Nguy cơ hỏng cả thế hệ khán giả tương lai

Trước việc bùng nổ các chương trình truyền hình thực tế (THTT) ca hát hiện nay, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, điều đó hoàn toàn không nói lên sự phát triển âm nhạc.

Theo ông, nó còn làm hỏng một thế hệ khán giả tương lai khi trẻ em giờ chỉ thích hát nhạc người lớn, thích nổi tiếng nhanh…

Nhiều người lo ngại vì cuộc thi Giọng hát Việt nhí đã bóp nghẹt tuổi thơ của nhiều trẻ em. Ảnh: TL
Nhiều người lo ngại vì cuộc thi Giọng hát Việt nhí đã bóp nghẹt tuổi thơ của nhiều trẻ em. Ảnh: TL

Đào tạo kiểu “gặt lúa non”

Gameshow THTT là sự phát triển tất yếu của truyền hình và lĩnh vực giải trí, trong đó có âm nhạc. THTT có mặt hay là nó làm cho đời sống nghệ thuật sôi động lên. Người có khả năng ca hát có cơ hội để thực hiện ước mơ làm ca sĩ; các ca sĩ lâu lâu chưa xuất hiện có điều kiện đến gần hơn với khán giả, thử sức mình và tìm một con đường đến với công chúng tốt hơn...

Nói một cách khách quan thì THTT không phải là không có tác dụng. Các trường đào tạo nhiều khi xem cũng phải giật mình vì ở các cuộc thi, thí sinh được học rất nhiều kỹ năng. Như chương trình “Học viện ngôi sao” đang phát trên VTV, thấy cách đào tạo rất hay, nhưng vì mỗi chương trình chỉ diễn ra vài tháng nên không tránh khỏi kiểu đào tạo “gặt lúa non”, “ăn xổi”, “ngắt ngọn”. Nhưng ở khía cạnh khác, chỉ sau một thời gian ngắn, các em được đào tạo rất nhiều thứ mà có khi ở trường phải mất nhiều năm, hoặc thậm chí là không dạy đến nơi đến chốn, như kỹ năng diễn xuất, nhảy, xử lý bài hát theo nhiều màu sắc âm nhạc khác nhau... Đó là điều mà ở các trường đào tạo hiện nay đang rất thiếu. Cho nên nhiều em chọn THTT mà bỏ qua việc học ở trường để đến với công chúng nhanh hơn.

Nhưng bên cạnh sự phát triển cũng có sự hạn chế. Vì có quá nhiều chương trình nên các em bị chểnh mảng học tập, trau dồi để có kiến thức về âm nhạc. Khi đã bỏ qua công đoạn về đào tạo thì thẩm mỹ âm nhạc chắc chắn có vấn đề. Nghệ sĩ không chỉ là thợ hát, không chỉ đáp ứng những gì người nghe thích. Như thế thì dễ dàng quá! Sứ mệnh của người nghệ sĩ là phải làm đẹp cho đời, cho đời sống tinh thần thêm phong phú. Để làm tốt điều đó phải trải qua quá trình khổ luyện. Nhưng hiện nay ở các em chưa có được điều đó, cho nên những người trong nghề, khán giả nhìn vào không tránh khỏi cảm giác bất an.

Nguy hại ở chỗ, trẻ em không thích hát bài của lứa tuổi mình nữa mà chỉ thích hát bài người lớn, thanh niên thì thích hát tiếng Anh, nam thích mặc váy lên sân khấu, còn phụ nữ thì thích mặc theo kiểu con trai… thậm chí không ngần ngại nói tôi là giới tính này giới tính khác. Chúng ta tôn trọng quyền riêng tư và xu hướng giới tính của mọi người, nhưng nếu lấy đó ra để làm sức mạnh truyền thông thì nó không còn “trong sáng” nữa mà là một sự tính toán có chủ định. Đó không phải là cái để truyền thông, để tôn vinh.

