Ngô Hoàng Quân và mùa cello mãi mãi

Sợ thời gian trôi nhanh nhưng tôi lại mong tháng 10 sớm hết, để khởi tháng 11 bằng đêm nhạc đợi chờ. Tối 1 và 2/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, chương trình hoà nhạc Gorgeous Night chứng kiến sự “trở lại” của R. Schumann cùng nghệ sĩ Cello Ngô Hoàng Quân.

Ngô Hoàng Quân và mùa cello mãi mãi



1. Những bậc trưởng thượng âm nhạc hàn lâm Việt Nam chưa ai dám khai phá kiệt tác này. Concert cung La thứ viết cho cello và dàn nhạc (DN) mà Ngô Hoàng Quân chơi trong hai đêm 1, 2/11 là dấn thân quả cảm của ước mơ 30 năm. Ở tuổi 56, ông chọn thử thách lớn này, một ý chí bằng hưng khí tuổi trẻ.

Cả tuổi trẻ (từ 1976-1982), Ngô Hoàng Quân là sinh viên xuất sắc của Nhạc viện Tchaikovsky danh tiếng, đồng môn với Đặng Thái Sơn, Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Thiếu Hoa. Cậu học trò cưng của giáo sư Stéphane Timopheivic Kalianov đã chạy archet bằng mắt qua concerto của Schumann. Nó vô cùng phức tạp. Nhưng anh tự hẹn chính mình, tương lai sẽ “tải” được tác phẩm này.

“Cực khó về kỹ thuật và âm nhạc, tôi vẫn quyết làm bằng được, vì nó quá hay”, NSƯT Ngô Hoàng Quân nói.

Gorgeous night (Đêm lộng lẫy) do DN giao hưởng Việt Nam (VNSO) trình tấu dưới sự điều khiển của nhạc trưởng người Anh (sống tại Mỹ) Dorian Wilson, thể hiện các tác phẩm của G. Rossini, L. Bernstein, G. Gershwin. Concerto của Schumann khó nhất, là đỉnh cao khiến bất cứ nghệ sĩ solo nào cũng thán phục, thầm ước mơ, mà Ngô Hoàng Quân sẽ ghi dấu đêm này.

Tháng 10/1850, ở Düsseldorg (Đức), R. Schumann viết tuyệt phẩm này, concerto đầu tiên, duy nhất và cuối cùng ông viết cho cello. Ở tuổi 40, chịu nhiều chấn động tâm lý, khổ đau vì vợ - Clara - yêu người khác, khiến Schumann bùng lên phức cảm sáng tạo và dồn tình cảm đặc biệt ông dành cho cello vào sáng tác này.

Concerto cho cello của Schumann được xếp vào hạng khó nhất trong kho tàng viết cho cello của nhân loại. Nghệ sĩ cello vĩ đại người Nga gốc Do Thái M.Rostropovic tuyên bố rằng ông “rất thích chơi kiệt tác này hơn bất kỳ cello concerto nào khác. Nó là một trong những công trình tốt nhất người ta muốn nghe, âm nhạc tuyệt vời từ đầu đến cuối”.

Ngô Hoàng Quân và mùa cello mãi mãi



2. Phong độ của Ngô Hoàng Quân bền vững và ngày càng cao nghề qua 30 năm trình diễn trong nước và quốc tế, là biểu chứng của hành trình lao động cật lực, đam mê, chân tài và văn hoá âm nhạc đáng nể. Suốt tháng 10, cứ cuối giờ làm việc, Ngô Hoàng Quân lại tập đàn đến 22 giờ mới rời cơ quan. Bữa tối của ông là những gói ngũ cốc và sữa, luôn lệch giờ. Trên tầng 6 toà nhà 32 Nguyễn Thái Học, mỗi khi kết thúc giờ làm việc ông lại trở về bản nguyên đặc thù một nghệ sĩ từ trong máu.

