Nghịch lý thị trường hài Tết 2016: Đĩa thật “tiếp tay” cho đĩa giả
(Dân trí) - Đĩa thật “tiếp tay” cho đĩa giả phát tán đó là nghịch lý có thật đang tồn tại khá phổ biến nhiều năm nay. Thực tế này khiến cho thị trường băng đĩa lậu vốn dĩ đã bát nháo nay lại càng bát nháo hơn.
Khi nhà tài trợ “chi phối” kịch bản
Trong cuộc họp báo ra mắt “Làng ế vợ” và “Đại gia chân đất 6”, đạo diễn Bình Trọng thẳng thắn thừa nhận rằng, các công ty sản xuất băng đĩa dù có mạnh đến mấy cũng khó lòng thoát qua khỏi “cửa ải” mang tên “nhà tài trợ”. Không có nhà tài trợ tức không có nguồn kinh phí hỗ trợ (bên cạnh nguồn vốn xuất phát điểm) thì các nhà sản xuất khó mà kiếm lãi khi vừa sản xuất ra một đĩa hài liền bị đội quân đĩa lậu ăn cắp bản quyền phát tán tràn lan.
Lý do nghe chừng thuyết phục đó khiến các nhà sản xuất buộc phải cài cắm vào kịch bản những màn quảng cáo (sản phẩm, thương hiệu hoặc dịch vụ của nhà tài trợ) hết sức lộ liễu. Rất nhiều khán giả đôi lúc phải nổi “điên” khi tiểu phẩm hài đang ở đoạn cao trào bỗng dưng bị cắt dở để phát quảng cáo mấy phút liền hoặc tiểu phẩm hài đang hay thì thỉnh thoảng trên màn hình lại xuất hiện cận cảnh một sản phẩm, thương hiệu hoặc dịch vụ chẳng liên quan gì đến nội dung phim. Thậm chí, theo luật quảng cáo thì quảng cáo chỉ được xuất hiện ở thời lượng 1/6 trong phim nhưng nhiều nhà sản xuất đã cố phớt lờ bỏ qua điều này để kiếm thêm. Bản thân đạo diễn Bình Trọng cũng thừa nhận các quảng cáo trong đĩa hài Tết của anh còn hơi lộ liễu và anh sẽ cố gắng hài hòa điều này trong quá trình lên kịch bản.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng cho biết, nhiều hãng khi vừa có kế hoạch sản xuất đĩa hài đã lập tức lập hồ sơ để đi xin tài trợ mà thực chất đó là mời quảng cáo trong sản phẩm của mình. Khi đã đủ số tiền hoặc có lãi nhà sản xuất mới bắt tay vào thực hiện sản phẩm. Với dạng này, các nhà tài trợ có quyền chi phối kịch bản hoặc đưa ra những yêu cầu về quyền lợi quảng cáo. Và cũng với cách này, nhiều khi số tiền được tài trợ mà nhà sản xuất có được cao gấp 3, 4 lần chi phí bỏ ra. Đây cũng là cách mà rất nhiều công ty sản xuất băng đĩa quy mô nhỏ ở miền Bắc và miền Nam hiện nay đang áp dụng.
Cá nhân đạo diễn Phạm Đông Hồng lại không làm theo cách đó mà ông tự bỏ vốn ra đầu tư sản xuất một sản phẩm hoàn chỉnh và chất lượng sau đó mới mời các doanh nghiệp quảng cáo hoặc bán lại cho các đài truyền hình địa phương, kênh video trực tuyến... để thu lợi nhuận.
“Tôi xem đĩa hài Tết hay đĩa ca nhạc cũng là một sản phẩm hàng hoá. Đã là sản phẩm hàng hóa thì phải làm cho thật đẹp, thật hay để người ta xem thấy thích đã rồi họ mới hợp tác với mình. Thêm nữa, tôi cũng là người khái tính, nếu cho nhà tài trợ chi phối đến nội dung kịch bản là tôi không chịu. 21 năm trong lĩnh vực sản xuất băng đĩa, nhất là hài Tết tôi thực hiện nhiều đĩa hài dân gian, nếu cứ cho nhà tài trợ đưa các sản phẩm hiện đại vào thì hỏng hết phim”, “cha đẻ” của “Chôn nhời” nói.
Đĩa thật “tiếp tay” cho đĩa lậu
Thực tế là việc “cộng sinh” với nhà tài trợ để thu hồi vốn và kiếm lãi đã giúp các nhà sản xuất tránh được “thảm hoạ” đĩa lậu. Thay vì phải nỗ lực chống nạn đĩa lậu bằng cách cài mã vào file gốc hoặc đóng dấu logo vào phim để hạn chế việc sao chép đĩa thì nay họ lại “bắt tay” với đội ngũ phán tán đĩa lậu để sản phẩm được phổ biến rộng hơn. Càng phổ biến rộng bao nhiêu thì các clip quảng cáo lại đạt hiểu quả bấy nhiêu. Điều này cũng phần nào khiến thị trường băng đĩa lậu vốn đã bát nháo nay lại càng bát nháo hơn.
Đạo diễn Bình Trọng cho rằng, không có cách nào chống lại nạn đĩa lậu bằng cách “sống chung” với nó. “Sống chung” theo ý của vị đạo diễn này chính là “từ chống lại nó tôi quay sang hoan nghênh, thậm chí cổ vũ nó bằng cách làm thật nhiều phim tốt, vì càng nhiều phim tốt thì mới có càng nhiều đĩa lậu, phim càng hay thì in lậu càng nhiều. Đĩa lậu càng nhiều thì càng nhiều người biết đến sản phẩm của mình và các doanh nghiệp cũng biết tới...”.
Những chia sẻ thật thà của vị đạo diễn này dù nghe qua có vẻ hơi đau lòng nhưng đó lại là suy nghĩ chung của nhiều đơn vị sản xuất băng đĩa miền Bắc hiện nay.
Thậm chí, có nhà sản xuất còn khẳng định chắc nịch rằng, họ còn in hàng nghìn tấm bìa đĩa đưa cho các đầu nậu in sao băng đĩa lậu để họ lồng đĩa giả vào đó tung ra thị trường. Việc làm này vừa đạt được hiệu quả về mặt quảng bá thương hiệu của nhà sản xuất lẫn nhà tài trợ, vừa giữ được “linh hồn” của đĩa hài trên mặt hình ảnh, vừa tăng được tính cạnh tranh cho sản phẩm của mình khi tung ra sạp đĩa.
Theo đạo diễn Phạm Đông Hồng thì có nhà sản xuất đĩa hài không phải để thu lợi từ việc phát hành đĩa gốc mà chủ yếu là để phát tán lên mạng hoặc tung cho các đầu nậu đĩa lậu sao chép. Càng phát tán nhiều, hiệu quả quảng cáo càng cao thì năm sau lại càng dễ xin tài trợ hoặc dễ mời quảng cáo hơn.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng chia sẻ, đã từng có thời điểm anh cất công sang tận Hồng Kông để học cách “trị” nạn đĩa lậu nhưng không ăn thua. Vì thế, anh phải “chống” lại vấn nạn này bằng cách làm đĩa thật hay rồi bán bản quyền cho các đài truyền hình địa phương và ký với công ty đối tác của Youtube để phát trên kênh video trực tuyến này. Theo đạo diễn Đông Hồng, năm ngoái anh đã bán bản quyền “Chôn nhời” và “Quan trường - Trường quan” cho 42 đài truyền hình địa phương trong cả nước và Youtube, thu về một món lợi khá hời. Năm nay, với “Chôn nhời 3” và “Trở lại” anh cũng sẽ áp dụng hình thức kinh doanh tương tự.
“Tôi từng có một thời gian rất trăn trở với vấn nạn đĩa lậu. Ai đời bỏ tiền tỷ mới sản xuất một cái đĩa thì vừa phát hành đĩa gốc buổi sáng, buổi chiều ra chợ trời đĩa lậu đã ngập chợ. Đĩa gốc mấy chục nghìn nên không ai mua, người ta toàn tìm mua đĩa lậu vì giá rẻ. Tôi là người kinh doanh nên đứng yên mà nhìn cảnh đó thì chẳng làm được gì nữa. Tôi đã nghĩ ra cách bán bản quyền cho các đài truyền hình và kênh Youtube, cách làm này vừa đảm bảo số đông vẫn xem được phim hài với chất lượng tốt nhất, vừa thu được lợi nhuận một cách hiệu quả. Tuy nhiên, muốn làm được cách này thì tiểu phẩm hài phải thực sự chất lượng, hấp dẫn và có sự đầu tư từ khâu sản xuất”, đạo diễn họ Phạm cho biết thêm.
Rõ ràng, cách làm của đạo diễn Phạm Đông Hồng là cách làm hết sức khôn ngoan và hiệu quả nhưng để làm được điều này không phải dễ bởi c nhà đài không dại gì “rước” những đĩa hài nhảm nhí về phát trên kênh của mình để rồi bị khán giả ném đá. Bài toán kinh doanh này đặt ra cho các nhà sản xuất băng đĩa hài một hướng đi lâu dài, thoát khỏi lối “ăn xổi ở thì”… nhưng cũng đòi hỏi phải thật sự nghiêm túc với những sản phẩm của mình.
Bài 3: Nghịch lý thị trường hài Tết 2016: Khán giả phát ngán với những gương mặt cũ
Đình Chung