Nguyễn Vĩnh Tiến: “Nàng Thơ mới chính là tiền duyên của tôi”
(Dân trí) - 45 tuổi, kiến trúc sư, nhạc sỹ ấn tượng của “Bà tôi”, “Giọt sương bay lên” - cha đẻ của ca từ “Giấc mơ trưa"” say sưa kể về giấc mơ của thuở còn 20, khi ấy, anh nằm mộng thấy một người phụ nữ xinh đẹp suốt nhiều ngày liên tiếp...
“Năm nay tôi bốn mươi lăm tuổi
Mẹ tôi vẫn gọi điện từng ngày
Lo tôi vừa dại vừa ngây
Vừa vơi kinh nghiệm vừa đầy mộng mơ...”
Tác giả “Bà tôi” đọc bài thơ để kể về mình...
Vì sao anh không thực hiện liveshow lớn đầu tiên trong đời cách đây hơn 10 năm, vào thời điểm ca khúc “Bà tôi”, “Giọt sương bay lên”, “Ông tôi”... ra mắt và lập tức thu hút nhiều sự chú ý của dư luận, mà lại thực hiện vào thời điểm này, đầu tháng 11 tới?
Đời tôi lúc làm kiến trúc, lúc văn thơ, lúc nghiên cứu khoa học, lúc đi du lịch, lúc tham gia đủ mọi đoàn, hội... Đời tôi cũng vướng vào nhiều dây “Duyên”.
Mà chữ “Duyên” trong Tiếng Việt hay thật. Nó rất khó dịch sang tiếng Anh hay tiếng Pháp.
Đời tôi như một bức tranh lập thể. Picasso nếu còn sống, có thể thấy đẹp nhưng các nhà đồng nghiệp, khán giả yêu thơ, yêu nhạc hay khách hàng kiến trúc của tôi sẽ không thấy thế. Để ổn định lại cuộc sống của mình ở Việt Nam sau những tháng ngày lập thể, để cha mẹ có thể tự hào về mình, 4 đứa con tôi khi lớn lên cũng thấy bố của chúng là một người làm việc sáng tạo ra tấm ra món, chứ không phải là một người đa tài tản mạn, nên tôi thấy cần làm liveshow để “quy hoạch” lại cuộc đời mình.
Vì sao tên chương trình là “Tiền duyên”? Nghe nói, xoay quanh ca khúc “Cắt tiền duyên” là cả một câu chuyện “kỳ bí” liên quan đến chính tác giả?
Về sự ra đời của ca khúc “Cắt tiền duyên” thì bắt đầu từ câu chuyện có thật của tôi. Tiền duyên ấy được gieo vào một giấc mơ rất chân thực, lặp đi lặp lại nhiều ngày khiến tôi kiệt quệ và ốm nặng.
Mà cô gái trong giấc mơ ấy thật là đẹp. Mẹ tôi vô cùng lo lắng rồi nhờ các cụ ở Phú Thọ làm lễ cắt tiền duyên (làm lễ để dứt mối duyên với người tình từ kiếp trước theo quan niệm dân gian).
Đến nay, tôi vẫn ám ảnh về giấc mộng liêu trai đó. Biết đâu, những thăng trầm trong cuộc sống hôn nhân là do... tiền duyên?
Nhắc tới trạng thái “thăng trầm”, được biết, năm 2016, anh từng trải qua giai đoạn trầm cảm, chỉ quanh quẩn một mình, chỉ ăn rau, từ bỏ việc sáng tác. Nhớ lại quãng thời gian này, anh có thể chia sẻ điều gì?
Tôi nghĩ mình bị “trầm cảm đô thị” khi ở Pháp làm luận án nghiên cứu sinh về đề tài đô thị đa cực và đô thị tương lai. Tôi là người sống tình cảm nên không quen với việc xa gia đình, người thân. Thời gian đó, tôi chỉ làm bạn với sách vở, ít giao du bạn bè.
Tôi hay uống rượu vang khi buồn quá và say, tôi làm bạn với những ô cửa tàu điện ngầm loang loáng sắc màu của Paris, tất nhiên là đồng hành với tôi là những giọt nước mắt không rõ nguyên do, chảy dài từng vệt trên những ô cửa kính.
