Ngư dân vùng biển tưng bừng tổ chức Lễ hội cầu ngư

(Dân trí) - Ngày 30/3 (tức ngày 22/2 âm lịch), hàng nghìn ngư dân vùng biển Hậu Lộc đã có mặt tại xã Ngư Lộc tham gia Lễ hội cầu ngư năm 2016. Đây được xem là Lễ hội cầu ngư lớn nhất xứ Thanh.

Lễ hội cầu ngư là lễ hội truyền thống của ngư dân địa phương có từ rất lâu đời được tổ chức vào dịp cuối tháng Hai âm lịch hàng năm tại làng biển Diêm Phố, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đây được xem là Lễ hội cầu ngư lớn nhất xứ Thanh.

Lễ hội cầu ngư năm 2016
Lễ hội cầu ngư năm 2016

Từ năm 2005, Lễ hội cầu ngư xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Lễ hội Văn hoá phi vật thể.

Trong ngày đầu diễn ra lễ hội, đã có hàng nghìn ngư dân trong và ngoài huyện Hậu Lộc về đây tham dự. Đây còn là dịp để ngư dân trao đổi kinh nghiệm làm nghề cũng như đi biển.

Nghi lễ rước thuyền Long Châu
Nghi lễ rước thuyền Long Châu

Theo quan niệm của ngư dân địa phương, việc tổ chức lễ hội có ý nghĩa rất lớn về mặt văn hóa tâm linh của ngư dân vùng biển. Ngư dân trong xã thường chuẩn bị các vật tế lễ để cầu mong trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, cho mùa vụ đánh bắt cá trong năm được thuận lợi.

Bắt đầu là Lễ rước thuyền Long Châu, đây là một lễ vật quan trọng nhất trong Lễ hội cầu ngư được bà con tổ chức trang nghiêm, thành kính, bày tỏ tình đoàn kết giữa các vạn chài, mong thần linh chứng giám lòng thành của ngư dân ngoài biển khơi. Các dòng họ trong xã đến trước thuyền Long Châu cầu khấn mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, đời sống ngư dân ấm no hạnh phúc…

Ngư dân thường đến trước thuyền Long Châu cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa...
Ngư dân thường đến trước thuyền Long Châu cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa...

Tiếp theo là phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao sôi nổi, mang đậm nét văn hoá truyền thống của ngư dân vùng biển như: Thi câu mực, kéo lưới, thi cờ tướng, hát giao duyên, biểu diễn nhạc lưu thuỷ…

Chiếc thuyền Long Châu sẽ được hóa vàng sau 2 ngày tổ chức lễ hội để gửi về biển cả, mong các thần linh của biển chứng giám lòng thành và che chở cho ngư dân trong xã một năm trời yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền.

Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 30/3 đến ngày 1/4 (tức 22/2 đến 24/2 âm lịch).

Hàng nghìn người dân tham gia Lễ cầu ngư
Hàng nghìn người dân tham gia Lễ cầu ngư

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm