Ngọc Anh “Đừng mong Adam chỉ cắn một miếng táo”

Lần đầu tiên mở lòng nhiều đến thế về hai chữ “đại gia”, về cuộc hôn nhân cũ... Nhưng câu chuyện mà Ngọc Anh chia sẻ lại nhuốm một vẻ chua chát hơn là mãn nguyện.

 
Đàn ông hay thất hứa là bởi họ thích nhập nhèm

Nhà đẹp, xe đẹp, con ngoan, sự nghiệp ổn định… Vậy, điều còn thiếu là gì?

Đàn ông - Ý chị là thế chứ gì? Đấy là chị nghĩ nhé! Còn tôi thì không. Vì tới giờ này, đàn ông với tôi có cũng được, mà không có cũng chẳng sao. Dù nhìn tôi, ai mà tin được là tôi đang không yêu ai cơ chứ? Nhưng tôi thì tôi đoán chắc giờ tôi khó tìm được người đàn ông nào hơn tôi lắm! Và nếu thế, thì thà ở vậy cho rồi!

Trông chị thế này, gái một con, đàn ông họ sẽ dùng từ “nõn nường” đấy nhé! Thế, mà không yêu thì phí nhỉ?

Không, vẫn yêu chứ, sao lại không nhỉ? Mặc dù, đôi lúc cũng chả cần yêu…
 
So với thời điểm tôi từng gặp chị là lúc chị vừa mới cưới và đang mang bầu đứa con đầu lòng, giọng điệu của chị lúc ấy có đâu chua chát thế này…

Có khi chị nói đúng đấy, vì cái nhìn của tôi về đàn ông ở thời điểm này chắc không còn được trong sáng như xưa. Tôn trọng thì cũng đã từng tôn trọng rồi, yêu thương thì cũng đã tận cùng của yêu thương, tận 9 năm trời chứ có ít đâu, rồi mới làm đám cưới. Vậy mà, không biết sao, sụp đổ nhanh kinh khủng…

Như người ta vẫn bảo, vợ chồng, nếu như cố vượt qua được 3 năm đầu, là coi như qua được cái “cửa tử” thứ nhất, gọi là công đoạn “dạo nhạc”…

Nào có được 3 năm! Tệ là con vừa được 3 tháng, đã phải tính chuyện ly thân “tại gia”, tới lúc con 8 tháng, tình hình chẳng đỡ hơn, lại phải ly thân 2 nhà. Vài tháng sau thì ly hôn. Mỗi giai đoạn đâu mất như tầm vài tháng, thế thôi mà cũng đủ kết liễu một cuộc tình 9 năm! 9 năm ấy, người yêu là thần tượng, cuộc tình ấy là lý tưởng. Và cũng chính bởi là thần tượng, nên khi sống cùng nhà, thần tượng mới dễ sụp đổ…

Trông “la đà” như Ngọc Anh mà có thể có một cuộc tình kéo dài tới tận 9 năm ?

Nhầm đấy! Trông tôi “đầu mày cuối mắt” thế thôi, nhưng chính xác là tuýp nặng tình. Đã yêu là yêu sống yêu chết, là đúng nghĩa “quên cả đường đi lối về” đấy chứ! Nhưng một mặt, yêu đương cũng rất trong sáng, nên mới yêu lâu được đến thế, suốt tận từ lúc cấp 3 đến ngang nửa cái bằng thạc sĩ kia mà, thì cưới…
 
Ngọc Anh “Đừng mong Adam chỉ cắn một miếng táo”

Thực ra, tôi không mấy tin vào những con số định lượng 3 năm hay 9 năm cho một cuộc tình đâu nhé! Vì nhiều khi là “làm tròn” với nhau cho… sang thế thôi, chứ thực ra, đứt gãy, thất thoát nhiều lắm, nhất là ở chặng cuối…

Cái đấy thì tôi công nhận! Bên nhau lâu quá, tới lúc, nhiều khi nói thật là cũng chẳng còn yêu nhau nữa đâu, nhưng vì quá tôn trọng tình nghĩa, vì nặng gánh kỷ niệm… mà dứt áo không đành! Chứ đúng ra, là trước khi làm đám cưới, cũng đã từng có những dự cảm xấu, chứ không phải là không…

Sụp đổ lớn nhất là gì?

Là sự thất hứa. Đàn ông, tôi ghét nhất ở họ là chuyện thất hứa. Không làm được thì cứ bảo là không làm được, làm sao mà phải hứa, để rồi thất hứa? Trong khi, tính tôi thì quyết liệt, nguyên tắc, đã nói A thì phải là A, chứ không thể là A’. Cái gì nó đúng thì thôi chứ!

