Nhà báo Hồ Quang Lợi ra mắt cuốn sách "Thời cuộc và văn hóa"
(Dân trí) - Lễ ra mắt cuốn sách và giao lưu cùng tác giả - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi vừa diễn ra sáng ngày 12/6 tại Hà Nội.
Tới dự lễ ra mắt có TS Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Hội Nhà báo Việt Nam, cơ quan báo chí và đông đảo bạn đọc.
Cuốn sách "Thời cuộc và văn hoá" với 56 bài báo, tuyển chọn theo chủ đề, được viết trong khoảng thời gian trên 20 năm, giúp độc giả hiểu hơn về những biến cố mang tính lịch sử và thời đại qua ngòi bút sắc bén, hấp dẫn của nhà báo Hồ Quang Lợi.
Cuốn sách dày 523 trang, gồm năm phần: Trong lốc xoáy thế sự; Văn hóa giữ nước; Phẩm cách những con người; Lõi vàng văn hiến Việt Nam; Văn hóa và báo chí. Cuốn sách tập hợp 56 bài viết trong suốt hơn 20 năm qua là 56 lát cắt nóng hổi của thời cuộc, những biến động lớn của thế giới. Có những biến sự quốc tế dù đã diễn ra hơn 20 năm qua nhưng dư âm của nó còn ảnh hưởng tới Việt Nam đến tận ngày hôm nay.
Phát biểu tại buổi ra mắt sách, TS Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, ông là một trong những người đầu tiên đọc bản thảo cuốn sách của Hồ Quang Lợi. Ông nhận định tác giả Hồ Quang Lợi là một cây bút chính luận xuất sắc: “Tôi có cảm nhận đó là một sự thăng hoa cả về tư duy lẫn ngôn từ. Những câu chữ và ngôn từ của anh cứ như những cánh buồm no gió lướt trên mặt sóng”.
Nhà báo Hồ Quang Lợi nhận được nhiều lời chúc mừng tại buổi ra mắt sách.
Ngay trong lời tựa đề của cuốn sách, TS Phạm Quang Nghị viết: “Những biến cố mang tính lịch sử và thời đại được đề cập trong các bài báo của Hồ Quang Lợi luôn được đối chiếu, soi rọi không chỉ với những bài học, kinh nghiệm quý báu trong quá khứ, mà còn bao quát hiện tại và dự báo cho tương lai. Cái nhìn chính sự, thời cuộc và thế giới của Hồ Quang Lợi luôn đạt tới sự thống nhất một cách khoa học, biện chứng giữa lý trí, tư duy chính trị và tính nhân văn, văn hóa bắt nguồn từ tài năng và cái tâm của người cầm bút. Ai đó nói, nhà văn, nhà báo là những thư ký của thời đại, Hồ Quang Lợi là một thư ký chuyên cần và xuất sắc”.
Nhà văn, nhà giáo Bùi Việt Thắng cũng bày tỏ cảm nhận riêng khi đọc “Thời cuộc và văn hóa”: “Đọc tác phẩm của tác giả Hồ Quang Lợi, tôi ngộ ra được nhiều chuyện từ vi mô đến vĩ mô của làng báo, nghề báo. Nhưng quả thật đọc báo mà biết rõ hơn lịch sử, thời cuộc thì không phải nhà báo nào cũng làm ta thỏa mãn. Cách viết của Hồ Quang Lợi không phải là cách viết biên niên của người chép sử. Đó là cách viết của người có khả năng thâu tóm lịch sử, bình luận lịch sử và đúc kết lịch sử. Nhưng cuối cùng, phải nhấn mạnh lại một lần nữa, đó là cách viết về thời cuộc từ cái nhìn tiến hóa và văn hóa”.
Nhận xét về góc độ văn hóa của cuốn sách “Thời cuộc và văn hóa”, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc nói: “ Đọc các trang viết của tác giả Hồ Quang Lợi, những sự kiện chính trị được xâu chuỗi một cách có logic và ánh lên là việc đề cao các yếu tố văn hóa. Tác giả làm sáng rõ vấn đề văn hoá có vị trí, ý nghĩa thế nào trong ván cờ thời cuộc”.
Bìa cuốn sách "Thời cuộc và Văn hóa".
Trước đó, chia sẻ trước khi cuốn sách ra mắt độc giả, nhà báo Hồ Quang Lợi nói: “Tại sao tôi lại làm cuốn sách này bởi vì khoảng vài ba chục năm nay thế giới có những biến động quá kinh khủng, quá mạnh; những biến động ấy tạo nên những va đập vào đời sống văn hóa tinh thần của nhân loại, của thế giới, của từng dân tộc. Trong những va đập lịch sử ấy, có những giá trị văn hóa còn giữ được, cũng có những giá trị đã bị lung lay, gây ra những khổ đau, đổ vỡ. Làm sao để tránh được khổ đau, được đổ vỡ, thì trong đường đi của nhân loại, mỗi dân tộc phải tự rút cho mình những bài học. Có một câu ngạn ngữ là “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”, thì cái đẹp ở đây chính là văn hóa!”
Tại buổi ra mắt sách, tác giả Hồ Quang Lợi một lần nữa khẳng định, ông thực hiện cuốn sách này với một tâm huyết, trăn trở về việc giữ gìn, xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc: “Việt Nam đang ngày càng rạng ngời trong mắt cộng đồng quốc tế, đó là nhờ chúng ta giữ được nét văn hóa riêng. Chúng ta đang xây dựng đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng cũng không ngừng chăm lo, phát triển văn hóa. Văn hóa chính là cái lõi để xây dựng đất nước”.
Nguyễn Hằng