Người Anh tìm thấy gì trong âm nhạc dân gian Việt Nam?

(Dân trí) - Báo Anh vừa có bài giới thiệu về dòng nhạc dân gian Việt Nam nhân dịp Việt Nam sắp kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam.

Người Anh tìm thấy gì trong âm nhạc dân gian Việt Nam?

“Hanoi Masters: War Is a Wound, Peace Is a Scar” (Những nghệ nhân Hà Nội: Chiến tranh là vết thương, hòa bình còn vết sẹo) - đĩa hát sẽ ra mắt ngày 30/3 tới đây.

Tờ Guardian (Anh) vừa có bài viết giới thiệu về một đĩa hát tôn vinh dòng nhạc dân gian Việt Nam - đĩa hát có tên “Hanoi Masters: War Is a Wound, Peace Is a Scar” (Những nghệ nhân Hà Nội: Chiến tranh là vết thương, hòa bình còn vết sẹo).

Đĩa hát sẽ ra mắt vào ngày 30/3 tới đây, do công ty sản xuất âm nhạc Glitterbeat có trụ sở đặt tại Đức thực hiện, với sự tham gia giám sát của nhà sản xuất âm nhạc người Mỹ từng giành giải Grammy (giải thưởng âm nhạc uy tín hàng đầu của Mỹ) - Ian Brennan - người vốn luôn gắn bó với thể loại “world music” và dòng nhạc dân gian.

Năm nay, Việt Nam sẽ kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng nhân dịp này, Glitterbeat quyết định thực hiện một đĩa hát sưu tầm những nhạc phẩm dân gian được thể hiện bởi những nghệ nhân cao niên đang sinh sống ở Hà Nội.

Mục đích thực hiện đĩa hát này là để khắc họa phần nào những mất mát trong tâm hồn con người Việt Nam, trong tâm tưởng của dân tộc Việt Nam dù chiến tranh đã lùi xa.

Glitterbeat là một công ty sản xuất âm nhạc chuyên khai thác khía cạnh văn hóa, đặc trưng dân tộc trong những dòng nhạc dân gian trên khắp thế giới.

Tham gia dự án âm nhạc này của Glitterbeat có nghệ sĩ đàn tranh Võ Vân Ánh (hiện Vân Ánh đang định cư tại Mỹ).

Võ Vân Ánh

Võ Vân Ánh

Chia sẻ với Guardian, Vân Ánh nói: “Chị gái tôi sinh năm 1972, vì vậy, mẹ vẫn thường kể cho chúng tôi nghe chuyện ngày xưa bà đã chăm nom chị tôi dưới hầm trú ẩn như thế nào. Mẹ cũng thường kể về những ám ảnh chiến tranh như tiếng bom rơi, những hố bom sâu hoắm, những sự im lặng chết chóc sau mỗi cuộc không kích. Đó là thời kỳ đáng sợ nhất trong cuộc đời mẹ tôi”.

Đĩa hát mà Glitterbeat thực hiện được đánh giá là một sản phẩm âm nhạc “phi thường” (từ của Guardian). “Hanoi Masters” sẽ gồm những nhạc phẩm viết về Chiến tranh Việt Nam, bên cạnh đó, còn có những nhạc phẩm dân gian được đưa vào những thể nghiệm mới mẻ, hiện đại.

“Hanoi Masters” sẽ có một số bài hát không được viết trong thời chiến và cũng không trực tiếp đề cập tới chiến tranh, nhưng khi nghe những nhạc phẩm này, người ta sẽ cảm nhận thấy phần nào sự mất mát của một dân tộc đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh.

Cả đĩa hát “Hanoi Masters” đã được thực hiện theo tinh thần như vậy. Trong bài viết có nhắc nhiều tới nghệ sĩ đàn tranh Võ Vân Ánh - một nữ nghệ sĩ đã gây dựng được tên tuổi nhất định tại Mỹ bằng những ngón đàn mang đậm tính dân tộc của mình.

Ngoài ra, bài viết cũng hé lộ một số nhạc phẩm sẽ xuất hiện trong đĩa hát như “Quê mẹ”, “Để gió cuốn đi”, hát văn “Cô Đôi Thượng ngàn”…

Nghệ sĩ Võ Vân Ánh chính là đạo diễn âm nhạc cho sản phẩm này. Những nhạc phẩm xuất hiện trong “Hanoi Masters” sẽ được đệm bằng các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Việt Nam, đặc biệt có cây đàn K’ni của một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Người giám sát quá trình thực hiện đĩa hát “Hanoi Masters” - ông Ian Brennan, nhà sản xuất âm nhạc từng giành giải Grammy - đã rất kinh ngạc trước cây đàn K’ni. Brennan cho rằng âm thanh phát ra từ cây đàn này “rất kỳ lạ, siêu thực, và đầy đủ đến mức không cần phải sử dụng thêm bất cứ nhạc cụ điện tử nào hỗ trợ”.

Trong quá trình thực hiện “Hanoi Masters”, Brennan đã nảy sinh ý nghĩ rằng chính những nhạc cụ giản dị này đã đi trước những cuộc cách tân trong âm nhạc phương Tây.

Chia sẻ về dự án âm nhạc “Hanoi Masters”, nghệ sĩ đàn tranh Võ Vân Ánh cho rằng mình có trách nhiệm bảo tồn di sản âm nhạc truyền thống của quê hương. Điều này không chỉ dừng lại ở việc cô biểu diễn âm nhạc truyền thống của Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới, mà còn phải tìm đường để đưa dòng nhạc này đến với thị trường âm nhạc thế giới.

Đĩa hát “Hanoi Masters” được coi là cánh cửa sổ “mở vào dòng nhạc dân gian Việt Nam - một dòng nhạc bình dị nhưng ẩn chứa vẻ đẹp đầy sức mạnh, đi vào bản chất âm nhạc Việt Nam - từng là một cứu cánh tinh thần, một câu trả lời của Việt Nam đối với những cuộc chiến tranh”.



Bích Ngọc
Theo Guardian