Người đặt nền móng cho thời trang Việt Nam
(Dân trí) - Nói về thời trang Việt Nam, không thể không nhắc đến chị - nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh - người đặt nền móng đầu tiên cho sự chuyên nghiệp của thời trang Việt.<br><a href='http://dantri.com.vn/van-hoa/y-niem-moi-cua-thoi-trang-viet-945792.htm'><b> >> Ý niệm mới của thời trang Việt</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/van-hoa/hinh-anh-dep-trong-buoi-ra-mat-hoi-dong-thoi-trang-y-viet-945218.htm'><b> >> Hình ảnh đẹp trong buổi ra mắt Hội đồng thời trang Ý - Việt </b></a>
Đã quá nhiều báo viết về chị, dù chị chẳng bao giờ thích nói về mình. Nhìn lại một chặng đường của thời trang Việt trong 20 năm qua, con đường quá dài, dài tưởng chừng gấp đôi, vì 20 năm sau, kể từ khi thời trang Việt bắt đầu hình thành, chúng ta vẫn chưa có nhiều những nhà thiết kế thời trang đúng tầm.
Nói về thời trang Việt Nam, không thể không nhắc đến chị - người đặt nền móng đầu tiên cho sự chuyên nghiệp của thời trang Việt.
Xuất thân là một họa sỹ trình bày của Báo Phụ nữ Thành phố, từ thuở công nghệ làm báo còn in bằng bản kẽm, không có nhiều những công cụ hỗ trợ cho việc trình bày, thiết kế…, chị đã là một họa sỹ trình bày tài hoa và nổi tiếng của làng báo, cũng chị là người đề xuất làm một trang thời trang trên tờ Phụ nữ Thành phố, ngay lập tức, tờ báo trở thành người bạn thân thiết của đông đảo phụ nữ TP.HCM.
Khi chuyên mục thời trang trở thành trang báo chính thức, lại biết bao vấn đề, phải xây dựng đề tài, nội dung… mà thời kỳ ấy, vải còn thiếu, việc đủ mặc đã khó làm sao nói đến chuyện đẹp. Cái khó buộc người ta phải sáng tạo, thế là tất cả các phóng viên Báo Phụ nữ trở thành người mẫu, bộ trang phục chính là những bộ quần áo cũ của mọi người được cắt may lại, thêm chi tiết vào…
Thiết kế của Minh Hạnh
Thập niên 1990 là một thập niên quá nhiều sự biến động về kinh tế - chính trị của thế giới và Việt Nam, trung tâm thời trang non trẻ Lega Fashion nằm trong tập đoàn Legamex cũng chịu chung số phận hẩm hiu và nghiệt ngã của một cuộc hành trình “lột xác”. Lega Fahion chỉ tồn tại được hai năm, khi Legamex giải thế, Lega Fashion cũng không còn. Chị về xây dựng Viện mẫu thời trang Fadin…
Những năm tháng ở Fadin, chị tìm tòi và thông qua những mối quan hệ của mình, tiếp tục mở ra một bước ngoặt cho ngành thời trang Việt Nam, đưa văn hóa Việt Nam qua góc chiếu của thời trang đến với thế giới, vừa làm quản lý, vừa thiết kế, đào tạo, xây dựng và tổ chức các buổi trình diễn thời trang trên các sàn diễn quốc tế, chị phải làm việc đến 300% sức lực của mình.
Sau một thời gian cống hiến ở Fadin, nhận thấy mô hình này còn nhiều những bất cập, chị quyết định trở về làm doanh nghiệp, để tự quyết, tự chịu trách nhiệm và có điều kiện giúp đỡ thật sự nhất cho các nghệ nhân, các học trò, các nhà thiết kế trẻ…
Phần đông mọi người biết đến chị ở bề nổi của những bộ sưu tập trên sàn diễn London, Paris, Rome… nhưng ít người có thể hiểu được một chặng đường dài chất chứa đầy gai góc mà nếu không có kiến thức về văn hóa, tinh thần cầu thị, sự quyết liệt, đam mê cháy bỏng, sự dữ dội, nhưng vẫn tinh tế, nhân văn… thì thời trang Việt sẽ chẳng thể ra khỏi biên giới của nước mình.
