Nhà thơ Hữu Thỉnh rút khỏi đề cử Ban chấp hành Hội Nhà văn
(Dân trí) - Nhà thơ Hữu Thỉnh rút khỏi danh sách đề cử ban lãnh đạo khóa mới, sau 20 năm làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Theo thông tin từ Đại hội, trong danh sách 11 ứng cử viên do Ban chấp hành khóa IX đề cử để bầu vào ban chấp hành khóa mới không có Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh cùng hai người khác trong ban chấp hành khóa IX là nhà văn Nguyễn Trí Huân và nhà văn Trần Văn Tuấn.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết ông xin rút không tham gia vào ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa mới. “Tôi rút khỏi danh sách do tuổi đã cao, muốn dành thời gian còn lại để sáng tác”, ông nói.
Theo kế hoạch, Đại hội sẽ công bố Ban chấp hành khóa X vào ngày 25/11.
Sáng ngày 24/11, Đại hội Đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã đến dự buổi lễ. Cùng dự khai mạc Đại hội còn có hơn 500 đại biểu là các nhà văn trên cả nước.
Tại Đại hội, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, trong 5 năm qua về tư duy văn học, đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác tiếp tục được đổi mới, đem đến một diện mạo văn học đa dạng phong phú. Đời sống văn học đã trở nên năng động hơn, thích ứng với yêu cầu mới của đời sống. Vấn đề đạo đức xã hội đã được nhiều tác phẩm lên tiếng cảnh báo từ lâu, nay tiếp tục đi sâu vào nhiều ngõ ngách, cảnh báo về những vực thẳm dưới tác động tinh vi và dữ dằn của thị trường. Tự do sáng tác được tôn trọng, xu hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp trong mọi hoạt động đang thu hút nghị lực và tâm huyết của đông đảo nhà văn hiện nay. Đây chính là nơi thể hiện rõ nhất bản lĩnh, nhân cách và trách nhiệm của nhà văn với đất nước.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng tiết lộ, số sách xuất bản của Hội trong 5 năm qua tiếp tục tăng. Những loại sách tương đối bán chạy là truyện ngắn và tiểu thuyết, có một số cuốn sách vừa ra mắt đã được tái bản. Một số cuốn hồi ký có tiếng vang và chất lượng phát hành lớn. Số sách ăn khách nhất là truyện ngôn tình và thuần túy mang tính giải trí. Sách lý luận phê bình và thơ hầu như chỉ lưu hành trong giới.
Đó là hiện tượng đáng suy nghĩ. Nguyên nhân chính là do áp lực của văn hóa nghe nhìn và văn học mạng. Ngoài ra, nguyên nhân không kém phần quan trọng là chất lượng tác phẩm chưa đủ sức gây thành các hiện tượng văn học. Trong tình hình khó khăn đó, các nhà văn đã phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức các buổi ra mắt sách nhằm thu hút bạn đọc. Việc tổ chức các phố sách ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng góp phần đáng kể đưa tác phẩm đến công chúng. Những ngày hội sách và trao giải thưởng cho sách có chất lượng cũng góp phần cải thiện công tác quảng bá tác phẩm…
Các hoạt động quảng bá tác phẩm, xây dựng Hội và hội nhập quốc tế đều đạt nhiều thành tựu. Trong 5 năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã kết nạp thêm 185 hội viên mới, phần đông là các cây bút trẻ, sung sức, nâng tổng số hội viên lên 1092 người.
Tuy nhiên, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng cho rằng, mặc dầu đã có rất nhiều đổi mới về tư duy văn học, về đề tài, chủ đề và phương pháp sáng tác, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng được những hình tượng nghệ thuật tiêu biểu, có sức khái quát về hai cuộc chiến tranh vĩ đại và công cuộc đới mới còn ít tác phẩm đủ sức gây thành các hiện tượng văn học.
Tình trạng trung bình, tản mạn còn khá phố biến, tính chuyên nghiệp chưa cao. Bên cạnh đó việc tiếp thu các trào lưu nghệ thuật của nước ngoài được mở rộng nhưng chưa có sự chọn lọc, nghiền ngẫm sâu sắc.
Trong lý luận phê bình văn học còn biểu hiện máy móc khi vận dụng các quan điểm nghệ thuật của nước ngoài vào thực tiễn đời sống văn học trong nước. Trong hoạt động nghiệp vụ, một số cơ quan báo chí xuất bản của Hội công tác biên tập chưa theo kịp yêu cầu, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả sản phẩm. Công tác xã hội hóa trong hoạt động của Hội còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu còn dựa vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước…
“Tầm với và sự bao quát của Ban chấp hành, của các Hội đồng và Ban chuyên môn còn nhiều hạn chế, đặc biệt đối với vùng xa vùng sâu” nhà thơ Hữu Thỉnh nói.
Nhà thơ Hữu Thỉnh sinh năm 1942, tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du khóa đầu. Ông tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam liên tục từ khóa thứ ba đến khóa thứ tám, đảm nhận chức Chủ tịch Hội bốn nhiệm kỳ liên tiếp, từ năm 2000 đến nay.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng là Đại biểu Quốc hội khóa 10 và 11. Ngoài ra, ông giữ chức Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam...