Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Chỉ chăm lo giải trí, thì nhạc Việt chỉ có bề nổi

Bộ Văn hóa Ý vừa sa thải 200 nghệ sĩ của Nhà hát Opera Roma vì… hết tiền. Nghệ thuật cổ điển luôn là “cuộc chơi” tốn kém. Ở Việt Nam, chúng ta chi hơn 4 tỷ để đưa Liên hoan Âm nhạc Á - Âu 2014 đến Việt Nam sau 11 lần tổ chức tại châu Âu.

Liệu sự kiện này có phải là “cú hích” cho sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam? Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thành viên Hội đồng nghệ thuật của liên hoan đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần.

Lần đầu tổ chức một liên hoan tầm cỡ, lại ở lĩnh vực âm nhạc đỉnh cao - khí nhạc, Việt Nam có khó khăn gì để đảm bảo cho một kỳ liên hoan không chỉ ấn tượng trong mắt bạn bè quốc tế, mà còn hiệu quả với giới nhạc Việt, thưa ông?

Khó khăn nhất là chọn tác phẩm chất lượng để đưa vào chương trình biểu diễn. Theo quy định festival phải có 2 hai chương trình giao hưởng mới, sau đó là các thể loại khác như thính phòng, độc tấu, một số thanh nhạc, hợp xướng. Đây là công việc được tiến hành từ đầu năm nhưng cũng tương đối căng thẳng vì lần đầu tiên, chúng ta có một festival quốc tế về khí nhạc mà đặc biệt là việc tổ chức, thực hiện tác phẩm đều do các đơn vị nghệ thuật Việt Nam đảm nhiệm. Nếu so với các festival khác, mỗi nước chủ động trình diễn tiết mục của họ thì ở đây, các tác giả quốc tế lại gửi gắm, tin tưởng trao gửi cho Việt Nam từ dàn dựng đến trình diễn.

Theo đánh giá của ông, liên hoan sẽ tác động như thế nào đến nền khí nhạc Việt Nam?



Theo đánh giá của ông, liên hoan sẽ tác động như thế nào đến nền khí nhạc Việt Nam?

Khí nhạc ở Việt Nam là phần bè trầm, thậm chí là bè “chìm” khi nhiều người còn không có khái niệm thế nào là khí nhạc, là nhạc không lời. Nền khí nhạc của chúng ta đi chậm hơn nhiều so với thế giới nhưng cũng đã hình thành và lộ diện với một thế hệ các nhạc sĩ được đào tạo chuyên nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới như Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Văn Thương, Ca Lê Thuần, Đàm Linh…

Vì thế, có thể nói đây là cơ hội đầu tiên, để chúng ta cân bằng lại một vế của sự nghiệp âm nhạc đất nước vốn được đầu tư chăm chút, được kỳ vọng nhiều năm qua. Hơn nữa, phát triển hài hòa giữa thanh nhạc và khí nhạc là bước đi kiên định trên con đường tất yếu của các nền âm nhạc chuyên nghiệp ở bất cứ dân tộc nào trên thế giới.

Đây là một sân chơi mong muốn thu hút sự tham gia của các nhạc sĩ trẻ. Tuy nhiên, đa số các tác phẩm tham gia trong chương trình vẫn là của những nhạc sĩ gạo cội. Phải chăng, lớp nhạc sĩ trẻ không thực sự quan tâm đến sự kiện này?

Trước hết, đây không phải là nơi chúng ta biểu dương lực lượng thế hệ nhạc sĩ sáng tác của Việt Nam. Các tác phẩm tham dự liên hoan phải đáp ứng tiêu chí là những sáng tác gần đây nhất, những tác phẩm lần đầu công diễn hoặc những tác phẩm kinh điển được làm mới. Bởi lẽ, liên hoan mong muốn không chỉ thấy được dòng chảy âm nhạc đang đi về đâu từ khắp nơi trên thế giới mà còn thông qua đó, đi tìm điểm chung giữa những tác phẩm quốc tế và Việt Nam. Như trong kỳ liên hoan gần đây nhất, xu hướng của các nhạc sĩ đương đại là quay trở về với cội nguồn dân tộc. Nếu trong kỳ liên hoan này, xu hướng này vẫn tiếp tục phát triển, sẽ cho thấy đường lối phát triển của âm nhạc Việt Nam vừa dân tộc, vừa hiện đại là đúng.