Học cello từ cha (nhạc sĩ Hoàng Dương) khi 5 tuổi, qua 51 năm, đầu các ngón tay trái kết chai. Triệu lần day nốt, cơ man mồ hôi và máu ứa tụ các ngón tay. Một nghệ sĩ cello như Ngô Hoàng Quân không cần xếp vị trí số 1 Việt Nam, ông đã đặt đẳng cấp quốc tế, được bạn bè quốc tế yêu mến, nể phục. Tiếng đàn hay đạt đến bậc thầy, không riêng tuyệt kỹ, còn là tài khí, tâm hồn phong nhiêu, nhạy cảm và duy mỹ của ông, kết tạo từ di truyền văn hoá của dòng họ thi thư.

Một nghệ sĩ như thế chỉ được sử dụng cây đàn chừng 25.000 USD (tài sản Nhà nước trang bị), một trị giá ít ỏi. Trong một nền âm nhạc bị lấn át và lũng đoạn bởi những “cổ họng”, ca sĩ làm mưa làm gió, thậm chí nhũng nhiễu tác quái; thị hiếu ham xem bài giật gân và phao tin đồn, âm nhạc chỉ được hiểu ở mức “ca nhạc”, thì những nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc bác học, các lớp nhà văn, tác giả vắt não ra câu chữ, nhọc nhằn lắm thay!

Ngô Hoàng Quân và mùa cello mãi mãi



3. Cây cello Đức trong lòng, 4 dây căng, rớm máu tay kéo vĩ, từng nốt lại vang lên giai âm của nhạc sĩ Đức, xiết bao gợi cảm. Sự chuẩn xác khi nhấn nốt trên cần đàn không phím, se kết những ngân rung hoà cảm nơi ông cùng tình yêu của mình. Các đầu ngón tay rách da tứa máu, buốt tận óc, quấn Urgo chưa có cơ hội lành, bởi ông còn tiếp tục tập tại tầng 5 trụ sở VNSO gần nhà, đến 3 giờ sáng 1/11.

Để có 25 phút solo tấu trên sân khấu, là 250 giờ tập luyện, 30 năm ước mơ. Thật cảm động, hình ảnh Ngô Hoàng Quân, mồ hôi đẫm mái tóc lọn sóng, túa trên mặt cổ, sũng áo. Tôi đã không kìm giữ nổi nước mắt mình bởi vẻ đẹp lao động ấy.

Mùa này Mátxcơva tuyệt đẹp bởi màu vàng huyền diệu thiên đàng trải khắp những ngả đường và cánh rừng. Ngô Hoàng Quân đã trở lại Mátxcơva 1998 khi dự thi concours J. Bach và năm 1994, tham gia “Những ngày văn hoá Việt Nam tại LB Nga”. Còn bây giờ ông dồn ước mơ tuổi trẻ vào Đêm lộng lẫy. Ông sống lại quãng đời đẹp nhất ở Nga, bằng khát khao và nỗi say nghề từ trong máu, tập đàn cường độ cao, nặng hơn cả lúc luyện thi tốt nghiệp với concerto của nhạc sĩ Czech A. Dvorak (1841-1904).

Khi mùa Thu đến là hoà tấu Ngô Hoàng Quân đã thu ở TP HCM, phòng thu Phú Quang, một trong những người viết nhạc phim thành công nhất. Nhiều bộ phim hay của điện ảnh Việt Nam, như Bao giờ cho đến tháng 10, Vị đắng tình yêu… thành công và được nhớ còn bởi âm nhạc Phú Quang, trong đó phần solo viết cello nhạc sĩ chủ ý dành cho Ngô Hoàng Quân. Văn thái phong lưu, sự hào hoa lịch duyệt của một người Hà Nội gốc toát lộ nơi Ngô Hoàng Quân, qua kỳ thanh mà ông thể hiện. Ông làm tôi bất ngờ về vốn từ dồi dào, sử dụng tinh tế bằng giọng nói nhạc cảm toả ra từ một người Hà Nội có tâm hồn đẹp, đã ảnh hưởng văn minh châu Âu.