Ngộ nhỡ là nguyên nhân khách quan thì sao?

Đấy, thì mẹ tôi nhiều lần cũng bảo: "Thôi vừa vừa thôi con ơi!". Nhưng khổ nỗi, cái tính tôi, nó không vừa vừa được! Sao nhỉ, nó gần như là một nguyên tắc sống của mình rồi, đã đi vào máu! Khách quan là thế này chứ gì: Giả hạn, anh hứa anh sẽ đến, nhưng vì anh chưa xử lý xong một việc, nên anh không đến được, anh thất hứa. Trong khi, lẽ ra, anh hoàn toàn có thể gác việc đó lại, để giữ lời hứa của mình. Những kiểu xử sự như thế, đổ lỗi cho khách quan như thế, thường thì tôi không đánh giá cao. Mà đàn ông hay thất hứa, chị biết thường là vì sao không? Nói thẳng toẹt ra là vì họ thích nhập nhèm, vì cái kiểu không rõ ràng ấy thường có lợi cho họ hơn. Còn thì tội vạ đâu, đàn bà gánh tất…

Nhưng nếu là, như người ta vẫn nói: đàn bà lấy chồng, lãi nhất là đứa con, thì xét cho cùng, mình cũng đâu có lỗ?

Con cái là quan trọng, nhưng không thể nói đó là lãi lời. Tới giờ này, bố mẹ tôi về được lại với nhau, cũng chính là nhờ con cái. Nhưng như tôi đây, thì lại khác. Hình như tôi còn bị chứng trầm cảm sau sinh. Có thời gian sinh con chừng 3 tháng sau, tôi tự dưng chỉ muốn được ra đảo sống một mình, thậm chí còn chả cần con. Cuối cùng, đành phải dùng liệu pháp mạnh là đi du lịch…

Nhìn cái cách bố mẹ quay lại với nhau mà chị không học được gì sao?

Sự dứt bỏ, nếu là không đáng thì quay về là cần thiết. Nhưng nếu ai biết rõ chuyện của chúng tôi thì cũng đều nhất trí là nên bỏ…

Không ngoại trừ, những cặp vợ chồng trẻ lúc này dễ dàng bỏ nhau còn là vì ai cũng yêu mình quá, để mà có thể hy sinh cho cái chung là tổ ấm, và những đứa con?

Chuyện này…, thôi được rồi, bỏ qua chuyện của tôi đi! Thì sao nào? Một cặp vợ chồng nếu là bỏ nhau vì những chuyện lớn như: cơm áo gạo tiền, danh vọng, quan điểm sống vênh nhau hay anh chồng suốt ngày nay chạy theo cô này mai cô khác thì là chịu, đúng không? Nhưng cũng có những cặp bỏ nhau vì những lý do không đâu. Nhưng những lý do không đâu ấy, có khi lại chỉ là dưới con mắt của người ngoài. Còn với người trong cuộc, có những chuyện tưởng như rất nhỏ nhưng dần dà, nó lại là chuyện lớn. Hoặc giả, khi đang yêu, thì nó là chuyện nhỏ, vì người ta có thể dễ dàng bỏ qua cho nhau hơn, cũng như luôn có thể cố gắng hết sức mình cho một việc nhỏ. Nhưng tới khi lấy nhau, thường thì đàn ông người ta chỉ còn để tâm đến những việc lớn mà bỏ qua việc nhỏ. Chỉ đến khi đứng trước miệng vực ly hôn thì mới hiểu rằng những việc nhỏ ấy đã thành to chuyện…
 
Ngọc Anh “Đừng mong Adam chỉ cắn một miếng táo”

Thanh Lam cũng từng nói với tôi rằng: Lúc sinh đứa con thứ 3, chị ấy cũng gần như rơi vào trầm cảm vì những quãng nghỉ liên tiếp, giữa lúc sự nghiệp đang ở đỉnh cao. Chuyện với Quốc Trung, vì thế có thể ít nhiều liên quan đến chứng trầm cảm đó... Vậy lỗi chắc gì đã là do người đàn ông của chị thất hứa?

Cũng có thể vì lúc mới sinh xong, tôi cũng nôn nóng đi diễn lại. Lúc ấy lại xảy ra nhiều việc trong gia đình nữa, vợ chồng thì không được hòa thuận cho lắm nên tôi mới gần như rơi vào trầm cảm đấy chứ! Thế nên, cái mình tưởng là nguyên nhân, biết đâu lại là hậu quả…

Oải nhất là dạng đàn ông “dở ông dở thằng”!

