Nhà văn Nguyễn Bình Phương: "Người tốt vắng bóng dần trong văn học"

Hương Hồ

(Dân trí) - "Người tốt nên trở lại vị trí trung tâm của văn học. Vì ở một khía cạnh nào đó, người tốt thuần túy là liều thuốc giảm đau cho xã hội".

Đó là phát biểu của nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại lễ khai mạc trại sáng tác cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" lần thứ 5 (giai đoạn 2022-2025), tổ chức ngày 8/4 tại Quảng Ninh.

Trại sáng tác do Bộ công an và Hội Nhà văn tổ chức, diễn ra đến ngày 21/4 tại Quảng Ninh, quy tụ 35 nhà văn, tác giả đến từ các tỉnh, thành trên cả nước.

Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, văn học Việt Nam trong vài chục năm gần đây phát triển hết sức rầm rộ, nhiều khuynh hướng, đề tài, hệ thẩm mỹ, quan niệm khác nhau, đạt đến độ cởi mở gần như tuyệt đối. Nhưng có một vấn đề Hội Nhà văn Việt Nam nhận thấy cần phải lưu ý là dường như hiện nay, nhân vật người tốt thuần túy đang vắng bóng hoặc thưa thớt dần trong các tác phẩm văn học.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương: Người tốt vắng bóng dần trong văn học - 1
Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: N.H).

"Văn học của chúng ta ở giai đoạn trước, dù có những hạn chế về phương pháp sáng tác, quan điểm, nhưng người tốt chiếm vai trò thượng phong. Họ đấu tranh với cái xấu, cái ác, kiềm chế nó, có thể khiến cái ác xấu hổ, khiến cái xấu chùn bước, nhưng bây giờ… họ vắng bóng dần.

Nếu có thì nhân vật người tốt dường như trở thành nạn nhân, trở thành cái nền cho cái xấu, cái ác… Đây là điều rất đáng suy nghĩ", ông Phương nói.

Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đặt câu hỏi: "Phải chăng một bộ phận nhà văn nghĩ rằng chỉ màu đen mới là hấp lực khiến người đọc chú tâm? Nhân vật văn học phải phức tạp, ngoắt ngóeo thì mới là văn chương hay?

Hay viết về người tốt thuần túy, tốt từ ý nghĩ đến hành động, thì văn học không sang trọng nữa mà thành văn bản tuyên truyền người tốt việc tốt?".

Nhà văn Nguyễn Bình Phương chia sẻ thêm rằng, ông không cùng quan điểm trên. "Nhân vật người tốt thuần túy cần quay trở lại vị trí trung tâm của văn học, vì ở một khía cạnh nào đó, người tốt thuần túy là liều thuốc giảm đau cho xã hội", ông nói.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương: Người tốt vắng bóng dần trong văn học - 2
Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong - Cục trưởng Cục Truyền thông CAND (ngoài cùng bên phải) và các đại biểu dự lễ khai mạc (Ảnh: N.H).

Tại buổi lễ, nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng đã thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cảm ơn Bộ Công an, Cục Truyền thông Công an nhân dân (CAND) đã tổ chức cuộc thi, trại sáng tác. Nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng, trại sáng tác tổ chức thành công thì cuộc thi sẽ thành công và đây là một cuộc thi mà những ai yêu văn học đều kỳ vọng.

Ông khẳng định, cuộc thi viết về những gương sáng hy sinh vì bình yên cuộc sống trong lực lượng công an hoàn toàn có thể có được những tác phẩm xuất sắc chứ không phải chỉ là những bài viết, tác phẩm giản đơn tuyên truyền người tốt việc tốt.

"Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cũng như Bộ Công an, Cục Truyền thông CAND hy vọng các tác giả tham gia trại sáng tác sẽ cho ra đời những tác phẩm xứng đáng với nhận thức, tâm huyết, tài năng, sự nhạy cảm của từng người. Để làm sao sau cuộc thi, không chỉ có các tác phẩm đạt giải cao mà văn học Việt Nam phải có những nhân vật người tốt triệt để và cũng đầy thân phận khi viết về người chiến sĩ CAND", nhà văn Nguyễn Bình Phương nói.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng, các vấn đề trung tâm đặt ra trong cuộc thi, trại sáng tác rất "nóng" hiện nay. Khi đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì vấn đề bảo đảm an ninh càng khó khăn, phức tạp.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương: Người tốt vắng bóng dần trong văn học - 3
Các đồng chí lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm cùng các tác giả, nhà văn tham gia trại sáng tác (Ảnh: N.H).

Đất nước phát triển nhưng đời sống cũng phát sinh nhiều vấn đề, đòi hỏi phải được giải quyết. Đất nước giàu mạnh nhưng người dân phải được sống hạnh phúc. Trong hạnh phúc của người dân, chỉ số an toàn của cuộc sống rất quan trọng và người chiến sĩ CAND duy trì chỉ số này dưới ánh sáng của pháp luật.

Nhưng theo ông, người chiến sĩ CAND luôn bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân nhưng họ không phải ông Bụt hay là siêu nhân, không phải là cái máy để duy trì pháp luật. Họ cũng là con người bình thường, có yêu ghét, mưu cầu hạnh phúc cá nhân cho riêng mình…

Do tính chất nghề nghiệp, đôi khi họ phải hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình phục vụ cho hạnh phúc của cộng đồng, phải đánh đổi sự an toàn của mình cho cộng đồng. Và sự hy sinh này hết sức cao cả.

"Ở bình diện công việc, đó là trách nhiệm nhưng khi trách nhiệm được thực thi một cách triệt để, thành tâm đến mức dùng cả tính mạng của mình thì trách nhiệm đã chuyển hóa thành lương tri và đạo đức của người chiến sĩ CAND.

Khi nghĩa vụ, trách nhiệm của họ biến thành đạo đức thì đó là người tốt hoàn hảo. Văn học cần phải soi sáng người chiến sĩ CAND ở góc độ này", nhà văn Nguyễn Bình Phương nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm