Nghĩ từ chuyện nghệ sĩ già không muốn “ngửa tay” xin danh hiệu
(Dân trí) - Vào ngày 10/1 tới đây, Bộ VH,TT&DL tổ chức phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 8 - 2015 cho 437 cá nhân. Tuy nhiên, nhìn lại mà thấy xót xa cho nhiều nghệ sỹ già cả một đời cống hiến cho nghệ thuật nhưng đến những ngày cuối đời vì không xin nên cũng chẳng được xét danh hiệu đúng với công lao và tầm vóc của họ.
Cống hiến cả đời cũng phải đi xin?
Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng của Bộ VH,TT&DL cho biết, ngày 10/1 tới đây, Bộ VH,TT&DL sẽ tổ chức lễ vinh danh và phong tặng danh hiệu NSND (Nghệ sỹ Nhân dân), NSƯT (Nghệ sỹ Ưu tú) cho 437 cá nhân trong các lĩnh vực nghệ thuật tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tính đến thời điểm này, giấy mời đã được chuyển về cho các cá nhân có tên trong danh sách được phong tặng.
Trong số 437 nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần này có 101 nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu NSND và 336 nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu NSƯT. Riêng Hà Nội có 37 nghệ sỹ, trong đó 27 NSƯT và 10 NSND được phong tặng dịp này.
Những lĩnh vực được phong tặng lần này gồm có: Âm nhạc, Sân khấu, Múa, Điện ảnh, Phát thanh - Truyền hình. Những cái tên quen thuộc trong danh sách NSND có thể kể đến: NSƯT Minh Châu, NSƯT Trung Hiếu, NSƯT Quốc Anh, NSƯT Tự Long, NSƯT Quốc Trượng, NSND Trần Nhượng...; các nghệ sỹ nổi tiếng được phong tặng NSƯT như: diễn viên múa Linh Nga, nhạc sỹ Hồ Hoài Anh, diễn viên Hoài Linh, biên đạo múa Trần Ly Ly...
Điều đáng nói là có nhiều nghệ sỹ thừa hoặc đủ điều kiện để được xét tặng lần này nhưng vì không làm hồ sơ xin được xét tặng theo thủ tục hành chính hoặc có nhiều đóng góp nhưng không có huy chương nên đã không nằm trong diện được xét tặng lần này. Sự việc này lại thêm một lần dấy lên những xót xa bởi cơ chế xin cho vẫn đè nặng trong việc phong tặng danh hiệu.
Mới đây, NSƯT Trần Hạnh đã chia sẻ rằng, ông là thế hệ nghệ sỹ đầu tiên của Việt Nam được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Thời đó, Nhà nước chủ động phong cho các nghệ sỹ như ông khi nhìn thấy có nhiều cống hiến đối với nghệ thuật chứ không phải xin mới được xét như bây giờ. Nhiều người cho rằng, với 3 lần đoạt HCV với vai trong vở kịch “Nguyễn Trãi”, “Tiền tuyến gọi”, “Hamlet”, giải Nam diễn viên xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ 11 với phim “Nước mắt đàn bà” và nhiều giải thưởng khác, nếu làm hồ sơ để xin danh hiệu chắc giờ này NSƯT Trần Hạnh cũng đã có tên trong danh sách được phong tặng NSND lần này. Nhưng ông chia sẻ rằng, ông không làm hồ sơ dịp này vì biết xin cũng chưa chắc được.
Tương tự, diễn viên Phú Đôn cũng chia sẻ rằng, với số huy chương anh hiện có nếu gộp lại cũng đủ để được xét NSƯT nhưng chưa bao giờ anh làm hồ sơ bởi theo đúng quy định xét tặng phải có từ hai huy chương vàng hội diễn sân khấu chuyên nghiệp trở lên. Nam diễn viên chuyên đóng vai khổ của màn ảnh truyền hình thẳng thắn rằng: “Tôi không muốn biến mình thành con rối trong cuộc chạy đua danh hiệu hay giải thưởng”.
Trước đó, NSƯT Út Bạch Lan cũng trải lòng rằng, từ lâu lắm rồi bà không quan tâm nhiều đến chuyện xin danh hiệu cho mình. Nếu khán giả hay giới chuyên môn trao cho bà danh hiệu nào, bà sẽ nhận danh hiệu đó. Với bà, ngần đó năm cống hiến cho nghệ thuật sân khấu cải lương truyền thống, được khán giả yêu mến phong tặng cho bao nhiêu nghệ danh cũng đã đủ ấm lòng lắm rồi. Bây giờ, chỉ vì danh hiệu NSND mà bà phải làm đơn để xin thì bà không muốn.
