Người mẹ ứng xử ra sao sau khi ra lệnh cho con “Không được”?  (kỳ 1)

(Dân trí) - Đó là một buổi trưa trong công viên trung tâm ở thành phố New York. Sau cơn mưa, bầu trời chan hòa sắc xuân ngọt ngào, khiến những con người bận rộn cũng tạm lánh phố phường tấp nập đến thả hồn nơi ghế đá công viên.

Ngay góc đường số 80 và đại lộ số 5 là con đường nhỏ dẫn vào khu công viên. Cơn mưa đã để lại vài vũng nước trên con đường này, gây chút trở ngại cho khách bộ hành.

Một cậu nhóc trùm áo mưa kín người chạy xẹt ngang vũng nước và hớn hở kêu lên: “YAAAAAAAAAHHH!”. Mẹ của cậu nhóc cũng mặc áo mưa, vừa đuổi theo thằng con trai vừa quát tháo inh ỏi: “KHÔNG, KHÔNG, KHÔNG”. Khi tóm được tay ông con, bà kéo nó vào chỗ khô ráo và mắng: “KHÔNG ĐƯỢC NGHỊCH NƯỚC, Jacob. Mẹ đã dặn bao nhiêu lần rồi, KHÔNG ĐƯỢC NGHỊCH NƯỚC”.

Người mẹ ứng xử ra sao sau khi ra lệnh cho con “Không được”?  (kỳ 1) - 1

Cậu nhóc vùng vằng, cố hết sức giật tay nó ra khỏi tay mẹ. Nó ti tỉ khóc. Bà mẹ kéo con đi tiếp. Thằng bé bắt đầu gào khóc. Bà mẹ cố kéo tay nó đứng dậy nhưng thằng nhóc cứ oặt người kêu la. Một tình huống nan giải. Một đứa trẻ đang xếp hàng chờ tính tiền ở siêu thị gần đó trông thấy cảnh này. Nó hét lên rõ to: “WHOOOOOAAAOOOAAAAA”. Mẹ đứa trẻ trở nên lúng túng. Mọi người nhìn bà chằm chằm. (Chắc họ đang thắc mắc: “Bà ta làm gì thằng nhóc vậy nhỉ?”).

Một người đàn ông trung niên ăn vận chỉnh tề lặng lẽ quan sát từ băng ghế gần đó. Ông đi đôi giày da mũi nhọn màu đen bóng loáng. Giữa ông và hai mẹ con đang giằng co với nhau kia là một vũng nước lớn. Người đàn ông đứng dậy, để nguyên giày và quần áo, thong thả bước vào vũng nước. Ông cười lớn và thích thú hét lên: “HEY - HEY - HEY”. Hai mẹ con nọ quay lại nhìn. Đứa trẻ nín bặt, đứng như trời trồng.

Thật không thể tin là có cảnh này. Làm sao tôi đứng ngoài cuộc được? Thế là tôi cũng đứng dậy và bước vào vũng nước, đứng bên cạnh người đàn ông đang cười sằng sặc. Lúc đó, tôi đang mang đôi sandal da và đi vớ tươm tất. Tôi nhăn răng cười với người đàn ông và hai mẹ con đứa trẻ. Một người phụ nữ ăn mặc rất hợp thời cũng cởi giày và dẫn con chó của mình vào tham gia cùng chúng tôi.

Thằng nhóc cười khoái chí, vùng khỏi tay mẹ và nhảy bổ vào vũng nước.

Mọi ánh mắt đổ dồn vào bà mẹ.

Trong vai chính bất đắc dĩ, gương mặt bà mẹ trở nên cứng đơ và khó xử, cảm giác vui buồn lẫn lộn của bậc làm cha mẹ. Một mặt, bà muốn đứa con phải nhớ lời mẹ dạy, mặt khác bà cũng biết rằng vũng nước này có hại gì đâu khi thằng bé đang mang ủng đi mưa? Người mẹ không muốn con bị ốm. Nhưng ai cũng biết là bạn chỉ bị cảm khi dầm mưa từ sáng đến chiều chứ chỉ một vài phút ngắn ngủi thế này thì có hề gì.

Không thể thay đổi cách cư xử khi bạn đã ra lệnh cho con “KHÔNG ĐƯỢC”, nhưng cũng chẳng có gì sai nếu bạn thay đổi tư duy. Người mẹ không muốn con mình bắt chước người lạ. Nhưng điều mà cả ba người đó đang làm là đứng trong vũng nước và cười nhạo bà. Tại sao một chuyện đơn giản mà bà lại khó xử đến vậy? Một người mẹ tốt sẽ làm gì lúc này?

Các bậc cha mẹ thường mắc chứng bệnh mâu thuẫn với chính mình. Nếu bà mẹ ấy còn là một đứa trẻ, chắc bà cũng đang đứng nghịch giữa vũng nước. Biết đâu mẹ của người mẹ đó cũng mắng: “KHÔNG ĐƯỢC NGHỊCH NƯỚC”. Phải chăng các bậc cha mẹ đều làm như quán tính những điều tương tự cha mẹ họ đã làm trong quá khứ?

Tất cả những suy nghĩ này vụt qua tâm trí của người mẹ.

Người mẹ ứng xử ra sao sau khi ra lệnh cho con “Không được”?  (kỳ 1) - 2

Những người bì bõm trong nước và cả những người đứng xem đang nhìn bà chờ đợi. Bà không thể đứng đó mãi. Người mẹ mỉm cười rồi từ từ bước vào vũng nước trong tiếng vỗ tay tán thưởng của những người chứng kiến. Những người cùng nghịch nước hoan hỉ bắt tay bà và bắt tay lẫn nhau, rồi ai đi đường nấy.

Gương mặt đứa trẻ lộ rõ sự hài lòng xen lẫn sửng sốt. Người lớn thật kỳ lạ. Và cậu bé sẽ không thể hiểu được sự kỳ lạ đó cho đến khi cậu cũng thành người lớn.

Có thể bạn đang thắc mắc, chuyện thật vậy không?

À, có thể có mà cũng có thể không. Một ngày như thế, một công viên với vũng nước như thế là thật. Bối cảnh câu chuyện diễn ra ở đây cũng là thật. Và việc chúng tôi gật đầu chào hỏi nhau cũng thật nốt. Nhưng thực tế thì chúng tôi vẫn còn e dè chưa làm gì cả, còn người mẹ thì vừa lôi con đi xềnh xệch vừa quát: “KHÔNG NGHỊCH NƯỚC” rồi tức tối bỏ đi. Nhưng, câu chuyện tôi kể có thể xảy ra. Nó nên xảy ra như thế. Vũng nước kia như một bài kiểm tra xem bạn có còn trẻ trung hay không. Và tất cả người lớn có mặt ngày hôm ấy đều bị đánh rớt.

Tôi ghét mỗi khi mình vừa lang thang vừa tự nhủ rằng mai mốt nếu có dịp hoặc rơi vào hoàn cảnh tương tự, tôi sẽ làm theo điều con tim mách bảo. Nhiều khi khôn ngoan và ngốc nghếch cũng như nhau cả thôi.

Chiều muộn hôm đó, tôi quay trở lại công viên với mong muốn thực hiện điều mình lẽ ra nên thực hiện.

Nhưng đã quá trễ, quá trễ.

Hai mẹ con đứa trẻ, những người tốt, vũng nước và cơ hội cho tôi đều đã qua đi mất rồi.

Theo sách “Trường mẫu giáo uyên thâm”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm