Người phương Tây làm gì để cầu may mắn trong năm mới?
(Dân trí) - Không chỉ người phương Đông mà ngay cả người phương Tây cũng có nhiều quy tắc cần “tuân thủ” trong dịp đầu năm mới để cả năm sau đó, họ sẽ nhận được nhiều may mắn, tránh được những đen đủi.
Vào ngày 1/1 đầu năm, người phương Tây tin rằng những gì diễn ra trong ngày hôm đó sẽ có ảnh hưởng tới cả năm sau. Vì vậy, trong ngày này, họ có những điều nên làm và không nên làm.
Trao nụ hôn lúc giao thừa: Trong đêm giao thừa chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người phương Tây thường hôn những người thân thiết nhất. Đó không chỉ là hành động chia sẻ niềm vui, những cảm xúc rộn ràng trước thời khắc quan trọng mà còn thể hiện mong muốn sợi dây tình cảm kết nối với những người thân yêu sẽ tiếp tục bền chặt trong 12 tháng tới.
Tích trữ: Vào dịp năm mới, không gia đình nào muốn để tủ lạnh ít đồ ăn hoặc chạn bát ít bát đĩa. Gian bếp lúc này phải càng nhiều đồ ăn, thức uống, chén đĩa bởi như vậy trong năm mới, cả nhà mới sung túc, no đủ. Mọi chiếc ví trong nhà đều phải có tiền, càng nhiều tiền nhét trong ví càng tốt bởi đó được coi là điềm báo cho một năm dư dả, rủng rỉnh.
Trả hết hóa đơn: Năm mới không được phép để nợ nần năm cũ vắt sang. Mọi hóa đơn, nợ nần cần phải được thanh toán trước ngày 1/1. Nếu không đủ khả năng chi trả trước dịp năm mới, ít nhất người ta cũng phải bàn bạc với chủ nợ để thống nhất lại thời điểm trả nợ, tránh để những ngày đầu năm phải chi tiền ra. Ngoài ra, người ta cũng tránh vay tiền vào dịp này. Thường họ mua một chiếc vé số với niềm tin mua về cơ hội phát đạt.
Người xông nhà: Người đầu tiên bước qua cửa sau giao thừa được gọi là “chú chim may mắn”. Người này sẽ có ảnh hưởng tới sự thịnh vượng, may mắn của gia chủ trong cả một năm sau. Người xông nhà lý tưởng nhất là một người đàn ông tóc đen, cao ráo, đẹp trai.
Sẽ càng tuyệt vời hơn nếu người này mang theo những món quà nhỏ chẳng hạn như một viên than, một đồng xu bạc, một ít bánh mì, một nhành lộc xanh hoặc một ít muối.
“Chú chim may mắn” này được coi là đại diện của thần may mắn, sau khi người này gõ cửa, gia chủ nên chạy ra mở cửa nhanh. Kể cả đó là người trong nhà cũng tránh để “thần may mắn” phải tự lấy chìa khóa mở cửa.
Khi đã vào trong nhà rồi, người này sẽ giả vờ làm rơi một trong những món đồ may mắn kể trên. Nếu người này buộc phải ra khỏi nhà sau đó thì nên đi bằng cửa khác, tránh ra bằng cửa đã bước vào.
Ngoài ra, còn có một số tiêu chuẩn khác đối với người xông nhà như anh ta nên có mu bàn chân dày, lông mày không giao nhau… Gia chủ phải có ai đó bước vào nhà sau thời khắc giao thừa thì những người ở trong nhà mới được phép đi ra ngoài.
Không vứt đi cái gì: Không cái gì được đem vứt ra khỏi nhà vào ngày đầu năm, thậm chí cả rác. Nếu như sáng mùng 1 gia chủ cần đem tặng quà ai đó, như trường hợp một người xông nhà chẳng hạn, họ sẽ để quà sẵn trong xe ô tô từ tối hôm trước để sáng ra không phải ôm đồ ra khỏi nhà. Vào ngày này, người ta tránh chải thảm, không lau dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo, rửa chén đĩa hay tắm gội...
