Ngôi chùa “độc nhất vô nhị ở Việt Nam” có những ngọn nến 50 năm chưa tắt…
(Dân trí) - Những ngày xuân, đường Tôn Đức Thắng thuộc địa bàn khóm 1, phường 5 (TP Sóc Trăng), nơi có ngôi chùa độc nhất vô nhị ở Việt Nam luôn tấp nập khách hành hương đến tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của ngôi chùa. Đó chính là chùa Đất Sét với những ngọn nến “khủng” khoảng 50 năm mới tắt, những cây hương vài năm mới tàn.
Chùa Đất Sét có tên chữ là “Bửu Sơn tự”, nhưng người dân quanh vùng vẫn quen gọi với cái tên giản dị chùa Đất Sét bởi đây là nơi có 1991 pho tượng Phật lớn nhỏ; 2 ngôi tháp; 1 tòa sen; 4 con linh thú; 4 cặp đèn cầy (nến) cao 2,6m; 3 cây nhang (hương) lớn, mỗi cây cao 1,5m và nặng 50kg; 1 chùm đèn Lục long đăng,…đều được làm bằng đất sét.
Chùa Đất Sét tọa lạc trên một diện tích khoảng 400 m2. Cổng tam quan được xây kiên cố, lợp ngói. Ngôi chánh điện ngó về hướng Đông. Phần mặt tiền của điện được xây kiến cố bằng vật liệu thời hiện đại, hai cột chính có đắp nổi hình rồng uốn lượn khá tỉnh xảo. Phần còn còn lại của điện chỉ là cột gỗ, mái tôn, không lầu và có kết cấu đơn giản. Cả mái chùa được chống đỡ bằng 24 cây cột cây. Mỗi cây được ốp bằng đất sét, đắp hình rồng uốn lượn và những hoa văn trang trí khác.
Theo lời kể của ông Ngô Kim Quang, người quản lý chùa hiện nay, trước đây chùa Đất Sét chỉ là một am nhỏ được xây dựng vào năm 1906 do ông Ngô Kim Đính khởi dựng. Chùa là của dòng họ Ngô tự lập để tu tại gia. Mãi đến đời trụ trì thứ tư, ông Ngô Kim Tòng (1909 - 1970) đã tôn tạo, mở rộng thêm để có ngôi Bửu Sơn tự như bây giờ.
Khi còn nhỏ, ông Ngô Kim Tòng hay đau ốm bệnh tật. Đến năm 1929, lúc ấy Ông 20 tuổi thì lâm bệnh nặng tưởng không qua khỏi, gia đình chỉ còn cách đưa ông Tòng lên ngôi chùa trên núi thuộc tỉnh An Giang để chữa trị và cầu khấn trời Phật. Vừa uống thuốc vừa tập ngồi thiền, tĩnh tâm, dần dần ông đã khoẻ lại và đã quyết tâm đi tu khi mới ở tuổi 20.
Khi còn trẻ, ông Ngô Kim Tòng đã say mê nặn tượng lấy nguyên mẫu từ những bức hoạ đơn sơ trên bàn thờ Phật của cha, những vật dụng hàng ngày, cây trái quanh nhà đã trở thành đề tài phong phú cho ông thả sức nặn với chất liệu chủ yếu là đất sét quanh vùng. Sau khi lành bệnh ông đam mê và bắt tay vào nặn tượng, thay cha gìn giữ chăm sóc ngôi chùa từ những năm 1930 đến 1970.
Nguyên liệu dùng cho việc nặn tượng chủ yếu bằng đất sét, do ông Tòng đào từ những cánh đồng cách chùa vài cây số, đem về phơi khô, rồi bỏ vào cối dùng chày giã nhuyễn cho mịn ra, lọc hết tạp chất, rễ cây, rễ cỏ, lấy đất mịn trộn cùng mạt cưa làm nhang (bột hương) và keo ô dước tạo thành một hỗn hợp dẻo thơm.