Tôi nhớ là chị từng dành cho “cựu chồng” những lời trân trọng, ngay cả khi đã chia tay kia mà nhỉ, về cách anh ấy yêu con, chăm con…?

Thì đúng anh ấy là người đàn ông yêu vợ, yêu con mà! Về cơ bản là được! Nhưng có thể, do được sinh ra trong một gia đình quá đầy đủ nên ít nhiều anh ấy hơi an phận thủ thường, hơi dễ bằng lòng với những gì có sẵn. Cách anh ấy nghĩ về gia đình, chăm sóc tổ ấm cũng có phần hơi trẻ con, hơi đơn giản quá, không giống như một người đàn ông trưởng thành… Ôi nói chung là khi nói ra thì vẻ như mình có nhiều yêu cầu quá, nhưng hình như, đã là 2 con người ấy thì không nên ở với nhau, cái chân ấy thì không đi cái giày ấy được, chứ không hẳn là vì cái giày ấy xấu…

Cái giày ấy có thể không xấu, nhưng biết đâu, khi mình nổi tiếng, mình dễ bề được nhiều đàn ông có máu mặt hơn, tài cán hơn để mắt, thì mình cũng có thể cần một cái giày khác cao hơn, lóng lánh hơn không?
 
 Đồng ý, khi trong gia đình, tôi là người kiếm được nhiều tiền hơn anh, thì lẽ đương nhiên, anh có cái khó của anh, và tôi cũng có cái khó của tôi chứ! Khó tới nỗi, cho dù tôi có cố tỏ ra bình thường thì anh cũng không bình thường được kia mà! Chị nghĩ mà xem! Gia đình hai bên đều có những khoản chi như nhau, những nghĩa vụ báo đáp như nhau, vậy lúc đó, như thế nào đây? Đàn ông dù ở địa vị cao hay thấp thì sự tự tôn quá cũng đều có nguy cơ dẫn đến tự ti. Bi kịch bắt đầu từ việc họ cảm thấy mình không thể hoành tráng được trước mắt vợ, tại sao vợ mình lại nổi trội hơn mình... Trong khi, về phía tôi, cái tôi cần ở đây, lại chỉ là một bờ vai ấm. Như bố tôi, khi người kiếm tiền chính trong nhà là mẹ tôi, thì bố tôi đã nguyện lo toan bếp núc, nhà cửa, để được là bờ vai ấm cho vợ mình…

Vụ “bờ vai ấm” này nghe chừng không ổn nhỉ? Không kiếm được tiền thì… ở nhà quét nhà - phũ phàng thế sao?

“Bờ vai ấm”, ý tôi không hẳn chỉ là thay vợ quét nhà, rửa bát… Nhưng một mặt, anh cũng không thể bắt vợ anh vừa kiếm được tiền lại vừa phải chu toàn nhà cửa, vừa là nô lệ tình dục kiêm osin… - Tại sao? Chị không thấy bất công sao? Mà nào tôi có cần nhiều nhặn gì đâu, chỉ là một cốc nước mát khi vừa ở ngoài đường về, một câu nói ấm lòng lúc chếnh choáng… Còn nếu không đủ sức làm được một bờ vai ấm cho vợ con thì anh phải trên cơ tôi đi, phải hơn hẳn tôi đi và đừng bao giờ quan tâm đến những đồng tiền tôi mang về nhà…

Nghĩa là, để yên ổn, chị chấp nhận sự hoán đổi?

Đúng, tôi chấp nhận! Còn hơn là phải ở với một tay dở ông dở thằng, đã không kiếm được tiền, không lo được cho vợ con lại còn muốn thế này thế nọ. Nói thật, tôi thấy có nhiều kiểu “dở ông dở thằng” như thế lắm! Kể cả mấy anh ra đường trông có vẻ hào hoa, nhưng đến khi về nhà, thì trời ơi, vợ con hứng đủ!

Hic, nghĩa là, không kiếm được tiền thì đồng thời, không có tiếng nói?

Tiếng nói, lúc đó, nó là sự sẻ chia, động viên vợ về mặt tinh thần, những lúc vợ mệt mỏi, áp lực – không được sao? Đương nhiên là cũng đừng nuông chiều quá để vợ mình thành một bà chủ…

Có phải vì thế mà sau khi về lại với tự do, chị đã đi tìm một thế cân bằng khác: “trên cơ” mình?

Đúng!
 
Ngọc Anh “Đừng mong Adam chỉ cắn một miếng táo”
 
Tôi nhớ là hồi xưa, cứ mỗi lần bị chê nấu cơm nhão thì y như rằng hôm sau kiểu gì tôi cũng nấu cơm khê… Sửa sai chưa bao giờ là chuẩn!

Chị nghĩ là tại chị sao? Nhưng biết đâu, đó là tại gạo? Rằng, loại gạo ấy, thì kiểu gì nó cũng ra cái thứ cơm ấy, dù cũng với bằng ấy nước, bằng ấy dầu đèn củi lửa. Để có cơm ngon thì quan trọng nhất vẫn là chất liệu gạo. Tuy nhiên, vì tôi là người rất khéo nấu nướng nên ngay lập tức tôi sẽ có cách lý giải vì sao hôm ấy cơm khê. Và vì thế, sang hôm sau chắc chắn sẽ có cơm ngon...

Cơm ngon, có chưa, thật không?

Chị nghĩ là sao? Đấy là tôi đang nói chuyện nấu cơm. Chứ nếu như là trong ý của chị, thì đương nhiên phải là “cơm khê” thì giờ này tôi mới ngồi đây một mình chứ!

Và đang cố lý giải vì sao cơm lại khê?

Không, chỉ nghĩ là ai thì xứng với việc đánh đổi sự tự do mà mình đang có. Khi mỗi cuộc tình đi qua, mình chai sạn đi rất nhiều, mình lại là cái đứa yêu rất tốn thời gian nữa, nên làm lại lúc này, câu hỏi đầu tiên chắc chắn phải là: Có đáng?...

Đàn ông thì tham, đàn bà thì hay hoang tưởng…

Chị có tin vào cổ tích không?

Một đồng nghiệp lớn tuổi từng đi qua đổ vỡ nói với tôi rằng: "Con ơi, đừng tin thằng chồng sau nó sẽ tốt hơn thằng chồng trước, khó lắm! Vì nếu đàn ông thành đạt thì đừng mong họ trong sáng, đàn ông đẹp trai thì đừng mong họ chung tình, đàn ông vừa giỏi vừa giàu lại vừa đẹp trai nữa thì chắc chắn luôn đi kèm đào hoa… Chỉ có đàn bà mình là không nguôi hy vọng thôi!". Nhưng dẫu sao thì tôi vẫn tin rằng có những câu chuyện cổ tích dùng được cho cả trẻ con và người lớn.

Vậy, lúc này, chị chờ đợi người đàn ông nào?

Thực sự là nếu để chọn, tôi vẫn luôn mong mỏi hơn hết một bờ vai ấm. Mình càng ở đỉnh cao, càng được săn đón, thì khi về đến nhà, mình càng cần một vòng ôm đủ ấm để mình có thể rúc vào đó mà ngủ. Đời nghệ sỹ, trông thì ồn ào lấp lánh thế thôi, nhưng kỳ thực, nhiều lúc chống chếnh cô đơn lắm, không hiểu sao... Vậy, nếu như không thể đồng hành, chia sẻ, thì làm ơn, để yên đi! Sau tất cả, tôi thấy, người đàn ông tôi tôn trọng nhất vẫn là người đàn ông biết mình biết người – thế thôi đã đủ để hơn mình rồi! Nào có ai bảo khi mình nóng giận mà người đàn ông của mình xuống nước thì đó là một thằng hèn và nhu nhược đâu! Không đúng! Không phải!

Vậy, chị từng gặp được người đó chưa?

(ôm đầu) Chưa! tôi chưa!

Nhưng ít ra là cũng đã gặp được người chịu lo cho mình?

Đúng!

Sự ấm áp, có không?

Có chứ! Và “ấm” ở đây không phải ở chỗ họ giàu hay nghèo mà là họ chịu bỏ tiền cho mình. Họ không nói suông. Nói thật là tới giờ này tôi ngán các thể loại nói suông lắm rồi, dù là những lời có cánh! Ăn thua là khi anh thấy bạn gái anh vất vả, anh có dám bỏ tiền ra lo cho bạn gái mình đỡ vất hay không? Cũng giống như trong nhà, con cái cứ bảo thương bố mẹ, nhưng không lo cho bố mẹ, ích gì? Chứ bây giờ, yêu nhiều yêu ít, chả biết đâu được! Vì người ta có mất tiền để nói đâu, nói sao chả được!

Ôi nhưng nếu không có tiền thì tiền đâu mà sưởi ấm?

