Người thân, đồng nghiệp nghẹn ngào tiễn biệt NSND Trần Phương
(Dân trí) - Chiều nay (30/8) tang lễ của NSND Trần Phương đã diễn ra tại Nhà tang lễ Phùng Hưng (Hà Nội). Đông đảo nghệ sĩ đã đến tiễn đưa chàng “A Phủ” của điện ảnh Việt Nam.
Mặc dù đang trong thời điểm dịch bệnh nhưng nhiều nghệ sĩ vẫn đến để tiễn đưa NSND Trần Phương - người nghệ sĩ tài hoa của điện ảnh cách mạng Việt Nam về nơi an nghỉ cuối cùng. Trước đó, gia đình thông báo không nhận vòng hoa mà đã chuẩn bị sẵn hoa cúc vàng để mọi người đến viếng vì muốn giữ lại hình đẹp của nam nghệ sĩ.
Nhiều nghệ sĩ như: NSƯT Đức Lưu, NSƯT Diệu Thuần, NSƯT Thanh Loan, NSƯT Thanh Tú, NSND Hoàng Dũng, NSND Trọng Trinh… đã không nén nổi xúc động khi vòng quanh linh cữu người quá cố hoặc ôn lại những kỷ niệm thời còn gắn bó.
NSƯT Đức Lưu chia sẻ, bà với nghệ sĩ Trần Phương có một thời gian dài gắn bó với nhau, khi cùng công tác tại Xưởng Phim truyện Việt Nam. Cả hai anh em có rất nhiều kỷ niệm, nhất là khi đóng chung “Chung một dòng sông” và “Vợ chồng A Phủ”.
“Thời đóng “Chung một dòng sông”, tôi đóng vai cô thư ký gián điệp, chị Phi Nga đóng vai nữ chính tên Hoài và anh Trần Phương đóng vai thanh niên trong đoàn người bờ Bắc đấu tranh cho dân hai bên bờ Bến Hải được đoàn tụ. Sau này, khi quay phim “Vợ chồng A Phủ”, tôi được chọn đóng vai phụ - mấy người bạn rủ Mị đi chơi xuân, anh Trần Phương đóng vai nam chính.
Tôi vẫn nhớ, bối cảnh quay lúc đó ở Ba Vì. Đêm đến, cả đoàn phim nằm lán nhà sàn, bên này là nam, bên kia là nữ, ở giữa chừa một lối đi. Tôi với anh Trần Phương nằm ngoài cùng, chị Đức Hoàn thấy vậy liền nhảy nằm vào giữa để trêu chọc chúng tôi. Thời đó, anh em chúng tôi lăn lộn với phim ảnh trên từng cung đường, dù mọi thứ thiếu thốn nhưng lúc nào cũng đầy ắp niềm vui. Anh Trần Phương thời trẻ đẹp trai, hào hoa, hiền lành và tốt tính.
Cách đây mấy năm, khi anh Trần Phương còn ở viện dưỡng lão, chúng tôi có lên thăm. Lúc đó, anh ấy vẫn còn khoẻ nên sau khi trò chuyện thì còn theo chân chúng tôi sang một khu khác thăm chị Tuệ Minh vì chị Tuệ Minh lúc đó đã ốm yếu lắm rồi”, NSƯT Đức Lưu tâm sự.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã bộc bạch, năm 1986 khi bà đầu quân về Hãng phim truyện Việt Nam (PTVN), bà thường gọi nghệ sĩ Trần Phương là chú, còn ông rất thích gọi các thế hệ trẻ là em xưng chú. Cả lớp biên kịch, đạo diễn trẻ mới ra trường thời đó đều ngưỡng mộ ông vì các vai diễn và phim “Tội lỗi cuối cùng” và “Hy vọng cuối cùng” do ông đạo diễn đã làm mưa làm gió trên các rạp chiếu toàn quốc.
“Nhớ về ông, chúng tôi, những người thuộc thế hệ con cháu, sẽ còn nhớ mãi về một người đàn ông điển trai, mạnh mẽ trên mọi bước đường đời, là niềm ngưỡng mộ của bao người đẹp, nhưng cũng là bậc thầy của họ, khi bằng những dự án phim điện ảnh hoặc truyền hình đã tạo nên những tượng đài diễn xuất không thể phủ nhận của một thời sáng tạo đam mê”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nghẹn ngào.
Trong điếu văn do nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đọc tại lễ truy điệu có đoạn viết: “Có thể nói, chúng ta càng kính nể ông hơn khi biết rằng, nghệ sĩ Trần Phương là một trong số vài ba nghệ sĩ làm điện ảnh nhưng lại chưa có may mắn được theo học tại bất kỳ một trường lớp điện ảnh chuyên nghiệp nào.
Thành công của ông đến từ lòng đam mê vô hạn với điện ảnh và một ý chí ham học tột cùng. Nhắc tới nghệ sĩ Trần Phương, đồng nghiệp sẽ luôn nhớ tới hình ảnh một người đàn ông thông minh, lịch thiệp, tài hoa, giàu lòng trắc ẩn, đầy lòng nhân ái.
Trong cuộc sống riêng, nghệ sĩ Trần Phương có niềm mất mát lớn. Người con trai độc nhất của ông, một nhà điện ảnh tương lai đang được đặt nhiều kỳ vọng không may mất sớm. Thời khắc đó, người ta tưởng ông đã quỵ ngã song nhờ sự động viên của người bạn đời và 4 người con gái mà ông đã tiếp tục cống hiến cho đời nhiều tác phẩm điện ảnh xuất sắc. Sự ra đi của ông thực sự để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng nghiệp, người hâm mộ”.
Trong lời cuối tiễn biệt cha, bà Trần Phương Lan - trưởng nữ của NSND Trần Phương nghẹn ngào: “Suốt cả một đời đam mê và dâng hiến cho nghệ thuật, bố luôn đem theo một A Phủ của riêng mình cùng các đoàn làm phim đi nhiều nơi. Bố đã dành hết tài năng và sức lực cho điện ảnh. Không ít lần đi làm phim ở Tây Bắc, miền Trung… bố luôn phải đem theo con gái nhỏ để tiện chăm sóc, đỡ mẹ.
Thuở chiến tranh, được ngày rảnh rỗi, bố lại đạp xe chở mì, gạo… lên Thái Nguyên tiếp tế cho mấy mẹ con. Trong khuôn hình những bố phim mà bố cùng đồng nghiệp để lại, chúng con luôn nhận ra trong đó có tấm lòng người cha thân yêu của mình. Chúng con đã lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ như thế. Công ơn này chúng con sẽ luôn ghi lòng tạc dạ”.
Một số hình ảnh trong tang lễ: