Nhật Dương.