Thế này: nếu như anh có 1000, mà vì yêu tôi, anh dám bỏ hết cả 1000 ấy cho tôi, thì cũng còn hơn chán vạn cái anh có 1 tỷ, nhưng chỉ dám bỏ ra cho tôi có 1000 trong số ấy…
 
Nhưng nếu là 1/2, đủ không?

Nhưng nếu là 1/2, đủ không?

Nó cũng còn tùy hoàn cảnh, còn tùy thuộc vào cái thế của chị, vị trí của chị ở đâu, trong những “phép cân đối” của anh ta…

Vậy nếu chị là người đến sau, hoặc cái sự lo cho nhau ấy nó đến vào lúc “anh đang ràng buộc”, thì sao? Sự áy náy, có không?

Tôi thấy, đàn ông thì tham, đàn bà thì hay hoang tưởng, nên mới hay làm nên những câu chuyện buồn cười trong tình yêu! Và cũng chính vì hoang tưởng, mà không ít người đàn bà đã tự giày vò dằn vặt rằng mình đang làm tổn hại đến hạnh phúc gia đình nhà người ta. Nhưng nói thật nhé, chưa chắc đã làm tổn hại được gia đình nhà người ta đâu, thật đấy! Vì thường thì, đàn ông đã ở vào tầm đấy rồi, họ giỏi cắt đặt mọi việc lắm, họ không ngu gì dâng hết cả gia tài của họ, gia đình của họ cho mình đâu, đừng mơ! Nói cho biết để mà còn sợ!

Hỏi thật nhé, vị đắng tình – tiền, chị nếm chưa?

Có những chuyện, nhìn bề ngoài, thì đúng là người ta chỉ có thể thấy được thế thôi: anh cho cô ta tiền, và cô ta cho anh tình. Nhưng kỳ thực, đứng trong cuộc, thì không phải thế đâu, không đơn giản thế đâu! Đại gia, nhìn ở một góc độ công bằng và tích cực, họ hẳn nhiên hầu hết phải là những người có đầu óc chứ, chứ đâu thể ăn may mãi được. Vậy thì người đàn bà họ chọn (không tính chuyện bóc bánh trả tiền) phải là thế nào chứ? Như tôi đây, chẳng hạn, ừ thì cứ cho là có một chút nổi tiếng, tài năng đi, nhưng đâu phải chân dài, đâu quá xinh đẹp, lại đã qua một lần đò, một nách con nhỏ…, thì sao? Chỉ là, những người đàn ông thành đạt, thì thường là họ đã có chủ. Thế nên, nếu như không tiện ở cạnh nhau thì tốt nhất là cứ đứng xa nhau ra, hy vọng tới lúc cuối đời, còn cầm được tay nhau thì cầm…

Tới lúc này, có thấy đàn ông có mẫu số chung không?

Có chứ, tất nhiên! Như đã nói, đấy: sự tham lam! Tham lam, nên mới phải thường xuyên nhập nhèm. Và cái sự nhập nhèm ấy nó dẫn đến nhiều chuyện lắm. Nó giống như cái anh chàng Adam, một khi đã cắn một miếng táo rồi thì đừng mong anh ấy dừng lại, anh ta đã ăn là phải ăn bằng hết nhé! Trong khi, khổ thân đàn bà chúng ta, ngay cả khi đã quay đi rồi, với biết bao nhiêu là ẩn ức, thì cũng vẫn nhẫn nại đợi chờ một sự hồi tỉnh của đoàn tụ. Nói gì thì nói, tôi vẫn đánh giá cao sự nhẫn nại của người đàn bà hơn người đàn ông…

Nhưng chị thì không? Không có chuyện nhẫn nại, nếu như tham lam, thất hứa?

Không thể nói là không nhẫn nại, khi người ta giữ được một cuộc tình 9 năm, và ít nhất, cũng đã từng cho nó một kết thúc có hậu…

Lê Minh Sơn có vẻ khoái câu này, tất nhiên không phải do Sơn nghĩ ra: “Đàn bà cho tình dục để nhận về tình yêu, đàn ông cho tình yêu để nhận về tình dục”, chị thấy sao?

Thôi thì đúng rồi! Câu đấy chắc là đúng đấy! Kể cả một thi sĩ chắc cũng chỉ có thể… nói hay được đến thế mà thôi! Nhưng nên nhớ là đàn ông, ngay cả khi hứng thú tình dục không còn, song bù lại, nếu có những thứ giấy tờ ràng buộc khác, về con cái, về tài sản…, thì thường là họ “chịu đựng” giỏi lắm đấy! Giỏi hơn phụ nữ là đằng khác!
 
 
 
(Theo Đẹp)