Ngay từ thuở còn phụ trách chuyên mục thời trang của Báo Phụ nữ Thành phố, khi những tờ tạp chí hiếm hoi như Vogue, Elle… được bạn bè gửi về cho, chị đã chia sẻ mơ ước và niềm tin rằng một lúc nào đó những bộ sưu tập của Việt Nam sẽ sánh bước cùng những tên tuổi hàng đầu của “xứ sở nhà thờ và mode” (nước Ý), ở ngay tại thủ phủ của thời trang thế giới (Rome). Ngày ấy, ai cũng nghi ngờ…
Nhưng chị không nói chơi, chị trăn trở, day dứt, dành thời gian nghiên cứu về hóa Việt Nam, văn hóa thời trang của từng thương hiệu, rồi rong ruổi những chuyến đi về các vùng miền của đất nước, chìm đắm trong những chất liệu mộc mạc truyền thống đã dần mai một, xót xa xen lẫn tự hào dân tộc, để rồi càng quyết liệt hơn, với một ý chí xác lập cho mình một con đường.
Khôi phục lại các giá trị văn hóa thật sự được gọi là bản sắc riêng của Việt Nam để đến với thế giới, ngược xuôi những chuyến đi lên tận những bản làng phía bắc, những buôn làng Tây Nguyên, sống cùng đồng bào dân tộc để tận mắt chứng kiến quy trình kéo sợi, dệt, nhuộm và thêu tay, để rồi từ sững sờ về màu sắc và chất liệu hoàn toàn thiên nhiên, dòng sản phẩm thổ cẩm đã được chị khôi phục và đưa lên những bộ thiết kế của mình, để chinh phục thế giới.
Tương tự như thế, chị về Huế, để tìm lại những hậu duệ của các nghệ nhân thêu long bào, khuyến khích, động viên và quy tụ về để cùng khôi phục nghề thêu tay tinh tế, truyền thống của xứ Huế.
Chị lại bôn ba rong ruổi đến với những vùng xa xôi trên thế giới để tìm tòi, nghiên cứu về các ngành nghề truyền thống của họ, khám phá những sự tương đồng về văn hóa, sự khác biệt, học hỏi, tiếp thu những kỹ thuật tiên tiến từ những nền công nghiệp thời trang hàng đầu thế giới…
Những bộ sưu tập của chị chinh phục những nhà thiết kế thời trang nổi tiếng thế giới, các viện mẫu hàn lâm thời trang của Pháp, Bỉ… bởi không phải đơn thuần chỉ là thời trang, mà trong đó chứa đựng những âm hưởng giai điệu về chất liệu thiên nhiên, giá trị sức lao động của các nghệ nhân, linh hồn của cả một truyền thống và bản sắc, sự riêng biệt đột phá táo bạo về kết hợp chất liệu, mà vẫn đồng điệu về màu sắc và xu hướng của thời trang thế giới.
Có chứng kiến được sự xúc động của những nhà thiết kế nổi tiếng thế giới khi nâng niu sản phẩm của Minh Hạnh và ôm chặt chị nhắn nhủ “Hãy quên hết những thứ khác của thế giới đi, hãy giữ những giá trị này của bạn” mới có thể cảm được những bộ sưu tập của chị đã truyền đi một thông điệp văn hóa Việt đến với trái tim của bạn bè quốc tế như thế nào.
Chị chưa bao giờ gọi những bộ sưu tập của mình là dòng sản phẩn “haute couture” (thời trang cao cấp), nhưng nó mặc nhiên là vậy trong con mắt của những đồng nghiệp nổi tiếng thế giới.
