Ngôi chùa cổ nổi tiếng ở cố đô Hoa Lư bị vẽ bẩn khắp nơi
(Dân trí) - Được mệnh danh là ngôi chùa "đẹp thứ nhì trời Nam" nhưng hiện nay chùa Bích Động (Ninh Bình) đang bị xâm phạm nghiêm trọng; nhiều nơi trong chốn linh thiêng bị du khách vẽ bậy, viết chi chít.
Chùa Bích Động được hình thành năm 1428, đầu thời Hậu Lê. Ban đầu, nơi đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ trên đỉnh núi (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) thuộc dãy núi đá vôi Trường Yên.
Năm 1705, hòa thượng Trí Kiên và Trí Thể trong quá trình đi truyền bá đạo Phật, đến đây thấy núi Bích Động có địa thế tuyệt đẹp nên đã quyết định dừng chân và cùng nhau tu sửa, xây dựng ngôi chùa. Sau thời gian, hai vị hòa thượng đã quyên góp được tiền và xây dựng 3 chùa nằm trong quần thể Bích Động.
Từ xa xưa, Bích Động đã là ngôi chùa cổ, độc đáo nổi tiếng bậc nhất ở Ninh Bình; ngôi chùa này cũng được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhị động" (động đẹp thứ nhì của trời Nam sau Hương Tích ở Hà Tây). Kiến trúc chùa Bích Động được xây dựng theo kiểu chữ "Tam" (Hán tự) gồm ba tòa không liền nhau, nằm ở các bậc tam cấp dọc theo sườn núi, từ thấp lên cao có 3 ngôi chùa riêng biệt là Hạ, Trung và Thượng.
Quần thể chùa Bích Động có chùa, núi và động bổ sung cho nhau tạo nên vẻ đẹp hài hòa, sự linh thiêng giữa chốn núi rừng hoang vu xung quanh đầy những cây đại thụ xanh biếc. Chính vì thế, từ lâu chùa Bích Động luôn được nhiều người dân và du khách đến dâng hương và vãn cảnh chùa.
Tuy nhiên, hiện nay một thực trạng đáng buồn là ngôi chùa "đẹp thứ nhì trời Nam" này đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. Theo đó, nhiều nơi trong khuôn viên của ngôi chùa cổ đã bị du khách vẽ bẩn, viết bậy chi chít, tạo nên hình ảnh rất phản cảm trong trốn linh thiêng cổ tự. Có chỗ, du khách còn viết chữ, bào mòn cả những chữ Hán cổ trong chùa làm biến đổi đi ý nghĩa của văn tự...
Ni sư Thích Đăng Thọ, Trụ trì chùa Bích Động cho biết, những vết vẽ, viết bậy trong chùa xuất hiện từ nhiều năm trở lại đây. Việc này xảy ra là do ý thức kém của một bộ phận du khách, chủ yếu là giới trẻ. "Nhà chùa cũng thường xuyên nhắc nhở du khách để nâng cao ý thức bảo vệ chốn linh thiêng, nhưng tình trạng này không thuyên giảm", Ni sư Thọ buồn bã nói.
Thái Bá