Nhà nghiên cứu văn hóa, Giáo sư Tô Ngọc Thanh qua đời ở tuổi 90
(Dân trí) - GS Tô Ngọc Thanh, con trai trưởng của danh họa Tô Ngọc Vân, người cả đời gắn bó với văn hóa dân gian, vừa qua đời sáng 24/4 tại Hà Nội.
Xác nhận với phóng viên Dân trí, Giáo sư (GS) Lê Hồng Lý - chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - cho biết, GS Tô Ngọc Thanh qua đời lúc 8h32 sáng 24/4.
GS Tô Ngọc Thanh sinh năm 1934 tại Hà Nội. Ông là con trai của họa sĩ nổi tiếng Tô Ngọc Vân - một bậc thầy tài hoa của nền hội họa đương đại Việt Nam. Được định hướng theo con đường hội họa, nhưng GS Tô Ngọc Thanh đã dành cả đời gắn bó với văn hóa dân gian.
GS Thanh từng kể theo lời bà nội và mẹ ông, hồi bé, nếu không được hát ru thì ông không ngủ. Khi lớn lên, không ai hát ru cho nữa nhưng ông vẫn nhận ra mình thích âm nhạc.
Ông Tô Ngọc Thanh nhận bằng Tiến sĩ năm 1978, bằng Tiến sĩ Khoa học năm 1987.
Ông được phong Phó Giáo sư năm 1984 và trở thành GS từ năm 1991. GS Tô Ngọc Thanh được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Năm 1990, GS Tô Ngọc Thanh được bổ nhiệm chức Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật. Năm 1996, ông được bổ nhiệm chức Viện trưởng của Viện này.
Từ năm 1989 đến 2015, ông được bầu vào nhiều chức vụ trong cùng một thời gian. Ví dụ như liên tục 6 nhiệm kỳ, từ khóa 2 (1989-1995) đến khóa 7 (2015-2020), ông được Đại hội toàn quốc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam bầu làm Tổng Thư ký rồi Chủ tịch Hội, kiêm Bí thư Đảng Đoàn Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Từ năm 1991 đến 1999, ông giữ chức ủy viên Đoàn Chủ tịch. Ông được Đại hội Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam bầu làm Tổng Thư ký của Liên hiệp từ năm 1996-2000 và làm Phó Chủ tịch Hội năm 2010 đến năm 2015.
Từ năm 1999 đến 2005, ông giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ Hội đồng Quốc tế Âm nhạc Truyền thống ICTM của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO).
Với những tâm huyết của mình, ông đã có thời gian dài đi khắp núi rừng, buôn, bản vùng Tây Bắc, Việt Bắc và Tây Nguyên thực hiện các đợt điền dã, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian ở nhiều địa phương.
GS Tô Ngọc Thanh đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu như: Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc (1969), tác phẩm Âm nhạc dân gian Mường (1971); Âm nhạc dân gian nhóm tộc người Nam Á ở Việt Nam (1979); Tìm hiểu âm nhạc cổ truyền, viết chung với nhạc sĩ Hồng Thao (1982); Fonclo Bahna, do ông chủ biên (1988), Nhạc cụ các dân tộc thiểu số Việt Nam (1995), tư liệu Âm nhạc cung đình Việt Nam (2000); Ghi chép về văn hóa và âm nhạc - công trình đồ sộ, dày hơn 900 trang sách…