Ngày 17/9 vừa qua, Hội đồng thời trang Ý - Việt do Ông Stephano Dominella Gatinoni, Chủ tịch Hiệp hội thời trang Ý, một cây đại thụ của làng thời trang quốc tế và chị thành lập đã ra mắt tại không gian Bảo tàng Museo Di Rome, với sự chứng kiến của Đại sứ Việt Nam tại Ý - ông Nguyễn Hoàng Long; ông Michele Valensise - Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Ý; ông Enrico Lette - Nguyên Thủ tướng Ý, Thượng nghị sỹ Pier Ferdinando Casini - Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thượng viện Ý, và hơn 500 khách mời là những nhân vật cao cấp và các nhà thiết kế của Ý.
Một buổi biểu diễn thời trang của 4 nhà thiết kế Việt Nam cùng một nhà thiết kế Ý đã để lại trong lòng người dân Rome những ấn tượng khó phai. Không chỉ là những bộ sưu tập được kết tinh văn hóa Việt, chất liệu Việt trong sự hòa quyện với xu hướng thế giới, mà đó còn là một buổi trình diễn vượt qua những khuôn khổ phép tắc của “xứ sở nhà thờ và mode”, lần đầu tiên bảo tàng ở trung tâm thủ đô Rome cho phép trình diễn thời trang.
Một buổi biểu diễn thời trang trong khuôn khổ Tuần Văn hoá Việt Nam với lễ kỷ niệm 69 năm Quốc khánh hết sức trọng thể, Quốc ca của hai nước được cử hành, những dòng nước mắt đã lăn dài trên má khi âm hưởng của bài Quốc ca Việt Nam vang lên giữa Thủ đô của nước Ý với 500 quan khách của bạn đứng nghiêm chào cờ Tổ quốc!
20 năm, một hành trình để đến hôm nay, Hội đồng thời trang Ý - Việt ra đời, khoan nói đến những ước mơ hay chiến lược cụ thể gì mà Hội đồng này sẽ làm trong thời gian tới, nhưng nhìn lại 20 năm ấy có thể đúc kết ra được những kinh nghiệm, là những gợi ý cho con đường của thời trang Việt Nam, cho những nhà thiết kế trẻ trong hành trình sự nghiệp của mình, cũng là một gợi ý về những chủ trương chính sách cho các nhà quản lý văn hóa Việt Nam.
Đó phải chăng là một trong những lời giải cho câu hỏi: Vì sao 20 năm qua, chúng ta chưa có nhiều nhà thiết kế thực sự chuyên nghiệp và có thể sánh tầm với thế giới ngoài chị? Có thể nói con đường của chị, đầy những chông gai, không phải chỉ toàn những hào quang trên sàn diễn quốc tế, như phần đông mọi người thấy. Cũng nhiều người đã rời chị sau vài năm vì không chịu nổi những áp lực về tính chuyên nghiệp mà chị đặt ra cho chính chị và những cộng sự, cộng với vô vàn những khó khăn trong cơ chế kinh tế chung của nước nhà.
Nhiều người từng cộng tác với chị luôn nhìn nhận chị là người quá nghiêm khắc, quá dữ dội, và đòi hỏi tính kỷ luật rất khắt khe trong công việc, nhưng lại ít thấy rằng trong những chuyến bôn ba mang văn hóa Việt đến với thế giới, chị là người đứng mũi chịu sào, từ những việc nhỏ nhất, đến vai trò quan trọng nhất - đạo diễn, sản xuất chương trình, rồi tối về khách sạn thì nằm ngủ dưới sàn, dành giường cho nhân viên, với sự quyết liệt không kém vì “chị thích ngủ đưới sàn”!
Chị - người trung thành với sự lựa chọn của chính mình, người sẵn sàng bước lên gai góc để đi đến đích, để rồi nhận ra một điều: một nhà thiết kế thời trang cho dù có đủ đam mê, đủ điều kiện, nhưng nếu tách rời những giá trị văn hóa của đất nước mình, thì sẽ chẳng bao giờ thành công được!
Thanh Lan
(Từ Rome, Ý)