"Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" vẫn ấm áp và đáng xem sau nửa thế kỷ
(Dân trí) - Gần nửa thế kỷ trôi qua, khán giả vẫn nhắc nhớ và yêu mến bộ phim truyền hình "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên". Phim có những giá trị và ý nghĩa không thay đổi qua thời gian.
Văn hóa phương Đông và phương Tây có nhiều nét khác biệt, nhưng bộ phim "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" có khả năng gây thương nhớ đối với người xem ở cả phương Đông và phương Tây.
Đã hơn 45 năm trôi qua kể từ ngày tập phim đầu tiên của sê-ri này được phát trên sóng truyền hình Mỹ, cho tới hôm nay, bộ phim vẫn tiếp tục được truyền thông Mỹ nhắc nhớ, công chúng vẫn thích thú đọc tin tức về bộ phim, về dàn diễn viên năm xưa. "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" thực sự chứa đựng những gì mà hấp dẫn bền bỉ đến vậy?
"Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" được chuyển thể dựa trên bộ tiểu thuyết dành cho thiếu nhi của nữ nhà văn Laura Ingalls Wilder.
Cả bộ phim và nguyên tác văn học đều chứa đựng sự cân bằng giữa những điều ngọt ngào và chua cay trong cuộc sống, cái nền của tác phẩm đưa người xem đến một bối cảnh không gian và thời gian khi cuộc sống còn phóng khoáng, giản đơn và dễ chịu, đó là cuộc sống của những người nông dân ở miền tây nước Mỹ hồi cuối thế kỷ 19.
Bộ phim lên sóng màn ảnh nhỏ tại Mỹ từ năm 1974 tới năm 1983, đối với nhiều người trưởng thành tại Mỹ, họ đã lớn lên cùng với bộ phim này, đó là một phần ký ức tươi đẹp và dễ chịu trong cuộc sống của họ.
Những đĩa phim "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" vẫn được bán trên thị trường, bởi nhiều người muốn được xem lại những khuôn hình xưa cũ ấy, để có thể sống lại ký ức đẹp đẽ trong những kỳ nghỉ lễ. Nhiều fan của bộ phim tiết lộ rằng họ thường xem lại bộ phim để... an thần mỗi khi cảm thấy cuộc sống đang quá khó khăn, khủng hoảng.
Mỗi khi xem lại bộ phim, nhiều người cảm thấy tâm trạng được cải thiện và họ nhìn nhận những vấn đề trong cuộc sống của mình một cách sáng rõ hơn, bởi cuộc sống của gia đình Ingalls trong phim cũng chẳng mấy khi dễ chịu, họ liên tục gặp phải những khó khăn, những thách thức lớn nhỏ, nhưng rồi họ sẽ cùng nhau tìm được cách vượt qua.
Nhiều khi nếu thử đặt mình vào vị trí của các thành viên trong gia đình này, ta có thể thấy rằng vấn đề của họ còn nghiêm trọng hơn những chuyện mà ta đang phải đương đầu. "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" là một bộ phim ngọt ngào, nhưng cũng rất chân thực, khiến người xem vừa được thư giãn vừa có thêm động lực trong cuộc sống.
Cô bé mạnh mẽ, cá tính Laura (Melissa Gilbert) và người chị gái dịu dàng, ham học - Marry (Melissa Sue Anderson) đã cùng nhau học được những bài học cuộc sống, trong đó, không ít lần những bài học đến từ mâu thuẫn với cô bạn học xấu tính - Nellie Oleson.
Laura, Mary và những người con khác trong gia đình Ingalls đã được nuôi lớn và dạy bảo trong tình yêu thương ấm áp của cha mẹ.
Câu chuyện của nữ nhà văn Wilder xoay quanh những người nông dân sống ở miền tây nước Mỹ hồi cuối thế kỷ 19. Những tưởng bối cảnh chuyện phim không có tính phổ quát, nhưng người xem ở nhiều thế hệ và vùng đất vẫn luôn yêu mến bộ phim, để đến hôm nay bộ phim được xem như một huyền thoại trong lĩnh vực phim truyền hình của Mỹ.
Sức hấp dẫn bền bỉ của "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" đến từ sự cân bằng hoàn hảo giữa những điều ngọt ngào và cay đắng trong cuộc sống, để vừa đủ sự êm dịu, vừa đủ sức thuyết phục đối với người xem.
Vẻ đẹp của sự đơn giản trong nếp sống bình yên nơi miền quê
Sự đơn giản trong "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" là một điều đáng đề cập hàng đầu trong sức hấp dẫn của phim. Ở phần đầu của phim, khi những đứa con của nhà Ingalls còn nhỏ tuổi, chuyện phim diễn ra thật đơn giản, chậm rãi, vui tươi và dễ chịu.
