Nhà truyền thống của Hãng Phim truyện bị kẻ gian đập phá

(Dân trí) - Đạo diễn Vương Tuấn Đức - GĐ Hãng Phim truyện Việt Nam cho biết, sáng 8/8 vừa qua, bảo vệ của Hãng phát hiện cánh cửa kính và khoá có dán niêm phong của ngôi nhà này bị phá vỡ. Toàn bộ đồ đạc trong nhà bị bị đập phá, ném xuống sàn nhà…

“Hãng Phim truyện Việt Nam rất phẫn nộ và cực lực phản đối những hành động sai trái này. Hãng Phim truyện Việt Nam khẩn thiết đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giúp chúng tôi trong việc yêu cầu Tòa án Nhân dân Quận Tây Hồ khẩn trương đưa ra xét xử vụ kiện đòi nhà đất của Hãng Phim truyện Việt Nam. Trước mắt là khẩn cấp hỗ trợ bằng lực lượng bảo vệ pháp luật để Hãng phim làm lại các cửa bị phá hỏng, đề phòng những kẻ xấu đe dọa, uy hiếp đến tính mạng, sự an toàn của những người của Hãng phim thực hiện việc làm cửa trên”, ông Vương Đức bức xúc nói.

Ông Vương Đức cho hay, nhà truyền thống của Hãng Phim truyện trước đây còn được gọi là nhà Thuỷ phi cơ - nơi được xem như một ngôi “đền thiêng” của cái nôi đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ngôi nhà này là nơi Bác Hồ và cố Tổng Bí thư Trường Chinh từng về thăm. Đây cũng là nơi đã cho ra đời những bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam và là nơi lồng tiếng những bộ phim nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Sau đó là nơi diễn viên khóa I đọc tiểu phẩm với sự hướng dẫn của giáo sư Liên Xô.

Ngôi nhà này cũng từng lưu giữ và trưng bày các thiết bị gắn liền với các bộ phim vang bóng một thời như: máy quay, đèn chiếu sáng, đạo cụ, phục trang, máy dựng phim, máy in tiếng quang học...

Năm 2002, Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Nam đã ký hợp đồng cho thuê khu đất nhà này làm quán ăn Vọng Hoa Lâu. Thời hạn ký hợp đồng cho thuê là từ năm 2002 đến năm 2008. Tuy nhiên, sau đó đối tác đã không tuân theo hợp đồng, dây dưa mãi không chịu trả lại mặt bằng cho bên Hãng Phim truyện Việt Nam.

Tháng 12/2012, thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL tại văn bản số 4405/BVHTTDL-KHTC về việc thu hồi diện tích ngôi nhà này nhưng sau rất nhiều lần thương lượng người thuê ngôi nhà vẫn không trả lại ngôi nhà và khu đất này. Cuối tháng 12/2012, trong một lần căng thẳng, để tránh xảy ra xô xát, Hãng và người thuê ngôi nhà này đã khóa niêm phong ngôi nhà trước sự chứng kiến của công an phường Thụy Khuê, công an quận Tây Hồ.

Theo ông Vương Đức, đây không phải là lần đầu tiên “kẻ gian” xâm phạm và phá hoại tài sản của Hãng Phim truyện mà vào hồi 15 giờ 30 ngày 2/1/2013, khi các nghệ sĩ của Hãng Phim truyện Việt Nam đang ngồi trong khu nhà tại trụ sở số 4 Thuỵ Khuê thì đã bị hai người đàn ông đi xe máy dùng súng bắn xuyên qua cửa kính làm cửa kính vỡ toang, rất may không có ai bị thương. Ngay sau khi sự việc này xảy ra, bên Hãng Phim đã báo cho công an Phường Thụy Khuê và công an quận Tây Hồ, nhưng cho đến nay đã 3 năm trôi qua nhưng vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

“Để đảm bảo an toàn tính mạng cho các nghệ sĩ và việc đòi lại tài sản của Hãng theo đúng quy định của pháp luật, ngày 6/6/2013, Hãng Phim truyện Việt Nam đã chính thức có đơn khởi kiện ra Tòa án Nhân dân quận Tây Hồ để đòi lại nhà đất mà người chủ cũ đang thuê.

Từ ngày thụ lý vụ kiện (số 308, ngày 10/6/2013) đến nay, chúng tôi đã rất nhiều lần có văn bản đề nghị Tòa án Nhân dân quận Tây Hồ xét xử để chúng tôi cải tạo và sửa chữa nhà Thủy phi cơ thành nhà truyền thống điện ảnh của Hãng (chúng tôi đã được Bộ VHTTDL, UBND Thành phố Hà Nội đồng ý) nhưng vụ kiện vẫn chưa được đưa ra xét xử”, ông Vương Đức nói.

Toàn cảnh nhà truyền thống của Hãng Phim truyện Việt Nam ở đường Nguyễn Đình Thi. Ảnh: HTL.
Toàn cảnh nhà truyền thống của Hãng Phim truyện Việt Nam ở đường Nguyễn Đình Thi. Ảnh: HTL.

Ông Vương Đức chia sẻ, mong muốn của các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh là Hãng Phim hoàn thành nhà truyền thống của Hãng tại nhà Thủy phi cơ khi đã được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, vì chưa có quyết định của Tòa án nên Hãng Phim truyện Việt Nam không thể mở khóa niêm phong để vào sửa chữa, cải tạo và bảo vệ nhà Thủy phi cơ.

“Nhiều lần thương thuyết không thành nên chúng tôi mới phải đệ đơn lên tòa chứ không ai sung sướng gì khi đưa chuyện tranh chấp này ra trước pháp luật cả. Mới đây, khi sự việc xảy ra, anh em nghệ sĩ đến thấy xót xa quá liền chụp ảnh đưa lên mạng để cho mọi người thấy được thực tế đau lòng này. Nhiều người bảo, họ sẵn sàng đổ máu để bảo vệ nhà truyền thống của Hãng Phim”, ông Đức ngậm ngùi tâm sự.

Ông Vương Đức cho biết thêm rằng, ngay sau khi sự việc xảy ra, công an phường Thuỵ Khuê và công an quận Tây Hồ đã kiểm tra hiện trường 2 lần. Sáng 12/8, Bộ VHTTDL có chỉ đạo yêu cầu Hãng Phim làm văn bản báo cáo với cơ quan công an Thành phố. Bên cạnh đó, Hãng Phim cũng đã làm việc với luật sư để hoàn tất các thủ tục đề nghị tòa nhanh chóng giải quyết vụ việc tranh chấp kéo dài nhiều năm này.

Hà Tùng Long