Câu khách, giật gân là cách để… “đẹp”

Nhà phê bình Nguyễn Quang Long. Ảnh: Mai Tuyết Hoa
Nhà phê bình Nguyễn Quang Long. Ảnh: Mai Tuyết Hoa

Nhiều người khi bàn đến THTT đã nhìn nhận rằng, không có gì phải lo lắng vì nó cũng giống như thời trang, sẽ có lúc bị thoái trào. Nói như thế thì chúng ta đang tự ru ngủ mình trước một sự bất lực. Mỗi một cuộc thi luôn có những cá tính nổi bật. Chúng ta tôn trọng điều đó nhưng nếu biến nó thành một thế mạnh để truyền thông câu khách thì không nên. Điều này dẫn đến một hệ quả cho chính người tham gia cuộc thi chứ không chỉ khán giả. Bởi vì khi ở trong cuộc thi, các em được đơn vị sản xuất làm truyền thông quá tốt. Một vấn đề được thổi phồng lên hoặc tạo scandal bên lề để hâm nóng cho chương trình chứ chưa chắc đã phải là tạo sức nóng cho thí sinh. Chính vì vậy khi bước ra khỏi cuộc thi các em dễ trong trạng thái bị hẫng, bởi lúc đó không có một bộ máy PR như trước mà phải “tự bơi”.

Hơn nữa, hết cuộc thi này lại đến cuộc thi khác, khán giả bị cuốn vào cuộc thi mới, thành ra người mới chiến thắng không được chú ý nhiều như trước nữa. Mặt khác, do các em chưa có một style ổn định, chưa có bản lĩnh nên khi không còn bệ đỡ nữa các em sẽ chuếnh choáng, vẫn ở trong tâm trạng của một ngôi sao nhưng lại không biết mình sẽ đi như thế nào. Duy có Văn Mai Hương là người đã làm rất tốt hậu cuộc thi. Dù ban đầu không có lợi thế bằng Uyên Linh, nhưng ra khỏi cuộc thi thì con đường đi của em rất đúng, một phần bởi đã chọn cho mình một ê kíp có nghề hỗ trợ. Cộng thêm với việc Văn Mai Hương đã có mặt bằng về kiến thức nên cũng có tư duy tốt hơn.

Rõ ràng đã đến lúc cần phải có sự vào cuộc, sự điều chỉnh của cơ quan quản lý. Nhưng nhìn vào thực tế hoạt động truyền hình hiện nay thấy rất khó để kiểm soát vì bản thân nhà đài cũng không thể kiểm soát được. Các chương trình này đều theo hình thức liên doanh, liên kết nhưng thực chất là bán sóng, nhà đài chi phối vào đó rất ít. Thứ 2 là vì lợi nhuận nên nội dung cũng bị chi phối theo ý đồ của nhà sản xuất. Nếu không có biện pháp quyết liệt thì sẽ dẫn đến thị hiếu lệch lạc trong giới trẻ. Chưa nói về phần âm nhạc mà chỉ nói riêng về thẩm mỹ ăn mặc thôi cũng rất có vấn đề. Xem với tư cách một khán giả thôi cũng thấy cách ăn mặc của thí sinh trên sóng truyền hình nhiều khi thấy “gợn”. Ví dụ như các bạn trai mặc váy hoặc cách tân từ váy chẳng hạn. Thế giới có thể mặc thế nhưng văn hóa của chúng ta khác. Nếu các em đóng một cái khố, cởi trần thì vẫn hở đấy, nhưng nó không phản cảm như với việc mặc váy. Các cơ quan quản lý cứ thả trôi như thế thì sẽ làm hỏng một thế hệ khán giả trong tương lai. Có thể thấy hiện nay, ở góc độ quản lý chưa có sự can thiệp nhiều lắm đến mặt trái của THTT, khiến cho cái đẹp đang bị đánh đồng với cái câu khách, giật gân.

THTT sẽ còn phát triển một thời gian dài nữa song chiêu trò quá nhiều thì một lúc nào đó khán giả sẽ chán và không được chú ý nữa. Thực ra bây giờ nó cũng đang dần có sự chuyển hướng rồi. Rồi đây, yếu tố tạo sức hấp dẫn rất có thể nằm ở chất lượng, ở sự hồn nhiên của người tham gia chứ không phải là của bàn tay nào đó nhúng vào giống như những chương trình lâu nay chúng ta đang dễ dàng nhìn thấy.

Nguyễn Quang Long



Theo Thanh Hà
Gia đình & Xã hội