Sống phải xin, chết mới được truy tặng
Trong danh sách 437 nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu đợt này có hai trường hợp được đề nghị truy tặng danh hiệu NSND đó là trường hợp của cố nghệ sĩ La Thị Cẩm Vân - người có nhiều cống hiến trong công tác biên đạo múa ở Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế và cố NSƯT Nguyễn Anh Dũng- Nhà hát Kịch Việt Nam (vừa qua đời hồi tháng 4/2015). Thực ra, để có được danh hiệu này, đích thân NSND Lê Tiến Thọ (Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam) và Nhà hát Kịch Việt Nam phải nỗ lực làm hồ sơ xin được truy tặng danh hiệu NSND gửi lên các cấp Hội đồng mới được xét. Trước đó, cố NSND Phương Thanh (vợ của NSƯT Anh Dũng) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Đó là phải 3 năm sau khi mất, nhờ NSƯT Minh Châu và Bùi Cường nhiệt tình đứng ra vận động, kêu gọi anh em bạn bè đồng nghiệp cùng xin truy tặng danh hiệu thì chị mới được xét truy tặng danh hiệu NSND.
Còn nhớ, vào năm 2013, dù có tới 50 năm hoạt động nghệ thuật, tham gia khoảng 1000 tác phẩm sân khấu – điện ảnh - truyền hình, có nhiều tìm tòi sáng tạo, để lại nhiều dấu ấn khó phai trong lòng công chúng… nhưng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng nghệ sỹ Văn Hiệp vẫn chưa được phong bất kỳ danh hiệu nào. Quá xót xa cho hoàn cảnh của đồng nghiệp, đích thân NSND Khải Hưng đã soạn một lá đơn và rất nhiều đồng nghiệp đã đồng loạt ký tên vào lá đơn này để trình lên Chủ tịch nước đề nghị truy tặng danh hiệu cho ông. Mãi cho đến 5 tháng sau khi nghệ sỹ Văn Hiệp mất, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng danh hiệu NSƯT cho ông vì những đóng góp của ông cho nền nghệ thuật nước nhà.
Và mới năm ngoái đây thôi, thấy NSƯT Minh Vương và NSƯT Út Bạch Lan cả một đời cống hiến cho nghệ thuật cải lương với hàng nghìn vai diễn để đời nhưng khi tuổi đã xế bóng mà vẫn chưa được xét tặng NSND, đích thân NSND Kim Cương đã ôm một tập hồ sơ dày cộm đi gõ cửa nhiều cơ quan quản lý để xin xét tặng danh hiệu cho hai nghệ sỹ già này nhưng đến nay họ vẫn chưa được gì. Xót xa trước nghịch cảnh, NSƯT Minh Vương buồn bã thốt lên: “Có thể chờ một vé vớt, đó là đến khi lìa đời như một vài đồng nghiệp. Lúc đó, các văn nghệ sĩ là bạn bè có mặt ở đám tang cùng ký tên vào đơn kiến nghị nhà nước truy tặng danh hiệu NSND cho tôi”.
Thực ra đây không phải là câu chuyện mới đặt ra lần đầu. Nhiều năm qua, đã có không ít những con người cụ thể và những bài báo cụ thể đã lên tiếng về điều này. Tuy nhiên, các thủ tục xét tặng danh hiệu vẫn chưa có gì thay đổi. Suy cho cùng danh hiệu không phải là tất cả bởi người nghệ sỹ khi đã dấn thân cống hiến họ chẳng bao giờ họ nghĩ đến lợi danh, nhất là lớp nghệ sỹ đang ở độ tuổi già xế bóng. Nhưng nếu tôn vinh họ bằng một danh hiệu như một cách ghi nhận của nước nhà trước những cống hiến của họ đối với sự nghiệp nghệ thuật mà cứ bắt họ phải đi xin, phải chứng minh với đủ loại giấy tờ, thành tích, huy chương… âu là chưa hợp nhẽ.
Vì thế, một khi đã tôn vinh họ thì cũng nên linh hoạt trong việc xem xét bởi các nghệ sỹ già cũng như ngọn đèn trước gió, nay sống, mai chẳng biết ra sao… Việc phong tặng khi họ còn sống để họ cảm nhận được niềm hạnh phúc thật sự mới là điều họ cần. Chết đi rồi, có truy tặng danh hiệu nọ, danh hiệu kia đôi khi cũng chỉ là một cách an ủi người sống mà thôi.
Hà Tùng Long