Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng: Ngày làm sự kiện, đêm thành... vũ trường
Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng) rơi vào cảnh “chợ chiều”, không tự chủ được nguồn thu, hoạt động nghệ thuật mờ nhạt. Nhưng đáng nói, nhà hát này lại bị thay đổi công năng, sôi động hoạt động dịch vụ cho thuê, thậm chí làm vũ trường gây phản cảm.
Mạnh làm dịch vụ
Đà Nẵng được xem là trung tâm kinh tế, văn hóa sôi động bậc nhất miền Trung. Nhưng người dân thành phố này lại đang ngán ngẩm trước thực trạng: Trẻ em đá bóng ngoài đường, các chương trình văn hóa, ca nhạc được tổ chức ngoài sân vận động, nhà hát làm nơi xử án, làm vũ trường.
Tọa lạc ngay trung tâm thành phố, Nhà hát Trưng Vương tiện lợi cho việc tổ chức các sự kiện chính trị xã hội của địa phương, đặt biệt là các lễ kỷ niệm, đón nhận huân chương của các DN, quận, huyện. Tuy nhiên, sân khấu nghệ thuật thì lại luôn cảnh “tắt đèn”. GĐ nhà hát - Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm, thừa nhận: “Nhà hát Trưng Vương cũng không thoát khỏi cảnh khó khăn khi nghệ thuật truyền thống không còn kéo chân khán giả đến với nhà hát như xưa, khi các phương tiện nghe nhìn, thưởng lãm nghệ thuật phong phú, khi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay. Các nhà hát khác trên cả nước chỉ là nơi biểu diễn, tổ chức sự kiện, riêng nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng còn có Đoàn ca múa nhạc xấp xỉ 40 người. Hoạt động biểu diễn của đoàn sôi động, được nhiều giải lớn trong các hội diễn nghệ thuật toàn quốc. Ngoài ra, đoàn còn phục vụ đối nội, đối ngoại thành công. Các đoàn khách của TP đến từ Trung ương, khách quốc tế rất hài lòng. Tuy vậy, doanh thu của nhà hát vẫn không đủ chi phí lương”.
Cũng theo nhạc sĩ Đình Thậm, Đà Nẵng luôn mong ước thu hút được nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng, nhưng cơ chế và đời sống văn hóa, thu nhập tại địa phương không đủ giữ chân nghệ sĩ. Đất Quảng Nam, Đà Nẵng đã sinh ra nhiều nghệ sĩ lớn, như danh hài Hoài Linh, các ca sĩ thành đạt như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Ánh Tuyết, Kasim Hoàng Vũ... nhưng họ đều chọn Sài Gòn làm đất dụng võ. Một bar lớn ở Sài Gòn trả thù lao ca sĩ mỗi đêm có khi lên đến 20 - 60 triệu đồng, nhưng ở Đà Nẵng chỉ 300.000 - 500.000 đồng, thì đương nhiên không “ngôi sao” nào có thể sáng ở đất này. Chính những khó khăn đấy, nhà hát phải linh hoạt tìm nguồn thu từ các dịch vụ cho thuê sân khấu. Ngoài phục vụ các sự kiện chính trị - xã hội của địa phương, cho thuê sân khấu với sức chứa hơn 1.000 chỗ ngồi để tổ chức các chương trình nghệ thuật, Nhà hát Trưng Vương còn cho thuê mặt bằng khách sạn, bar - vũ trường dưới tầng hầm. Mặt khác, NS Đình Thậm thừa nhận hoạt động vũ trường tại nhà hát là nhếch nhác, phản cảm, tồn tại từ năm 2008 đến nay. Nhưng chủ trương cho thuê là do UBND TP đồng ý, văn phòng đứng ra tổ chức đấu giá. Mức phí thu chỉ 25 triệu đồng/tháng.
Gánh nặng ngân sách
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho rằng, mỗi năm ngân sách Nhà nước phải chi cho Nhà hát Trưng Vương 7,5 tỉ đồng để trả lương, trong khi cơ sở vật chất của nhà hát cho thuê làm quán bar, khách sạn, chương trình biểu diễn thì càng ngày càng tệ, nếu để DN đầu tư sẽ hiệu quả hơn nhiều lần. Từ khi còn là Phó chủ tịch UBND TP, ông Xuân Anh từng đề nghị xã hội hóa Nhà hát Trưng Vương nếu không có hướng hoạt động hiệu quả.
NS Đình Thậm cho biết: “Mỗi năm TP chi cho Nhà hát Trưng Vương từ 5,2 - 7,7 tỉ đồng. Trong đó, chúng tôi chi lương trả lương hết 3,2 - 3,7 tỉ đồng/năm, không phải 7,5 tỉ đồng như phát biểu của đồng chí Bí thưNguyễn Xuân Anh. Tuy vậy, tổng thu dịch vụ của Nhà hát mỗi năm cũng chỉ 3 - 3,6 tỉ đồng/năm (2013,2015), vẫn không bù lỗ được. Thực tế hoạt động của nhà hát và đoàn ca múa nhạc hiện vẫn là gánh nặng của ngân sách. Vì vậy, sự “linh hoạt” cho thuê mặt bằng để làm bar - vũ trường, gây phản cảm sẽ chấm dứt ngay khi kết thúc hợp đồng. Còn số phận đoàn ca múa nhạc và nhà hát, đành chờ quyết định cụ thể của lãnh đạo TP”.
Theo Thanh Hải
Lao Động