Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ lên tiếng vụ thơ Trần Đăng Khoa bị “hô biến”

(Dân trí)- Theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ- Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, nhóm biên soạn “Từ điển type truyện dân gian VN” của Viện Văn học nên nghiêm túc nhận lỗi và gỡ hoàn toàn bài viết đó ra khỏi cuốn sách.

Những ngày qua, loạt bài về sự việc nhóm tác giả cuốn “Từ điển type truyện dân gian Việt Nam” của Viện Văn học in nhầm tác phẩm “Đi đánh thần hạn” của nhà thơ Trần Đăng Khoa thành tác phẩm dân gian Bạc Liêu đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận.

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ- Giám đốc trung tâm Quyền Tác giả Văn học Việt Nam.
 
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ- Giám đốc trung tâm Quyền Tác giả Văn học Việt Nam
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ- Giám đốc trung tâm Quyền Tác giả Văn học Việt Nam

Những ngày qua, dư luận “nóng bỏng” với sự việc cuốn “Từ điển type truyện dân gian Việt Nam” của Viện Văn học in nhầm tác phẩm của Trần Đăng Khoa thành truyện dân gian Bạc Liêu. Theo chị, sự việc này thể hiện sự dễ dãi trong vấn đề bản quyền văn học (đã tồn tại từ lâu) hay là sự yếu kém trong nghiên cứu khoa học (cũng đã từ lâu tồn tại)?

Tôi thấy đúng với cả hai vấn đề.

Việc dễ dãi trong vấn đề bản quyền văn học: Phần lớn các nhà văn không nặng nhẹ chuyện mất bản quyền tác phẩm, vì bản chất nhà văn là nghệ sĩ, lơ mơ, ngại ngùng trước những chuyện không liên quan đến viết, mà liên quan tới luật. Từ xưa tới nay, không nhiều nhà văn VN có người đại diện, để lo tất cả những chuyện ngoài sáng tác như với nhà văn nước ngoài. Khi nhà văn bị xâm phạm bản quyền, thường cho qua, nếu sự xâm phạm đó không ảnh hưởng tới nội dung tác phẩm. Nhà văn chỉ lên tiếng khi bị đạo văn. Chuyện về các nhà văn bị mất bản quyền đã xảy ra từ lâu, và càng ngày càng nhiều. Nhưng theo kiện, tìm ra bằng được thủ phạm ăn trộm, là một công việc đòi hỏi thời gian, công sức, tiền bạc, và sự chặt chẽ của luật. Những yếu tố này, rất xa lạ khó khăn với nhà văn, nên ít người theo đuổi.

Sự yếu kém trong nghiên cứu khoa học: Điều này đã tồn tại từ lâu, sẽ tồn tại mãi mãi nếu bệnh thành tích, bằng cấp, học hàm học vị ngoài yêu cầu cần phải có thì nó còn như một giấy thông hành cho người làm trong giới này để mở các cánh cửa như: tăng lương, lên chức, tham gia các công trình nghiên cứu cấp tỉnh, thành phố, quốc gia...

Và hậu quả của nó là...các thế hệ tương lai phải tiếp cận với lịch sử dân tộc, truyền thống văn hóa...sai sự thật. Tất nhiên, vàng thau lẫn lộn, không phải tất cả những công trình nghiên cứu đều sai, nhưng để phân định được điều đó, cần những người có tâm với dân tộc, không vì lợi nhuận hay bằng cấp để nhắm mắt làm bừa. Nếu coi những người nghiên cứu khoa học như những nhà chép sử. Sử mà chép sai, chép bừa, thì hậu quả khôn lường đến đâu?
 
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ- Giám đốc trung tâm Quyền Tác giả Văn học Việt Nam
Hai cuốn sách này đều đã in nhầm tác phẩm "Đi đánh thần hạn" của nhà thơ Trần Đăng Khoa thành tác phẩm dân gian Bạc Liêu

Như chị chia sẻ, vấn đề bản quyền đã bị xem nhẹ quá lâu, các tác phẩm văn học thậm chí có thời bị "thả nổi" về bản quyền. Theo chị, vấn đề nào là quan trọng nhất khi muốn siết chặt vấn đề bản quyền?