Khi còn 3 tháng nữa là bảo vệ đề tài, đã chuẩn xong tất cả mọi thứ nhưng tôi từ bỏ hết tất cả, xách va li về nước. Thầy tôi đã động viên rằng đề tài của tôi tốt lắm, tôi đã hoàn thành về số trang viết và hơn 300 giờ học bắt buộc, các cuộc hội thảo. Nếu tôi đồng ý thì thầy sẽ xách 30 kg sách vở tài liệu về Việt Nam cho tôi hoàn thành nốt. Nhưng tôi đã còn nghe thấy gì nữa đâu (trầm cảm là như vậy đấy)...
Từ Pháp trở về, tôi như ở dưới đáy vực thẳm. Thông thường ở ngưỡng đấy, người ta có thể tự tử và chết. Trầm cảm có nhiều nguyên nhân, còn tôi có lẽ là do sự hư vô bủa vây. Trong suốt chín, mười tháng, tôi chỉ ăn rau, cũng không còn động lực làm gì nữa. May mắn là sau đó tôi đã vượt qua được. Thời kỳ trầm cảm này tôi cũng muốn chia sẻ bằng những tác phẩm âm nhạc trong liveshow của mình tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nguyễn Vĩnh Tiến giai đoạn viết album về các loài hoa (Ảnh: NVCC)
Điều gì đã giúp anh vượt qua giai đoạn khó khăn đó?
Năm 2017, con gái Dọc Mùng chào đời. Từ cái cây khô đang chờ chết, tôi thấy mình tràn sức sống, có ý thức hơn với mọi thứ xung quanh. Nhiều ca khúc mới của tôi ra đời trong giai đoạn này như: “Hoa dành dành”, “Hoa mộc”, “Hoa rau muống”, “Hoa Trăng”, “Giấc mơ chiều”...
Anh nhắc nhiều đến hai từ “quy hoạch”, dự án “quy hoạch” lớn đầu tiên của anh là thực hiện liveshow tổng kết chặng đường âm nhạc, sau đó ra mắt tập thơ, tập truyện ngắn và tuyển tập những công trình nghiên cứu về ngành kiến trúc... Vậy có khi nào anh nghĩ cần phải “quy hoạch” cuộc sống hôn nhân của mình? Dù thực sự không muốn nhắc đến, nhưng dễ nhận ra những ngã rẽ hay biến cố của anh đều liên quan đến... phụ nữ?
Tôi có thể quy hoạch mọi thứ, nhưng không thể quy hoạch cuộc đời mình nếu cộng thêm một người phụ nữ.
Bởi có lẽ phụ nữ quá phức tạp, họ hay muốn thay đổi người đàn ông theo ý họ. Không theo ý họ thì họ sẽ rời xa.
Nhưng tôi lại là một nhà thơ. Tôi có lẽ chỉ hợp với nàng Thơ. Hay nàng Thơ mới chính là tiền duyên của tôi?
"Đời tôi, là bãi bồi mê mải,
vớt lên lại thành vũng nước sâu..." - “Hoa Trăng”
Nếu yêu người khó quá nên chuyển sang yêu các loài hoa và vật chất vô cơ như "nàng Nitơ, nàng Heli"... Tôi đưa "các nàng" vào những sáng tác thơ, nhạc mới của mình (Cười)
Nguyễn Vĩnh Tiến mời nhạc sỹ Lê Minh Sơn hỗ trợ liveshow ngày 2/11 tới.
Được bạn bè đồng nghiệp gọi là "Phù thủy ca từ", anh có cảm nhận gì?
Có cảm nhận gì đâu. Tôi xưa là trưởng nhóm thơ cách tân có tên là "Hoa Lạ", chúng tôi thường tranh luận với nhau về việc tu từ, dụng chữ sao cho thật đa tầng đa nghĩa và trở nên "đắt".
Tôi đã từng soạn lời cho rất nhiều nhạc sỹ ở Việt Nam. Họ thích vì tôi đã soạn lời cho "Giấc mơ trưa" của Giáng Son.
Còn tôi thì thích thử thách chính mình. Suy cho cùng. Tôi chỉ là một người thích sáng tạo và cuộc đời tôi sẽ cống hiến cho các bạn bằng những tác phẩm.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!
Nguyễn Hằng