Phim khiến người xem nhớ về những ngày tháng ấu thơ của chính mình, về một quãng thời gian tươi đẹp trong cuộc đời họ, sống vô tư, vô lo vô nghĩ, có được nhiều niềm vui một cách dễ dàng. Cuộc sống trong "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" ở giai đoạn đầu tựa như một kỳ quan, người xem như cảm nhận được cả thảm cỏ mềm mượt trải ra dưới chân những đứa trẻ nhà Ingalls.
Có bao giờ bạn xem cảnh mở đầu của mỗi tập phim và ao ước rằng mình được bước đi, chạy nhảy và ngủ thiếp đi trên cánh đồng hoa dại của triền đồi nên thơ ấy?
Vẻ đẹp của sự chăm chỉ lao động: Giá trị của mỗi con người phản ánh qua lao động
Sự nỗ lực trong lao động chính là vẻ đẹp thứ hai trong "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên". Những người nông dân trong phim dường như có thể đương đầu và xử lý bất cứ vấn đề nào mà họ gặp phải bằng cách lao động chăm chỉ, nỗ lực hết sức mình, biết hy sinh bản thân một chút, vì cộng đồng một chút và sau cùng, với sức mạnh của tập thể, mọi khó khăn sẽ có thể vượt qua.
Có những lần gia đình Ingalls rơi vào cảnh khó khăn hiểm nghèo, nhưng họ luôn được người dân trong thị trấn giúp đỡ và ngược lại, khi biết trong thị trấn có người đang gặp khó khăn và cần được giúp đỡ, nhà Ingalls cũng không nề hà.
Tất cả họ đều là những con người yêu lao động, hăng say lao động để cùng vun đắp cho một cuộc sống tốt hơn, cho bản thân, cho người thân và cho cả cộng đồng.
Trong gia đình Ingalls còn có chất keo kết dính nên thơ đến từ… cảnh hàn vi. Chẳng hạn, khi người mẹ - bà Caroline Ingalls cần có một chiếc bếp mới nhưng không đủ tiền mua, Laura đã khóc vì quyết định sẽ bán đi chú ngựa Bunny của mình để có thể giúp mẹ có bếp mới.
Bà Caroline cũng đã khóc khi biết ý định của con gái, bà biết Laura rất yêu mến chú ngựa Bunny, nhưng ông Charles Ingalls đã thuyết phục vợ nhận ý tốt của con gái. Trong những vấn đề mà gia đình Ingalls gặp phải, sau cùng họ sẽ tìm ra giải pháp, có những giải pháp không đưa lại niềm vui trọn vẹn cho tất cả, như trong tình huống kể trên, có cả sự xót xa, sự hy sinh...
Nhưng qua đó, sự việc lại làm nổi bật lên tình yêu thương gia đình của cô bé Laura. Mỗi nhân vật trong gia đình Ingalls đều được trao cho những tình huống để thể hiện bản lĩnh, tình yêu thương, sự nỗ lực của mình trong cuộc sống gia đình đầy khó khăn nhưng cũng không thiếu sự vui vẻ, ấm cúng.
Những xúc cảm nhẹ nhàng, đẹp đẽ trong "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên"
Những xúc cảm đẹp trong phim là yếu tố thứ 3 giúp "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" chạm được tới trái tim người xem nhiều thế hệ. Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta nhiều khi quá bận rộn trong guồng quay để có thể thực sự quan tâm tới những xúc cảm của mình. Cũng có nhiều khi chúng ta muốn giấu đi sự mong manh, nhạy cảm của mình, những phút giây buồn bã, những giọt nước mắt...
Cuộc sống hiện đại và mạng xã hội ưa chuộng những nụ cười, vẻ hạnh phúc, vô tư, chúng ta không cho phép mình có những phút giây yếu đuối, ít nhất cũng không muốn bộc lộ sự yếu đuối ấy cho người khác thấy, bởi thành công đồng nghĩa với sự tự tin, mạnh mẽ, vui tươi...
Nhưng "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" không thiếu những tình tiết khiến người xem xúc động và bản thân các nhân vật trong phim thì khóc nức nở. Tình huống Laura bán ngựa để giúp mẹ có bếp mới, tình tiết cơn bão ập đến phá hoại tất cả mùa màng, hay chuyện Mary bật khóc vì không đoạt giải quán quân trong một cuộc thi toán…
Những tình huống nhỏ nhưng chứa đựng nhiều cảm xúc, các nhân vật trong phim bật khóc, người xem rớm lệ, và chúng ta chợt hiểu rằng đôi khi đa cảm một chút cũng tốt, khóc một chút cũng tốt, giải phóng cảm xúc một cách tích cực và chân thực là một trong những điều đẹp đẽ mà ta có thể dành cho chính mình và những người xung quanh.