Vì ở phương Tây có nhiều người sống cô đơn một mình, đối với những người này, để có được một người xông nhà như ý đôi khi cũng khá khó khăn. Vì vậy, họ có một cách khác để tự mang may mắn đến cho mình trong năm mới. Họ có thể bỏ những món đồ may mắn, quà tặng dành cho chính mình vào trong một chiếc giỏ, buộc dây và để ngoài ngưỡng cửa trước lúc giao thừa. Sau giao thừa, họ sẽ dùng dây, tự kéo chiếc giỏ vào nhà.
Đồ ăn: Món ăn truyền thống đem lại may mắn trong ngày 1/1 là món đậu vàng mắt đen bởi hạt đậu có hình giống đồng xu. Mỗi khi chế biến món này, người ta cần dùng hàng trăm hạt đậu nên nó cũng biểu trưng cho sự giàu có, dư thừa.
Ngoài ra, còn có các món rau xanh (giống “tờ xanh” đô la), chân giò hầm... Dù thịt lợn không phải món thịt sang nhất để chuẩn bị cho ngày đầu năm nhưng theo quan niệm của người phương Tây, gà vịt thì bới đất về phía sau, bò thì thường chậm chạp hoặc đứng im, chỉ có lợn là nhanh nhẹn chạy về phía trước.
Công việc: Trong ngày đầu tiên của năm mới, bạn nên làm một chút công việc và phải hoàn thành xong trong ngày đầu năm. Việc làm này chỉ mang tính tượng trưng với mong muốn công việc sẽ suôn sẻ, thuận lợi trong suốt cả năm. Tuy vậy, không nên làm quá nhiều việc trong ngày này bởi đó là điềm không may, rằng cả năm tới bạn sẽ phải è cổ làm việc.
Quần áo mới: Mặc đồ mới vào ngày 1/1 là thói quen thường thấy.
Tiền bạc: Trong ngày đầu năm người ta tránh chi tiền, tặng quà để cả năm sau sẽ không phải “hụt hơi” vì chi trả.
Đổ vỡ: Tránh làm đổ vỡ đồ đạc, bát đĩa trong ngày đầu năm. Tránh khóc lóc.
Để năm cũ ra đi: Vào lúc giao thừa, mọi cánh cửa trong nhà phải được mở ra để năm cũ có thể ra đi và năm mới bước vào.
Ồn ào: Lúc nửa đêm đón giao thừa, gia chủ càng ồn ào càng tốt bởi đây không chỉ là lúc kỷ niệm một khoảnh khắc thiêng liêng mà tiếng ồn ào, cười nói còn khiến những linh hồn quỷ dữ sợ hãi chạy đi.
Thời tiết: Thời tiết trong những giờ khắc đầu tiên của năm mới cũng rất được quan tâm. Nếu gió thổi hướng nam, thời tiết năm sau sẽ ôn hòa, đời sống thịnh vượng. Gió thổi hướng bắc, thời tiết sẽ khắc nghiệt. Gió thổi hướng đông dự báo đói kém, tai ương. Gió thổi hướng tây, đời sống no đủ nhưng sẽ có nhân vật quan trọng qua đời. Nếu lặng gió, cả năm sẽ vui vẻ, sung túc.
Sinh ngày 1/1: Những em bé sinh trong ngày này được coi là rất may mắn.
Pháo hoa: Pháo hoa là biểu tượng may mắn ở nhiều nước vào dịp năm mới.
Tổng kết: Đối với nhiều người phương Tây, ngày đầu năm là thời điểm để họ suy nghĩ lại về một năm đã qua và tìm ra những hướng đi mới cho năm tới.
Tiệc giao thừa: Nếu trong giây phút giao thừa, bạn được ở bên bàn tiệc với những người thân, bạn bè, cả năm tới bạn sẽ được yêu thương, quan tâm và có nhiều thời gian vui vẻ.
Hát “Auld Lang Syne”: Bài hát cổ của người Scotland đã có từ thế kỷ 18 - “Auld Lang Syne” có nghĩa là “Ngày xửa ngày xưa”. Hát “Auld Lang Syne” đón năm mới là một tục lệ đã có từ lâu. Có lẽ hát một bài dân ca cổ về những “ngày xửa ngày xưa” là một cách để người phương Tây nhớ về những gì tốt đẹp của quá khứ.