4. Tiếng cello lan qua phố cổ Hà Thành, lưu luyến trước số nhà 194 Hàng Bông. Nơi ấy, nhà văn Trúc Khê (1901-1947) đã sống, viết và có những cuộc thi đàm bên bạn hữu, cùng người yêu thầm kín của mình, nữ sĩ Ngân Giang (1916-2002). Nhật ký Trúc Khê để lại mà cháu nội Ngô Hoàng Quân đang giữ là văn liệu quý báu không chỉ của gia tộc họ Ngô, mà còn cho những người yêu văn học.

Trúc Khê, nhà văn, dịch giả thứ hạng của nền văn học VN thế kỷ XX, là một danh sĩ của Thăng Long. Sự uyên thâm Hán học, Pháp văn truyền toả bằng tinh thần dân tộc, luôn muốn “rút ruột” cho nước nhà dù trong mọi thời đoạn qua những tâm nguyện, sản nghiệp viết của một sĩ phu yêu nước. Trúc Khê dịch thuật, biên khảo nhiều tác phẩm giá trị: Kinh Thi, Ức Trai thi tập, Truyền kỳ mạn lục, Lĩnh Nam chích quái, Thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ…Truyện ký danh nhân, M.Gorki, các tác phẩm của Nga, Đức, Ba Lan, Ý, các biên khảo về lịch sử dân tộc, lễ tục, đạo giáo, tùy bút. Qua đời sớm vì bệnh trọng, Trúc Khê - Ngô Văn Triện để lại trên 60 đầu sách. “Tác phẩm lớn nhất” của nhà văn có lẽ là nhạc sĩ, PGS, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Dương (1933), người có công lập khoa Dây trường Âm nhạc Việt Nam, là thầy của nhạc sĩ Nguyễn Cường, NSƯT Trần Thị Mơ…

Nhạc sĩ Hoàng Dương thừa hưởng từ cha tâm hồn giàu có, sự hiếu học. Thiếu nữ Hà thành Khúc Thị Minh Châu (1938) yêu tài đàn nhạc mà thành vợ ông năm 17 tuổi. Bà nổi tiếng là một giai nhân quý phái. Nhan sắc, tâm tài, dung mạo của ông bà sinh thành nên hai người con trai tuấn kiệt: NSƯT thạc sĩ Ngô Hoàng Quân (1956) và TS violin Ngô Hoàng Linh (1959, giảng viên khoa Dây, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).

Thật đáng tự hào và trân trọng một dòng họ ba đời dâng mình cho nghệ thuật, sự thành đạt của họ là kết quả của cống hiến kế truyền liên tục, tinh hoa và toả sáng. Yêu cha và kính trọng những đóng góp của ông, Ngô Hoàng Quân tổ chức đêm nhạc 2/10, mừng sinh nhật 80 tuổi của cha mình; đích thân người con trai cả của nhạc sĩ phối khí, chuyển soạn ca khúc Hướng về Hà Nội (1953) cho DN, Thanh Lam hát. Các ca sĩ nổi tiếng Mỹ Linh, Trọng Tấn, Đăng Dương, Tùng Dương đã nhiệt tình tham gia. Ngô Hoàng Linh đi công tác tại Nhật. Nhưng Ngô Hoàng Quân và Trần Thị Mơ đã solo trong chương trình này.

… Điều còn mãi trong trí nhớ công chúng, sẽ là tiếng đàn gợi cảm, say đắm, giao linh của xúc cảm và kỹ thuật tuyệt vời mà Ngô Hoàng Quân đã hiến dâng qua mấy trăm mùa đã sống. Một năm có 4 mùa, còn với ông, mùa nào cũng là mùa cello.

 
Theo Vi Thùy Linh
 Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm