“Nhà rùa học” Hà Đình Đức nói gì về việc đúc tượng rùa ở Hồ Gươm?

(Dân trí) - “Nhà rùa học” Hà Đình Đức cho rằng, ông ủng hộ ý tưởng đúc tượng rùa vàng đặt ở khu vực Hồ Gươm. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị phải có sự tính toán kỹ lưỡng bởi đây là di tích quốc gia đặc biệt.

Mới đây, công dân Tạ Hồng Quân vừa trình UBND TP. Hà Nội đề án “Đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm” đặt tại khu vực phố đi bộ Hồ Gươm.

Theo ý tưởng đề xuất, tượng rùa vàng Hồ Gươm sẽ được thực hiện bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng, dài 2,5 mét, cao 3,5 mét và có trọng lượng khoảng 6-10 tấn đồng. Có hai phương án đặt rùa một tại ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng, hai là đặt tại vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn. Thời gian thực hiện tượng rùa mất khoảng hai năm. Kinh phí huy động xã hội hoá.

Bức ảnh kỷ niệm của PGS Hà Đình Đức bên cá thể rùa Hồ Gươm. Ảnh: TL.
Bức ảnh kỷ niệm của PGS Hà Đình Đức bên cá thể rùa Hồ Gươm. Ảnh: TL.

Trước ý tưởng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS Hà Đình Đức, người được xem là “nhà rùa học” vì đã có nhiều gắn bó với Hồ Gươm và cá thể rùa Hồ Gươm.

Là người gắn bó với Hồ Gươm và cá thể Hồ Gươm từ nhiều năm nay. Ông suy nghĩ như thế nào về ý tưởng đúc tượng rùa 10 tấn để đặt ở Hồ Gươm do công dân Tạ Hồng Quân đề xuất mới đây?

Tôi biết ý tưởng này từ năm 2011 và tôi ủng hộ ý tưởng này. Thời điểm đó, trong văn bản ủng hộ có bút tích của GS Vũ Khiêu, GS Phan Huy Lê, PGS Đặng Văn Bài, nhà sử học Dương Trung Quốc và tôi.

Mới đây, khi Bộ VHTT&DL đề xuất với UBND TP. Hà Nội dựng mô hình 3D tượng khỉ Kong ở khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm đã có người đề xuất là nên dựng tượng rùa vàng đặt ở đây sẽ hợp lý hơn.

Vì từ bao đời nay, mỗi khi nhắc tới Hồ Gươm người ta thường nghĩ đến cụ rùa và truyền thuyết “trả gươm Thuận Thiên cho thần Kim Quy” của vị anh hùng Lê Lợi. Tôi nghĩ ý tưởng này rất hợp lý nên tôi ủng hộ.

Theo ông, việc đặt tượng rùa 10 tấn ở Hồ Gươm sẽ có ý nghĩa gì?

Tôi cho rằng, Hồ Gươm từ bao đời nay đều gắn với cụ rùa. Nếu ngày xưa, cụ rùa còn sống thì mỗi khi cụ rùa nổi lên còn có dấu ấn. Từ ngày cụ rùa mất, mọi người đi qua Hồ Gươm đều cảm thấy rất lặng lẽ. Bây giờ chỉ còn lại mỗi Tháp Rùa, mà Tháp Rùa cứ chơ vơ giữa hồ vậy thôi chứ không có dấu ấn gì về văn hoá - lịch sử.

Thực ra, với tôi, Tháp Rùa chẳng qua được đặt ở vị trí đắc địa nên người ta quan tâm chứ về mặt kiến trúc - xây dựng thì không có gì độc đáo cả. Vì vậy, bây giờ làm được một tượng rùa đặt ở khuôn viên Hồ Gươm cũng là một cách nhắc nhớ về cụ rùa từng tồn tại ở đây, một biểu tượng gắn liền với di tích quốc gia đặc biệt này.

Phác thảo mẫu tượng và phối cảnh tượng rùa vàng đặt ở khu vực Hồ Gươm. Ảnh: TL.
Phác thảo mẫu tượng và phối cảnh tượng rùa vàng đặt ở khu vực Hồ Gươm. Ảnh: TL.

Vậy để công trình này thực sự mang nhiều ý nghĩa về văn hoá - lịch sử, theo ông cần phải lưu ý những điều gì?

Theo tôi thì khi làm công trình này, cần phải có sự tính toán và bàn bạc kỹ lưỡng về mẫu mã, chất liệu, kích thước, màu sắc, vị trí đặt tượng… Bộ VHTT&DL, UBND TP. Hà Nội và Sở VH-TT Hà Nội cũng cần phải có sự thống nhất về mặt quản lý vì Hồ Gươm là di tích quốc gia đặc biệt chứ không phải là di tích làng.

Tôi cho rằng, nên tổ chức dưới dạng cuộc thi để chọn được những mẫu mã hợp lý nhất. Và đã là cuộc thi thì phải có Hội đồng là các chuyên gia văn hoá, lịch sử, quy hoạch, kiến trúc, hội hoạ, điêu khắc… Thậm chí, sau khi chọn được mẫu rồi cũng cần phải trưng cầu ý kiến của người dân cả nước. Khi đã “đồng tâm nhất trí” rồi thì mới tiến hành làm.

Tôi nghĩ rằng, chất liệu gì cũng phải tính toán kỹ bởi công trình sẽ mang tầm thế kỷ, mang tính trường tồn chứ không phải chỉ đặt một vài năm rồi mang vào kho cất.

Ông có nghĩ là mẫu tượng rùa này nên làm theo tiêu bản rùa Hồ Gươm từng tồn tại ở đây?

Tôi cho rằng, khi đúc hoặc tạc tượng rùa vàng đặt ở Hồ Gươm không nhất thiết phải làm giống tiêu bản cụ rùa từng sống ở đây mà nên tham khảo tượng rùa ở bia đá Vĩnh Lăng trong khu di tích Lam Kinh - Thanh Hoá, nơi thờ vua Lê Lợi. Chứ cứ vẽ rồng, vẽ phượng lên trên mai rùa sẽ mất sự chân chất của hình tượng này đi.

Tượng rùa đội bia đá Vĩnh Lăng ở khu di tích Lam Kinh - Thanh Hoá. Ảnh: dantri.com.vn
Tượng rùa đội bia đá Vĩnh Lăng ở khu di tích Lam Kinh - Thanh Hoá. Ảnh: dantri.com.vn

Còn nói về tượng rùa ở các nơi khác, kể ra các cụ ngày xưa làm hơi ẩu, nhiều chỗ không ra rùa gì cả. Loài rùa mai cứng chỉ có 13 vẩy thôi nhưng đây các cụ làm hình lục giác vô tội vạ, không biết bao nhiêu vẩy cả.

Về vị trí đặt tượng rùa, tôi cho là nên đặt ở phía bên đường Lê Thái Tổ, đối diện siêu thị Intimex bây giờ. Tôi thấy chỗ đó gần với Tháp Rùa nhất và đắc địa hơn là khu vực đặt đồng hồ Thuỵ Sỹ bây giờ. Khi hoàn thành tượng rùa vàng đó rồi, người ta đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh sẽ chụp được cả Tháp Rùa luôn.

Xin cảm ơn ông vì đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long