Đây là một vấn đề rất lớn, và lâu dài, với sự tham gia của tất cả mọi người liên quan. Từ nhà văn, tới các đơn vị xuất bản, những kẻ ăn trộm nhằm thu lợi nhuận và người đọc... Trong khuôn khổ này, không thể nói hết quy trình bảo vệ bản quyền tác phẩm vì nó là sự kết hợp của tất cả những yếu tố trên, đi bên cạnh là chế tài luật pháp thật nghiêm.

Chủ biên cuốn từ điển của Viện Văn học có nói, xưa nay, chuyện 1 tác phẩm có tác giả bị biến thành tác phẩm dân gian đã xảy ra rất nhiều, lý do này có thuyết phục?

Tôi không chấp nhận sự giải thích đó. Những tác phẩm đã bị "hô biến" kiểu này, cần loại bỏ và không tiếp tục phát triển kiểu biến hóa này nữa dù với bất cứ lý do nào.

Nhìn nhận sự việc khách quan, theo chị, Viện Văn học có nên trả tiền tác quyền cho tác phẩm của nhà thơ Trần Đăng Khoa khi đã bị in nhầm thành truyện dân gian Bạc Liêu trên “Từ điển Type truyện dân gian VN”?

Tôi nghĩ, nhà thơ Trần Đăng Khoa hay nhà văn khác bị rơi vào trường hợp này, lên tiếng không phải vì những mục đích: - Để nổi tiếng hay tự PR (điều rất xấu hiện nay đang xảy ra trong xã hội chúng ta khi mọi chuẩn mực có thể bị đánh tráo, giữa việc lên tiếng những chuyện cần thiết nhằm làm sáng tỏ hay lên án một vấn đề rất dễ bị vu cho là PR nhằm nổi tiếng nên nhiều người ngại phiền mà chọn cách im lặng.)

- Đòi tiền tác quyền lại càng không phải.

Điều mà nhà thơ Trần Đăng Khoa muốn và phải lên tiếng ở đây, đấy là sự trung thực của những công trình nghiên cứu, chống lại chuyện đạo văn, và ý thức trách nhiệm của những người làm nghề. Các cụ có câu: một lời nói, một đọi máu. Đôi khi, lời nói gió bay. Còn công trình nghiên cứu, là chữ nghĩa, văn bản, lưu truyền ngàn đời về một đất nước, về những truyền thống văn hóa không như lời nói để thời gian có thể xóa nhòa khiến ai đó coi thường và ứng xử tùy tiện, thiếu trách nhiệm.
 
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ- Giám đốc trung tâm Quyền Tác giả Văn học Việt Nam
"Đến thơ của Trần Đăng Khoa cũng bị nhầm lẫn,  vậy với những người âm thầm nghiên cứu khoa học ở các vùng miền đất nước, công trình của họ nhiều khi chỉ là bản đánh máy, lưu trong các thư viện nhỏ bé, có được bảo đảm là không bị hô biến rồi xuất hiện trong các công trình lớn, dưới những tên tác giả khác không?"
 

Cách nhìn nhận sự việc và đánh giá cách giải quyết sự việc xâm phạm bản quyền này của chị- Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học VN?

Những người liên quan nghiêm túc nhận lỗi với người đọc, với nhà thơ Trần Đăng Khoa và gỡ hoàn toàn bài viết đó ra khỏi cuốn sách. Cũng cần truy cứu người "sưu tầm" vì suy cho cùng, họ trả lời là "nghe kể" để về viết như vậy, thì đúng là bó tay rồi. Cơ quan quản lý cần xiết chặt hơn nữa quy trình nghiên cứu khoa học, cần nghiêm minh trong chuyện xử phạt những sai phạm để tránh những chuyện tương tự lặp lại.

Khi biết chuyện này, nhiều nhà văn tâm sự: Đến tác phẩm của nhà thơ Trần Đăng Khoa - một tên tuổi lớn của văn chương Việt Nam mà bị "trùng" thế này, với những người âm thầm nghiên cứu khoa học ở các vùng miền đất nước, công trình của họ nhiều khi chỉ là bản đánh máy, lưu trong các thư viện nhỏ bé, có được bảo đảm là không bị hô biến rồi xuất hiện trong các công trình lớn, dưới những tên tác giả khác không?

Mà thôi. Tôi, chị, và người đọc không nên kỳ vọng quá vào chuyện nghiên cứu khoa học ở nước ta. Hãy đọc sách của những tác giả có uy tín, bởi tên tuổi của họ là thương hiệu cho sự trung thực.

 
Hiền Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm