Người Á Đông "thần tượng" hổ, vì sao?

Bích Ngọc

(Dân trí) - Hổ là loài động vật săn mồi đáng gờm hàng đầu trong thế giới tự nhiên. Con người vừa sợ hãi vừa thán phục loài hổ, bởi loài động vật này toát lên cả vẻ đẹp và sức mạnh.

Hình tượng loài hổ gắn bó với đời sống con người từ xa xưa. Trong nhiều nền văn hóa, hổ gợi lên những liên tưởng về sức mạnh, sự oai linh, vẻ bí hiểm. Hổ là loài động vật săn mồi đáng gờm hàng đầu trong thế giới tự nhiên. Con người vừa sợ hãi vừa thán phục loài hổ, bởi loài động vật này toát lên cả vẻ đẹp và sức mạnh.

Hổ biểu trưng cho những phẩm chất đáng quý nào?

Đối với người dân Châu Á, hổ là biểu tượng của sức mạnh, uy quyền, chứa đựng cả yếu tố tâm linh. Hổ là loài dũng mãnh, là chúa sơn lâm, là hùm thiêng rừng núi, là "ông mãnh" rừng già, là linh vật trong 12 con giáp.

Tập tục thờ hổ đã đi vào tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, cộng đồng, nhất là ở những vùng rừng sâu núi thẳm, hổ luôn được thờ phụng.

Người Á Đông thần tượng hổ, vì sao? - 1

Hổ là loài động vật săn mồi đáng gờm hàng đầu trong thế giới tự nhiên. Con người vừa sợ hãi vừa thán phục loài hổ, bởi loài động vật này toát lên cả vẻ đẹp và sức mạnh (Ảnh: Uni Guide).

Ở một khía cạnh nào đó, những tập tính của loài hổ được con người đánh giá cao và được coi là biểu trưng cho nhiều phẩm chất đáng quý, như sự kiên trì, nhẫn nại, khả năng giấu mình. Quan sát tập tính của loài hổ, người ta nhận thấy hổ có bản tính kiên nhẫn, giỏi chịu đựng. Hổ biết khi nào nên nằm yên phục kích con mồi, khi nào tiếp cận con mồi âm thầm từng bước.

Một khi điều kiện chưa chín muồi, hổ sẽ náu mình kín đáo, loài hổ thực tế không hề nóng vội. Hổ là kẻ săn mồi thượng thặng chốn rừng già, hổ biết nắm chắc thời cơ, bắt lấy cơ hội một khi con mồi mất cảnh giác. Bản năng này khiến con người xem loài hổ là loài biểu trưng cho sự quyết đoán, mạnh mẽ.

Hổ được biết đến với sự cẩn trọng, luôn quan sát, nghe ngóng. Khi thời cơ không thuận lợi, hổ sẽ thu mình. Chính vì tập tính cẩn trọng, cảnh giác đề phòng, nên loài hổ không dễ mắc bẫy như các loài động vật khác trong rừng, vì vậy, hổ càng được con người đánh giá cao.

Vẻ đẹp của hổ trong đời sống văn hóa dân gian

Trong đời sống thực tế, hổ là loài săn mồi hung hãn, nhưng trong đời sống văn hóa dân gian, đặc biệt là trong quan niệm về 12 con giáp, hổ lại gắn với nhiều ý nghĩa đẹp đẽ. 

Trong 12 con giáp, hổ hội tụ nhiều đức tính như dũng mãnh, can trường, hiên ngang... Vì vậy, hổ là biểu tượng của sự hùng cường và sức mạnh. Từ xa xưa, hổ đã được người phương Đông thần thánh hóa trong đời sống văn hóa - nghệ thuật.

Người Á Đông thần tượng hổ, vì sao? - 2

Trong 12 con giáp, hổ hội tụ nhiều đức tính như dũng mãnh, can trường, hiên ngang... (Ảnh: Uni Guide).

Hình ảnh loài hổ trong đời sống văn hóa của người dân Châu Á gắn với nhiều điều tốt đẹp trong đời sống hàng ngày, như "cọp chết để da, người ta chết để tiếng" (nói về danh dự), "nam thực như hổ" (nói về ăn khỏe), "hổ phụ sinh hổ tử" (nói về hậu duệ vững vàng)...

Hổ là động vật có thật và gần như là duy nhất được "bắt cặp" với rồng - một linh vật hư cấu. Những cặp đối sánh quen thuộc trong đời sống văn hóa Á Đông về rồng và hổ có thể kể tới "long tranh, hổ đấu" (chỉ sự ngang tài ngang sức), "rồng cuộn, hổ ngồi" hay "hổ phục, rồng chầu" (chỉ vị trí chiến lược)...

Hổ là một hình tượng đa nghĩa trong đời sống tâm linh của người Việt. Trong thực tế, hổ là động vật săn mồi nguy hiểm, còn trong đời sống văn hóa tâm linh, hổ là thần hộ mệnh. Tranh hổ, tượng hổ được xem là có vai trò trấn giữ, khiến cho tà ma, ác quỷ không dám xâm nhập vào các nơi thờ cúng, hay tại nhà riêng.

Hổ là ác thú khiến con người kinh sợ đến độ lập đền thờ, việc này khá thường thấy ở những miền sơn cước, nhưng hổ cũng là phúc thần được tạc tượng, vẽ tranh để thờ, coi như giúp con người trừ tà yểm quái.

Người Á Đông thần tượng hổ, vì sao? - 3

Văn hóa Á Đông nói chung rất chuộng hổ (Ảnh: Uni Guide).

Tại Việt Nam, người ta gọi hổ bằng nhiều cách gọi rất trân trọng như là ông hổ, ông hùm, ông cọp, ông ba mươi... Trong các loài thú dữ, hiếm có loài nào khiến con người sợ hãi tới mức thờ cúng, kỵ húy như hổ. Ở một số vùng miền, người ta tránh gọi thẳng tên loài hổ, mà phải gọi chệch đi.

Văn hóa Á Đông nói chung rất chuộng hổ. Từ xa xưa, người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã thích treo tranh hổ. Nhìn chung người Á Đông đều gắn những đức tính, ngụ ý tốt đẹp vào hình ảnh loài hổ, tin rằng treo tranh hổ trong nhà thì gia đình thêm vượng khí, xua hung khí, được trấn yểm, được an vui.

Trong đời sống văn hóa dân gian của người Việt, tranh ngũ hổ được dùng để thờ với niềm tin rằng đây là những ông hổ trấn giữ các phương trời đất.

Trong âm lịch, tháng Dần là tháng của mùa xuân đang đến, tháng của dương khí đang lên. Tháng Giêng âm lịch là tháng Dần. Năm Dần theo quan niệm người xưa được xem là năm tốt lành.

Theo Uni Guide