Lúc đó, ông mới bắt đầu nặn tượng, những bức tượng mịn màng, không nứt nẻ. Ngoài ra, ông còn nghiên cứu và ứng dụng cách đỡ cho việc nặn tượng đạt yêu cầu thẩm mỹ cao bằng cách dùng lưới kẽm, cây gỗ dựng sườn, sau đó dùng vải mùng bao lại và đắp nguyên liệu hỗn hợp làm tượng lên, bề ngoài được phủ bằng một lớp sơn nước kim nhũ và dầu bóng. Không chỉ có đôi tay khéo léo, tài hoa mà với tư duy tưởng tượng vô cùng phong phú của ông hàng trăm bức tượng lớn, nhỏ được hình thành mà không trùng lắp. Mỗi tượng một vẻ, thể hiện rõ cái thần sắc trên từng khuôn mặt. Đó còn là kết quả từ cái tâm của người có lòng hướng Phật, sự miệt mài cần mẫn, lặng lẽ nhưng mang lại vị ngọt cho đời.
Nến cháy suốt 50 năm chưa tắt
Chùa Đất sét không chỉ nổi tiếng bởi hàng ngàn bức tượng làm bằng đất sét mà còn được du khách biết đến bởi 3 cây nhang (hương) và 04 cặp đèn cầy (nến) khổng lồ.
Những cây nến cháy suốt 50 năm ở chùa Đất sét chưa tắt
Theo ông Ngô Kim Quang, những năm cuối đời, ông Ngô Kim Tòng không đúc tượng mà tiến hành đúc đèn cầy dựng trong chính điện chùa. Để đúc đèn cầy, ông mua sáp bạch lạp - loại sáp nguyên chất không lẫn tạp chất từ Sài Gòn về (có nguồn gốc từ Pháp gọi là parafin), chặt vụn sáp nguyên khối nấu chảy ra rồi mới đúc đèn. Do các đôi đèn này có kích thước quá lớn nên ông Tòng đã dùng tôn lợp nhà làm khuôn, sáp đổ vào chảo lớn nấu liên tục ngày đêm cho nóng chảy rồi đổ vào khuôn tôn có chiều cao 2,6m, phía ngoài khảm thêm chữ và hình rồng vàng lúc ẩn, lúc hiện uốn lượn theo thân đèn. Sau một tháng, các đôi đèn mới khô hẳn, khi dỡ bỏ khuôn, các đôi đèn này tự nhiên có hình dợn sóng của các tấm tôn. Mấy tháng ròng liên tục làm như vậy, ông đúc được sáu cây đèn cầy lớn (3 cặp), mỗi cây nặng 200 kg, ước tính mỗi cặp cháy liên tục ngày đêm phải mất hơn 50 năm và hai cây đèn cầy nhỏ mỗi cây nặng 100 kg, cặp đèn cầy nhỏ 100kg này bắt đầu được thắp lên vào ngày 18 tháng 07 năm 1970, đó là ngày ông Ngô Kim Tòng viên tịch. Đến nay đã 47 năm nhưng vẫn còn khoảng 50cm, dự kiến sẽ đốt thêm được khoảng 4-5 năm nữa mới hết.
Nét độc đáo của những chiếc đèn cầy này là khi đúc, ông Ngô Kim Tòng đã nghiên cứu và đúc thành công đến mức dù đốt cháy liên tục nhưng sáp không bao giờ bị chảy ra ngoài mà luôn dồn vào bên trong. Ngoài ra, trong chùa còn lưu giữ 3 cây nhang (hương) mỗi cây cao 1,5m, nặng 50kg, nếu thắp lên chắc vài năm mới tàn.
Chùa Đất Sét không nổi tiếng về kiến trúc xây dựng bên ngoài cũng như không quy mô bề thế về diện tích nhưng lại là một ngôi chùa độc đáo. Trong tâm niệm của du khách gần xa, đây được xem là ngôi chùa có một không hai ở Việt Nam, là nơi “tịnh tâm” lý tưởng cho mọi du khách với không gian tuy không rộng nhưng thoáng mát, yên tĩnh.
Ngày 10/12/2010 UBND tỉnh Sóc Trăng đã công nhận Bửu Sơn tự là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Đặc biệt, ngày 18/7/2013, tháp Đa Bảo và Bảo Tòa Liên Hoa của chùa đã được tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là Kỷ lục Việt Nam.
Cao Xuân Lương