Còn đại diện cho thế hệ nhạc sĩ trẻ của Việt Nam trong liên hoan sẽ là 9 gương mặt như Vũ Nhật Tân, Đỗ Kiên Cường, Lê Bằng, Minh Nhật… Đây là những nhạc sĩ có thể chưa được công chúng biết tới nhưng họ lao động rất miệt mài và xứng đáng có mặt trong festival.

Nhưng cũng có một thực trạng với các nhạc sĩ trẻ hiện nay. Đó là đa số tốt nghiệp khí nhạc nhưng lại phát triển sự nghiệp bằng ca khúc thị trường. Ông nghĩ sao về điều này?

Đây chính là câu chuyện liên quan trực tiếp đến sự kiện này. Chính vì vậy, ngay trước đêm khai mạc sẽ có hội thảo bàn về đào tạo nhạc sĩ sáng tác trong ngày hôm nay. Hiện nay, chuyên ngành sáng tác trong các trung tâm đào tạo lớn, chuyên nghiệp vẫn được duy trì. Tuy nhiên, việc đào tạo lại phụ thuộc vào ba yếu tố: lực lượng các nhạc sĩ giáo sư đầu ngành trong công tác sư phạm, đầu vào cho thí sinh và môi trường sáng tạo.

Hình ảnh Festival Âm nhạc Âu - Á năm 2011

Hình ảnh Festival Âm nhạc Âu - Á năm 2011

Hội thảo sẽ phải “phanh phui” những câu chuyện như học sinh bây giờ có thiết tha học sáng tác không, có đủ trình độ học không? Khi ra trường, tốt nghiệp bằng giao hưởng nhưng lại chủ động chuyển sang viết ca khúc…., từ đó, trả lời cho câu hỏi tại sao không có tác phẩm hay, tác phẩm lớn và nguy cơ âm nhạc Việt Nam đi xuống ra sao?

Nếu không chăm chút cho lớp nhạc sĩ kế cận - tựa như những hồng cầu trong “cơ thể” âm nhạc mà chỉ lo đến âm nhạc giải trí, thì chúng ta chỉ có âm nhạc trên bề nổi. Và khi những thế hệ nhạc sĩ sau này không còn đủ sinh khí để đứng đủ vững trên đôi chân của mình nữa thì những gì chúng ta đang phấn đấu sẽ bị mai một. Tôi nghĩ đó mới là những vấn đề lớn của nền nhạc Việt chứ không chỉ là những câu chuyện xung quanh liên hoan này.

Như thông tin ban đầu, con số được đầu tư cho liên hoan lần này cũng lên đến 9 tỷ đồng. Theo ông, con số này là nhiều hay ít?

Con số 9 tỷ là con số được đề xuất. Còn thực tế Bộ Tài chính chỉ cho liên hoan trên 4 tỷ. Đây là một con số quá ít, chủ yếu sử dụng vào việc dàn dựng, đặt các dàn nhạc biểu diễn, đảm bảo yêu cầu tối thiểu cho các nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam. Còn lại, chi phí ăn ở, di chuyển, đi lại, chúng tôi vẫn phải vận động xã hội hóa từ các đơn vị và địa phương.

Có ý kiến cho rằng, nên chăng, với số tiền đầu tư cho một “cuộc chơi” như vậy, tại sao chúng ta không mở quỹ phát triển cho các nhạc sĩ trẻ sẽ thiết thực hơn?

Trước đây, chúng tôi cũng đã có ý tưởng xây dựng quỹ phát triển tài năng trẻ dành cho các nhạc sĩ và có khả năng kinh phí sẽ lấy từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư sáng tạo với ngân sách 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, với quy định của liên bộ (Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ VH,TT&DL, Bộ Tài chính, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật) thì số tiền đó chỉ dùng hỗ trợ cho các hội viên chính thức. Vì thế, sẽ không có “suất” cho các nhạc sĩ trẻ chưa vào Hội mà Hội cũng không thể tự “bỏ tiền túi” để hỗ trợ được.

Tôi hy vọng nếu có thể thì Hội sẽ xây dựng quỹ từ sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân quan tâm và mong muốn đầu tư cho âm nhạc Việt Nam.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Theo Ngọc Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần