Nghịch lý của scandal trong giới giải trí Việt

(Dân trí) - Khi chuyện người mẫu Trang Trần say rượu và chửi bới trên phố ầm ĩ dư luận, nhiều người đã dự đoán, sự ầm ĩ này chỉ khiến cô người mẫu nổi tiếng hơn, được mời đóng phim nhiều hơn, thậm chí còn được tăng cát-sê… Những dự đoán “ngang trái” này có lý do của nó.

Xưa nay, báo chí đã viết nhiều về chuyện công chúng Việt không quyết liệt trong chuyện tẩy chay những nghệ sĩ thích nổi tiếng bằng scandal. Rất nhiều “người của công chúng” giàu lên, “phất” lên nhờ những câu chuyện đời tư ầm ĩ. Phi Thanh Vân đã đắt sô hơn rất nhiều sau khi công bố chuyện phẫu thuật thẩm mĩ, chuyện có thai với bạn trai khi 18 tuổi, chuyện bỏ chồng ngoại, nhuộm trắng da, và chuẩn bị sinh con với bạn trai mới. Ngọc Trinh trở thành gương mặt “đắt giá” của nhiều trang mạng chỉ bởi những phát ngôn thích yêu những người đàn ông giàu có để được bao bọc. Nhiều “ngôi sao” khác nổi tiếng chỉ vì có… ngực khủng. Và nhiều “ngôi sao” khác nữa được biết đến, được quan tâm chỉ vì diện chiếc váy tiền tỷ, vì một vài phát ngôn gây sốc, vì chiếc túi triệu đô…

Ở giới giải trí Việt, có rất nhiều cách để nổi tiếng, để được công chúng quan tâm, để được báo chí săn lùng.

Một trong những cách để nổi tiếng trong làng giải trí Việt

Một trong những cách để nổi tiếng trong làng giải trí Việt

Một diễn viên dính scandal sẽ được mời đóng phim nhiều hơn vì tai tiếng của cô ấy sẽ giúp bộ phim có doanh thu “khủng” hơn. Một nhạc sĩ đạo nhạc vẫn “thản nhiên” ra tác phẩm tiếp theo. Một ca sĩ ăn mặc hở hang uốn éo ở quán bar sẽ tiếp tục ăn mặc hở hang, sexy hơn (không ở quán bar nữa) mà lên hẳn… truyền hình.

Không ai tẩy chay nhạc sĩ đạo nhạc. Không ai bài trừ ca sĩ, diễn viên, người mẫu vì đời sống của họ nhiều scandal. Chính vì thế, ngày càng có nhiều hơn những “người của công chúng” nổi tiếng, và nổi tiếng bằng những cách chẳng giống ai. Quái hơn. Kỳ quặc hơn. “Khủng bố” tinh thần công chúng hơn. Đơn cử như cách, ngồi chễm chệ trên truyền hình để khẳng định “tôi không phải là dạng vừa đâu” và được một ban giám khảo toàn “sao” ngồi dưới tung hê hết lời!

Lỗi tại ai trong câu chuyện nghệ sĩ không giữ gìn hình ảnh?
Lỗi tại ai trong câu chuyện nghệ sĩ không giữ gìn hình ảnh?

Xuất hiện tại cuộc hội thảo về sản xuất phim ở Hà Nội, ngày 17/3, ông Jon Kuyper (Giám đốc sản xuất của hãng phim danh tiếng Warner Bros)- người đã đảm nhận vai trò sản xuất các bộ phim như Gatsby vĩ đại, Hunger Game, Chúa tể của những chiếc nhẫn… đã có những trao đổi về chuyện diễn viên ở Hollywood.

Ông Jon Kuyper cho biết, một scandal có thể giết chết danh tiếng một diễn viên ở Hollywood. Ông Kuyper lấy ví dụ như Mel Gibson- sau scandal hành hung bạn gái, Mel Gibson đã ít đóng phim hơn. Hay như Sean Peen, sau chuyện ầm ĩ khi ra tay với một người chụp ảnh (đã chụp ảnh Madona), Sean đã phải ngồi tù và sự nghiệp diễn xuất của Sean thời điểm đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dưới góc độ của một nhà sản xuất, ông Jon Kuyper đánh giá diễn viên dựa trên tài năng, dựa vào lối sống không scandal, và sức ảnh hưởng tích cực của họ đối với công chúng.

Jon Kuyper (ở giữa hàng trên) và hàng loạt phim bom tấn ông từng tham gia sản xuất

Jon Kuyper (ở giữa hàng trên) và hàng loạt phim bom tấn ông từng tham gia sản xuất

Đơn cử như với bộ phim Gatsby vĩ đại (The Great Gatsby), ông Jon khẳng định, đã chọn Leonardo DiCaprio vì tài năng của anh, vì Leo sống rất kín đáo, cẩn trọng trong đời sống riêng tư, và vì ở Mỹ, “ai cũng muốn đi xem phim có Leonardo đóng”. Jon Kuyper khẳng định, bộ phim Gatsby vĩ đại ở Mỹ có được doanh thu lớn chính nhờ một phần có sự tham gia của Leonardo Dicaprio.

Câu hỏi đặt ra, tại sao một nam diễn viên sống kín đáo, cẩn trọng trong đời sống riêng tư như Leonardo Dicaprio lại khiến công chúng Mỹ- “ai cũng muốn đi xem phim có Leo đóng”?

Jon Kuyper (ở giữa hàng trên) và hàng loạt phim bom tấn ông từng tham gia sản xuất

Theo đánh giá của Jon Kuyper, Leonardo Dicaprio là diễn viên sống kín đáo trong chuyện tình cảm, chỉnh chu về mặt hình ảnh và ở Mỹ- ai cũng muốn xem phim có Leo đóng.

Nói về các diễn viên nổi tiếng ở Hollywood, ông Jon Kuyper có đưa ra kết luận, “Để khẳng định được vị trí của mình, các diễn viên cũng giống như những vận động viên tham gia Olympic- phải luôn là người dẫn đầu trong cuộc chơi”.

***

Trở lại với câu chuyện về văn hóa tẩy chay, văn hóa bài trừ của công chúng trước những “người của công chúng” thích “phất” lên nhờ scandal ở giới giải trí Việt. Vậy, lỗi tại công chúng Việt dễ dãi? Hay lỗi tại một số “người của công chúng” không đủ tài năng, không đủ tự trọng?


Hào Hoa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm